Điểm mạnh:
- Thiết kế nhỏ gọn, độc đáo.
- Hiệu năng đồ họa và ổ cứng mạnh mẽ.
- Không gây nhiều tiếng ồn.
- Hỗ trợ tới 3 màn hình độ phân giải Ultra HD 4K.
Điểm yếu:
- Tỏa hơi nhiều nhiệt và làm mát không đủ nhanh khi đã ngừng tác vụ nặng.
- Chưa có nhiều ứng dụng tận dụng được 2 vi xử lý đồ họa cùng lúc.
Theo Engadget, nhìn lướt qua các thông số của Mac Pro 2013, bạn sẽ nhận ra rằng Apple đã không chỉ giải quyết vấn đề kết nối cho Mac Pro. Được thiết kế lại toàn bộ, Mac Pro 2013 nhỏ và nhẹ hơn rất nhiều, có thiết kế hình trụ độc đáo, hệ thống làm mát tân tiến tạo ra rất ít tiếng ồn.
Về mặt phần cứng, Mac Pro không đem đến quá nhiều bất ngờ: Có tới 2 vi xử lý đồ họa (GPU), ổ cứng thể rắn (SSD), Wi-Fi 802.11ac, dung lượng RAM tối đa lên tới 64GB và vi xử lý Intel Xeon với số nhân từ 4 đến 12. Với cấu hình này, Mac Pro đủ sức để đảm đương các tác vụ năng kí, đặc biệt là trong bối cảnh đồ họa 4K đang ngày càng trở nên phổ biến hơn.
Nếu bạn là một người thợ chụp ảnh chuyên nghiệp, thợ quay phim chuyên nghiệp, kỹ sư âm thanh, nghệ sĩ đồ họa, bạn có thể cân nhắc bỏ ra từ 2999 USD (63,3 triệu đồng, giá gốc tại Mỹ) cho tới 9599 USD (hơn 200 triệu đồng). Bạn cũng có thể thêm Mac Pro vào danh sách mơ ước của mình, nhưng trước hết, hãy cùng xem xét xem chiếc máy trạm (workstation) này có xứng đáng với tầm giá hay không đã.
Thiết kế
Anti-fan của Apple nói rằng Mac Pro trông giống như một chiếc… thùng rác, song có thể khẳng định chắc chắn rằng Mac Pro đẹp hơn tất cả những chiếc thùng rác trang trí khác do các nhà thiết kế danh tiếng tung ra thị trường. Thiết kế hình trụ (phía trên có khoảng rỗng để tản nhiệt) khiến Mac Pro bị mỉa mai rất nhiều, nhưng rõ ràng Mac Pro trông rất giống một thiết bị đến từ tương lai.
Ở mặt sau của máy, bạn có thể thấy logo Táo quen thuộc, nút nguồn và một khu vực dành riêng cho các kết nối. Mac Pro cao khoảng 25cm và có đường kính khoảng 16,8 cm. Để tiện hình dung, Mac Pro có chiều cao bằng khoảng một nửa các màn hình 27 inch (ví dụ như Cinema Display của Apple), và có kích cỡ bề ngang tương đương với máy điện thoại văn phòng. Bởi vậy, bạn hoàn toàn có thể sử dụng Mac Pro trên sân khấu hoặc trong phim trường.
Mac Pro rất nhẹ, với cân nặng khoảng 5kg, bạn hoàn toàn có thể mang theo chiếc máy này trong những chuyến chụp ảnh dài ngày. Do Mac Pro có hình trụ nên bạn khó có thể cầm bằng tay, song khi đặt vào chiếc hộp đóng gói của máy, bạn có thể mang Mac Pro lên ô tô một cách dễ dàng. Bề mặt nhôm bóng của Mac Pro cũng rất dễ bám vân tay (nhiều hơn tất cả các sản phẩm Apple khác). Do đó, nếu bạn muốn mang Mac Pro theo các chuyến đi dài ngày, hãy chuẩn bị sẵn khăn lau để giữ vệ sinh cho máy.
Mac Pro có khá nhiều kết nối: cổng cắm microphone và tai nghe, 4 cổng USB 3.0, 6 cổng Thunderbolt 2, 2 cổng Ethernet và một cổng HDMI 1.4. Cũng giống như mọi khi, Apple đã mang tới một số chi tiết khá thú vị , ví dụ như nút nguồn sẽ hơi sáng lên khi bạn bật máy; thân máy cũng được điểm xuyết một số đèn trang trí khác. Các đèn LED sẽ mờ dần khi bạn tắt máy, và sẽ sáng lên khi khởi động. Ngoài ra, trên thân máy cũng có một nút khóa nhỏ để mở phần vỏ nhôm bên ngoài. Khi tháo vỏ, bạn sẽ không thể khởi động được Mac Pro. Ngoài ra, Mac Pro cũng thiếu khe cắm thẻ nhớ.
Cấu hình
Khi mở vỏ máy, bạn sẽ thấy bên trong Mac Pro là một bo mạch 3 mặt được Apple gọi là "lõi nhiệt" ("thermal core"). 2 trong số 3 mặt này thực chất là card màn hình (GPU), trong khi CPU được đặt trên mặt còn lại. Bạn có thể lựa chọn lắp đặt cho Mac Pro 2 card màn hình AMD FirePro D700 với tổng lượng RAM dành cho card màn hình là 12GB. Các khe cắm RAM được lắp đặt ở 2 bên bo mạch CPU, mỗi bên là 2 khe cắm. Tổng cộng, các khe cắm này hỗ trợ tối đa 64GB DDR3, với băng thông lên tới 60GB/giây.
