Sự chậm trễ này đã châm ngòi cho sự bùng nổ của hoạt động chợ đen tại Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg
Mẫu iPhone 6 và iPhone 6 Plus đã chính thức lên kệ tại Mỹ, Anh, Puerto Rico, Canada, Nhật Bản, Hong Kong, Singapore, Australia, Pháp và Đức, nhưng thiếu vắng thị trường tiềm năng vào bậc nhất là Trung Quốc.
Lí do đơn giản là do Bộ Thông tin, công nghệ và truyền thông của quốc gia này chưa kiểm duyệt mẫu điện thoại mới trên để hoạt động chung với các nhà mạng nội địa.
Sự chậm trễ này không chỉ gây thiệt hại cho Apple, công ty đã tẩu tán thành công số lượng iPhone 5S kỷ lục tại Trung Quốc trong quý IV/2013, mà còn châm ngòi cho sự bùng nổ của hoạt động chợ đen.
Liu Min, một tay buôn đã chọn chỗ ngồi bán hàng khá đắc địa, chỉ cách Apple Store tại Bắc Kinh vài mét, rao bán một mặt hàng chính cửa hàng này cũng chưa có: iPhone 6.
Theo lời rao của Liu Min, người mua chỉ cần đặt tiền trước, sau hai ngày chuyển hàng, họ sẽ có trong tay bản iPhone 6 16- gigabyte với giá 8.000 nhân dân tệ (tương đương 1.303USD), đắt gần gấp đôi so với giá Apple niêm yết trên website tại Hongkong.
“Chắc phải lâu nữa iPhone mới chính thức về đến Trung Quốc, nên nếu bạn muốn có hàng luôn, bạn sẽ phải chi thêm một chút, cứ gọi vào số của tôi nếu có nhu cầu nhé”, Liu chào mời.
Liu – từ chối tiết lộ nguồn cung hàng – không phải là người duy nhất chào bán sản phẩm đang “hot” tại Trung Quốc này. Ngay gần đó, cũng có 4 tay buôn khác chào giá iPhone 6 128-gigabyte, giao hàng ngày 20/9 với giá 2.441USD, đội lên nhiều lần so với mức giá niêm yết 927USD tại Hongkong.
Một người báo rao iPhone trên đường Trung Quốc.
Trên thực tế, người dùng muốn tiếp cận iPhone chính thống tại Trung Quốc sẽ phải đợi thêm 3 tháng nữa. Trong thời gian này, sẽ có khoảng 5 triệu điện thoại được tuồn lậu vào quốc gia, ông Neil Shah – Giám đốc nghiên cứu mảng thiết bị tại công ty Counterpoint Research ước tính.
Khoản lãi “ngon ăn” từ hoạt động buôn lậu iPhone này khiến nhiều nhà đầu tư tài chính cũng phải ghen tị.
“Quả thực là một vốn bốn lời. Họ có thể bỏ túi 50 – 150% lãi từ khoản vốn ban đầu, tỷ suất cao hơn nhiều thị trường chứng khoán”, ông Ronald Wan – trưởng tư vấn gia tại công ty chứng khoán Asian Capital Holdings nhận xét.
Nhận thấy cơ hội, không ít thành phần trí thức hoạt động trong lĩnh vực tài chính tại Trung Quốc cũng nhanh chóng nhảy vào mảng kinh doanh màu mỡ này.
Anh Justin Leung, 28 tuổi, một nhà đầu tư tài chính tại Hongkong cho biết anh đã nhờ một người bạn tại Nhật Bản mua iPhone 6, sau đó anh lên kế hoạch bán lại tại Đại lục. Theo tiết lộ của Justin, ban đầu anh đặt bạn mua 35 chiếc, nhưng cuối cùng anh ấy chỉ mua được 25 máy.
Anh Su Ling – 32 tuổi – nhân viên tại một ngân hàng châu Âu chi nhánh Hongkong, cũng tranh thủ kiếm tiền từ cơ hội nhiều năm có một này. Anh đã mua hai chiếc iPhone 6 từ trang web của Apple tại Hongkong với giá 826USD/chiếc, sau đó dự tính sẽ bán lại với giá 1.290USD/chiếc.
“Trong phòng tôi, ai vào được trang web cũng đặt mua một cặp. Tôi sẽ sang Thẩm Quyến để rao bán trên đường nếu các chốt hải quan gần biên giới thành phố không kiểm soát quá chặt”, anh cho biết. Anh này đã từ chối cung cấp tên ngân hàng anh làm vì sợ... sếp đuổi việc.
Chị Zhong Chenyan, một nhân viên marketing 28 tuổi tại Hongkong cũng vừa nhảy vào lĩnh vực kinh doanh đầy may rủi này. Chị vừa mua hai chiếc iPhone gold bản 128-gigabyte trên mạng và dự định bán lại một chiếc cho người quen với giá 1.546USD, một chiếc cho khách với giá 1.950USD.
“Rất nhiều người tôi biết cũng làm việc này, tôi muốn tham gia cho vui. Nếu mua được máy và bán có lãi thì tuyệt, không cũng chẳng sao”, chị cho hay.
Trên thực tế, những người mua đi bán lại iPhone 6 qua chợ đen đã vi phạm 2 luật của Trung Quốc: Họ trốn thuế nhập khẩu (ở mức khá cao) đối với sản phẩm được mang bán lại qua biên giới, đồng thời tiếp tay cho hoạt động tiêu thụ các thiết bị di động chưa được chính phủ Trung Quốc thông qua.
theo bizlive.vn
Có thể bạn quan tâm: