Đặc biệt với Amazon, sàn thương mại điện tử toàn cầu - nơi có hàng vạn mặt hàng sản phẩm được rao bán và người tiêu dùng luôn “tự giác” tìm đọc, đồng thời cung cấp thông tin đánh giá chấm điểm sản phẩm - vấn đề giám sát hoạt động đánh giá của cộng đồng người dùng luôn là ưu tiên hàng đầu với doanh nghiệp.
Thứ 6 tuần trước, amazon tiếp tục thực thi các biện pháp mạnh tay nhằm chấn chỉnh hành vi đánh giá, nhận xét sai sự thật với ý đồ chơi xấu, phá hoại, khiến người dùng hiểu sai lệch về một sản phẩm và từ đó thay đổi quyết định mua hàng của mình.
Cụ thể, hãng đã đệ đơn kiện 1114 đánh giá viên giả mạo, tạm gọi chung với định danh nhóm “John Does”, với cáo buộc bán dịch vụ viết bình luận trên fiverr với mức giá chỉ từ 5 đôla Mỹ cho các doanh nghiệp và cá nhân muốn lợi dụng các review trên Amazon.com để tấn công đối thủ.
“Mặc dù con số này không lớn, song rõ ràng những đánh giá giả mạo sẽ làm xói mòn nghiêm trọng niềm tin của người tiêu dùng cùng như gây tổn hại không nhỏ cho những đơn vị sản xuất, bán hàng trên sàn giao dịch Amazon, dần dà làm xấu đi hình ảnh của chính Amazon trong mắt đông đảo khách hàng và đối tác”, công ty công nghệ tuyên bố đầy giận dữ trong hồ sơ khởi kiện của mình.
Theo User Interface Engineering, ước tính hệ thống đánh giá của Amazon đem về 2,7 tỷ USD doanh thu hàng năm cho sàn thương mại điện tử. Dễ hiểu vì sao ngài Jeff Bezos lại “phẫn nộ” trước tệ nạn đánh giá “rởm” đến thế.
Bản thân “sàn giao dịch việc làm” Fiverr cũng rất bức xúc trước vấn đề này, song chưa tìm được cách giải quyết nào thực sự triệt để đối với “các nhân tố xấu”. Là nơi freelancer và người dùng chào bán hoặc đặt hàng các dịch vụ hỗ trợ đa dạng (từ viết CV, viết các nội dung truyền thông sáng tạo, thiết kế web, dịch thuật v.v.) với mức giá chỉ từ 5 USD, Fiverr cũng vô tình trở thành mảnh đất màu mỡ cho các dịch vụ đen với những nội dung yêu cầu kém lành mạnh.