Các nhà khoa học vừa nhận ra một xu thế đáng lo ngại của thời tiết. Theo một nghiên cứu vừa được đăng tải trên tờ Nature, trong vòng 70 năm qua, các cơn bão nhiệt đới trên khắp thế giới đã di chuyển chậm hơn 10%, và ở một số vùng thay đổi này còn lớn hơn nữa.
Điều này có nghĩa là các cơn bão dành nhiều thời gian hơn để “càn quét” các khu vực nó đi qua, tàn phá nhà cửa, ruộng vườn và tạo ra lượng mưa lớn hơn nữa.
“Việc nó đi chậm lại trên đất liền là điều sẽ thực sự ảnh hưởng đến con người,” James Kossin, tác giả nghiên cứu và là chuyên gia về bão nhiệt đới tại Phòng giám sát khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ cho biết.
Ông chỉ ra rằng hậu quả mà cơn bão Harvey gây ra cho thành phố Houston là ví dụ về việc những cơn bão chậm hơn có thể làm được gì. Cơn bão này đã khiến nhiều khu vực của thành phố ngập trong 1,5 mét nước. “Bão Harvey hồi năm ngoái là một ngoại lệ về lượng mưa nó gây ra. Lượng mưa đó gần như hoàn toàn là do việc nó di chuyển quá chậm.” Ít nhất 93 người đã chết do cơn bão này.
Bão Harvey nhấn chìm thành phố Houston trong biển nước.Nguyên nhân của việc bão di chuyển chậm lại là do bầu khí quyển của trái đất đang nóng dần lên. Nó khiến các cực cũng ấm lên, ảnh hưởng đến áp suất khí quyển. Khi sự chênh lệch về áp suất giữa vùng cực và xích đạo giảm đi, nó khiến những cơn gió đẩy những khối không khí lưu chuyển từ xích đạo ra vùng cực chậm lại.
Các cơn bão đi theo những cơn gió này, cũng như tàu trên dòng suối. Vì thế, tốc độ di chuyển của bão nhiệt đới chậm đi.
Nghiên cứu này được các nhà khoa học về khí tượng khác đánh giá cao. Bà Chistina Patricola, một nhà khoa học khí tượng tại phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley nói rằng trước giờ, các nghiên cứu về bão thường chỉ tập trung vào tần suất xuất hiện bao và tốc độ gió, nhưng lượng mưa cũng là một phần quan trọng của vấn đề thường bị bỏ qua.
Một nghiên cứu khác được công bố vào tháng trước bởi các nhà khoa học ở Trung tâm nghiên cứu khí quyển quốc gia Mỹ nhận thấy kết quả tương tự khi phân tích 22 cơn bão gần đây, và dự đoán rằng bão trong tương lai sẽ có gió xoáy mạnh hơn, di chuyển chậm chạp hơn, đem lại lượng mưa lớn hơn. Một cơn bão chậm hơn 10% có thể đem lại lượng mưa nhiều gấp đôi lên một khu vực, vì không khí và nước biển ấm hơn khiến bão kéo theo nhiều hơi nước hơn nữa.
Khi đổ bộ vào đất liền, bão chậm mang theo một lượng nước và hơi nước lớn hơn nữa.“Nếu gió thổi mạnh vào một công trình, và thổi lâu hơn vài giờ, khả năng công trình đó sập tăng lên rất cao. Bạn bị ngập nhiều hơn, nhiều thiệt hại từ gió hơn. Nước biển cũng sẽ dâng lên, và bão di chuyển chậm thường đẩy một bức tường nước lớn hơn nhiều. Đó là ba cái hại cùng lúc.” Ông Kossil kết luận.