Rõ ràng, Qualcomm đang lên kế hoạch tái cấu trúc do làm ăn thua lỗ, với doanh thu và lợi nhuận chỉ đạt 5,8 tỷ và 1,2 tỷ trong quý này, tương ứng mức giảm 14% và 40% so với cùng kỳ năm trước.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thất thế này của nhà sản xuất chip điện tử hàng đầu, song cơ bản nhất vẫn là do sự “lạnh nhạt” của hai ông lớn samsung và Apple.
Cần biết rằng phần lớn doanh thu của Qualcomm đến từ việc sản xuất và bán chips dành cho ngành công nghiệp viễn thông di động. Mà thị trường thiết bị di động, cụ thể là smartphone, hiện do apple và Samsung thống trị với tổng thị phần toàn cầu lên tới 85%. Bởi thế, nếu có thể hợp tác làm ăn với hai nhà sản xuất này, chắc chắn bên cung cấp linh kiện điện tử sẽ “lời to”.
Thế nhưng, vấn đề nảy sinh khi các ông trùm công nghệ ngày càng thích “tự biên tự diễn”. Với Táo khuyết, hãng có truyền thống tự sản xuất bộ xử lý chính cho iPhones và chỉ mua của Qualcomm các sản phẩm baseband modem tầm tầm, đem về ít lợi nhuận. Vậy là, thay vì có thể “kiếm chác” được từ ông lớn công nghệ với tư cách nhà cung cấp các thiết bị phụ trợ, Qualcomm hứng chịu nghịch lý: Apple càng lớn mạnh, thị phần của hãng càng sa sút.
Thế nhưng, Samsung còn là “nỗi đau” lớn hơn cả, bởi công ty xứ Hàn từng là khách ruột của Qualcomm từ năm 2011, song năm nay cũng đã quyết định sử dụng chips “cây nhà lá vườn” cho dòng sản phẩm chủ lực Galaxy S6.
Nếu iPhones và các sản phẩm Galaxy cao cấp tiếp tục đà tăng trưởng và thống lĩnh thị trường, nhiều đơn vị sản xuất thiết bị tầm trung và thấp cấp sẽ càng thêm điêu đứng – gián tiếp dẫn tới tình trạng ế ẩm cho các doanh nghiệp hỗ trợ ngành công nghiệp như Qualcomm.
Sau báo cáo tài chính hôm qua, cổ phiếu Qualcomm sụt giảm hơn 4% giá trị.
Thừa nhận những sa sút và triển vọng kém tốt lành từ thị trường song Qualcomm vẫn tỏ ra tin tưởng vào khả năng tăng trưởng của hãng, cho biết hãng sẽ tiếp tục chi thêm 4 tỷ đô cho hoạt động nghiên cứu phát triển, đặc biệt với các lĩnh vực tiềm năng mới như networking, mạng vạn vật kết nối và máy tự động.
“Chúng tôi đang nung nấu một kế hoạch mà chúng tôi tin sẽ cho phép công ty tăng trưởng có lãi trong thời gian tới, giữa bối cảnh môi trường kinh doanh nhiều thách thức như hiện nay, đồng thời tạo điều kiện để chúng tôi vận hành các công nghệ và sản phẩm mới có khả năng định vị tương lai thành công cho toàn doanh nghiệp.” – dẫn lời ông Steven Mollenkopf, CEO của Qualcomm.