Vỏn vẹn hai ngày sau khi tòa án liên bang Mỹ phê duyệt cho phép AT&T và Time Warner sáp nhập bất chấp sự phản đối của Bộ Tư pháp, thỏa thuận trị giá 85 tỷ USD này đã chính thức được hoàn tất.
Sau thương vụ này, Time Warner đã trở thành một phần của AT&T, giúp gã khổng lồ này trở thành tập đoàn truyền thông lớn nhất thế giới. Họ nắm trong tay những kênh truyền hình lớn và quen thuộc với khán giả Việt Nam như HBO, CNN, và cả hãng phim Warner Bros. cũng đã thuộc về AT&T.
Lý do mà Bộ tư pháp Mỹ muốn ngăn cản vụ sáp nhập này là bởi họ lo ngại AT&T sẽ trở thành một công ty độc quyền có quyền lực khủng khiếp. Sau khi Net Neutrality bị bãi bỏ hồi đầu năm nay, AT&T hoàn toàn có thể bóp chẹt băng thông của những nội dung số mà các đối thủ như Netflix hay Amazon cung cấp trên hạ tầng mạng của mình, trong khi mở đường cho nội dung của các kênh do họ sở hữu. Điều này sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh có lợi cho AT&T và Time Warner.
Ngay khi thương vụ này đang diễn ra, một vụ sáp nhập lớn khác cũng manh nha được thực hiện. Hãng phim 21st Century Fox đang dự định "bán mình" cho Disney với giá 54 tỉ USD, nhưng Comcast (một hãng viễn thông khác tương tự AT&T) nhảy vào đưa ra cái giá 65 tỉ USD. Chưa rõ 21st Century Fox sẽ theo chân ai trong thương vụ này.
Với hai thương vụ trên, có thể thấy rằng trong xu hướng mới, các nhà mạng và các công ty sản xuất nội dung đang có xu hướng sáp nhập để tạo thành một liên doanh vừa sản xuất nội dung, vừa phân phối nội dung đó đến tận tay khách hàng. Điều này sẽ giúp họ tăng sức cạnh tranh trên thị trường, nhưng cũng khiến công chúng lo ngại bởi khả năng khống chế thông tin của họ.
Hiện tại, 6 công ty lớn sở hữu gần như toàn bộ (90%) các phương tiện xuất bản của Mỹ (truyền hình, sách báo, game, các hình thức cung cấp thông tin nói chung) là National Amusements, Disney, Time Warner, Comcast, News Corp, Sony, và họ có sức mạnh khủng khiếp trong việc định hướng dư luận bằng các kênh thông tin của mình.
Nhà mạng AT&T chính thức tiến hành sáp nhập với gã khổng lồ Time Warner, bằng thương vụ trị giá kỷ lục 85,4 tỷ USD