Khi Google tuyên bố tung ra trình duyệt web của riêng mình vào ngày Quốc tế lao động năm 2008, thế giới được biết nhiều hơn về Sundar Pichai – một giám đốc bậc trung vốn còn ít tên tuổi trên thương trường, với vẻ ngoài gày gò và cách nói năng nhỏ nhẹ. Ở thời điểm đó, có ai ngờ rằng chỉ trong 6 năm, Pichai có thể nhanh chóng leo lên một vị trí quyền lực đến thế tại đế chế Google – chỉ đứng sau CEO Larry Page.
Song, cũng nên biết là ở thời điểm ra mắt, trình duyệt chrome của Google bị xem là một thất bại, dù cho đội ngũ truyền thông đã chuẩn bị tinh thần để biến màn "chào sân" của Chrome thành một sự kiện "khuấy đảo thị trường" và là lời tuyên chiến với Microsoft. Thậm chí, hãng này còn bí mật sản xuất cuốn truyện tranh dày 38 trang "tôn vinh" những tính năng ưu việt và độc đáo của trình duyệt Google.
Điều tồi tệ là cuốn sách này đã bị rò rỉ sớm hơn dự kiến 1 ngày, khiến đội hình Google phải nháo nhác giải quyết sự cố. Các lãnh đạo như Pichai và Marissa Mayer nhanh chóng được triệu tập và kết quả là Chrome đã được công bố ngay trong dịp nghỉ lễ.
Dù vậy, rắc rối ban đầu nhanh chóng bị lãng quên, và kể từ ngày đó đến giờ, Chrome không ngừng khẳng định vị thế trình duyệt wes số 1 thế giới của mình, mở đường cho các sản phẩm chiến lược "đàn em" như Chrome OS, Chromebooks, Chromecast và là "bệ phóng" danh vọng thần tốc cho Sundar Pichai – giúp người đàn ông này có bước thăng tiến vào loại nhanh nhất trong giới công nghệ.
Liệu Pichai có cùng Google "làm nên chuyện" trong sự kiện I/O năm nay? |
Tuy nhiên trước đó, Pichai đã đánh dấu tên tuổi của mình bằng một phát kiến tưởng như nhỏ bé những lại vô cùng có giá trị: thanh công cụ Google Toolbar, mũi tấn công ban đầu tạo tiền đề để bộ tìm kiếm Google trở thành lựa chọn mặc định (default option) trên các trình duyệt Internet Explorer và Firefox, đồng thời giúp hãng này theo dõi hành vi lướt web của người dùng. Thế đứng của Pichai tại Google càng thêm vững chắc, khi ông – với tư cách người dẫn dắt sản phẩm mới – đã kiên cường bảo vệ "vũ khí chủ lực" của mình trong cuộc chiến với Microsoft. Ngay sau khi Chrome ra mắt, Pichai đã được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch, và sau đó, là Phó chủ tịch cấp cao của một trong những công ty công nghệ có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất trên thế giới.
Trên cương vị của mình, Pichai bao quát rộng các sản phẩm ứng dụng của Google, bao gồm Gmail, và trở thành thành viên của nhóm chuyên viên L-team có quyền báo cáo trực tiếp tới CEO Larry Page. Và sau khi "cha đẻ" của hệ điều hành Android – Andy Rubin – chuyển sang nhóm phát triển dự án robot tại Google, Page đã tiến cử Pichai quản lý thêm mảng Android.
Điều này đồng nghĩa với việc quyền hạn quản lý của Pichai bao trùm một phần lớn các mảng sản phẩm tại Google, bao gồm bộ công cụ tìm kiếm, bản đồ, Google+, các sản phẩm thương mại, quảng cáo và hạ tầng (ngoại trừ YouTube và những đơn vị bán độc lập khác như Nest, Google X và Calico).
Sundar Pichai - "người cầm quyền" dễ mến của Google |
Sundar Pichai năm nay 42 tuổi, có nguyên quán tại thành phố Chennai thuộc bang Tamil Nadu, miền nam Ấn Độ. Sau khi lấy bằng đại học trong nước, Pichai theo học và lấy bằng kỹ sư cao học về khoa học vật liệu tại Đại học Standford và bằng thạc sỹ quản trị kinh doanh (MBA) tại trường Wharton, Đại học Pennsylvania (Hoa Kỳ). Ông từng làm việc tại Công ty Tư vấn McKinsey và Công ty Applied Materials trước khi đầu quân cho Google vào năm 2004.
Tại Google, Pichai cũng là một “sếp” được cả cấp trên và cấp dưới yêu mến, khi luôn giữ thái độ hòa nhã, thân thiện. Khi thông tin Sundar Pichai trở thành Giám đốc sản phẩm Google ngập tràn các kênh truyền thông, nhà đầu tư mạo hiểm Om Malik đã đăng dòng tweet nói lên suy nghĩ của rất nhiều người (đại ý): "Thấy chưa, ai bảo hiền lành thì thua thiệt!"
Cùng chờ xem vị Phó chủ tịch cấp cao Google sẽ dẫn dắt tập đoàn công nghệ này như thế nào trong tương lai. Và trước hết, là việc Pichai sẽ dẫn dắt Google I/O 2015 như thế nào, khi chỉ còn vài giờ nữa, sự kiện công nghệ đình đám này sẽ được khai mạc.