Ngoại trừ vi xử lý, người dùng có thể tự thay thế tất cả các bộ phận khác: RAM, card màn hình và ổ cứng thể rắn.
Apple đã thiết kế ra một hệ thống tản nhiệt khá độc đáo: Nhiệt lượng sẽ thoát ra từ lỗ thoát nhiệt ở phía trên thân máy. Thay vì sử dụng nhiều quạt, Apple chỉ cung cấp cho Mac Pro một chiếc quạt duy nhất với hình dạng, kích thước và tốc độ quay khá khác biệt so với các thế hệ cũ.
Lý do là Apple muốn tạo ra một hệ thống tỏa nhiệt tốn nhưng ít gây tiếng ồn. Theo Apple, khi hoạt động ở mức độ tải cao, Mac Pro 2013 tạo ra tiếng ồn 15 decibel, trong khi thế hệ cũ gây tiếng ồn tới 30 decibel. Khi ở trạng thái chờ, Mac Pro chỉ tạo ra tiếng ồn 12 decibel, tương đương với Mac mini. Rất tiếc, hệ thống tản nhiệt này không thực sự hiệu quả và Mac Pro hơi nóng khi hoạt động.
Hiệu năng
Trước hết, hãy cùng thử nghiệm phiên bản trị giá 8.099 USD (khoảng 171 triệu đồng): Vi xử lý Xeon 8 nhân, 64GB RAM, ổ cứng thể rắn 1TB và 2 card đồ họa FirePro D700. Trên phần mềm Final Cut Pro X (được thiết kế để tận dụng tối đa 2 GPU của Mac Pro), bạn có thể hiển thị hiệu ứng phát 16 bức-ảnh-bên-trong-bức-ảnh-khác ở độ phân giải 4K một cách dễ dàng.
Việc chỉnh sửa video cũng là một tác vụ dễ dàng, bạn có thể sử dụng bộ lọc, hiệu ứng trên video và ngay lập tức kiểm nghiệm thành quả của mình. Việc dựng hình là ngay lập tức, không có thời gian chờ. Việc nén video 4 phút 30 giây thành một đoạn video tốc độ cao thời lượng vài giây cũng sẽ được Mac Pro hoàn thành ngay lập tức.
Thật may mắn, bạn không cần phải bỏ ra tới hơn 8.000 đô la để được chứng kiến sức mạnh khủng khiếp của Mac Pro. Ngay cả trên các mẫu Mac Pro có cấu hình thấp hơn, bạn vẫn có thể sử dụng và xem trước hiệu ứng trên video mà không phải mất thời gian chờ. Trên các model cao cấp, bạn có thể chơi nhiều video độ phân giải 4K cùng lúc. Không chỉ có vậy, bạn có thể thêm tới… 15 bộ lọc vào video cùng lúc, song Mac Pro vẫn hiển thị một cách mượt mà.
Việc copy file video định dạng .MOV độ lớn 9,23GB trên Mac Pro chỉ mất không đầy 2 giây, một phần nhờ ổ cứng thể rắn SSD. Việc chuyển video nói trên từ định dạng ProRes 422 (của Apple) sang định dạng phổ thông H.24 chỉ mất 5 phút và 16 giây. Bạn hoàn toàn có thể chơi nhiều video độ phân giải 4K và chuyển đổi video cùng lúc, và chỉ có các đoạn video tạo thành từ nhiều lớp ảnh mới có thể làm Mac Pro hơi chậm lại.
Việc sử dụng benchmark trên Mac Pro có lẽ sẽ là không chính xác, bởi phần lớn các phần mềm benchmark đều chưa thể đánh giá điểm số của các mẫu Mac có 2 card đồ họa. Điểm số trong các thử nghiệm của Mac Pro khá ngang bằng với iMac thế hệ mới, song rõ ràng là hiệu năng sử dụng của Mac Pro hoàn toàn vượt trội so với iMac, đặc biệt là trên các ứng dụng như Final Cut Pro X. Thử nghiệm Cinebench R15 Open GL cho kết quả 74 khung hình/giây, vốn là một điểm số khá tốt song lại không thể hiện chính xác sức mạnh của hệ thống 2 card đồ họa.
Khi chơi game, kết quả thu được cũng là không khả quan. Trò chơi Batman: Arkham City có vẻ chỉ sử dụng duy nhất 1 trong số 2 card đồ họa. Ở độ phân giải 2.560 x 1.440, mức chi tiết cao nhất và khử răng cưa cao nhất (8X), số lượng khung hình/giây mà Mac Pro đạt được là 56 khung hình/giây (fps); số khung hình thấp nhất là 28fps và cao nhất là 83fps. Khi bỏ tính năng khử răng cưa và đặt mức chi tiết trung bình, bạn có thể đạt mức trung bình 60fps; tốc độ cao nhất là 88fps. Tuy vậy, nếu bỏ tính năng VSync (giảm số lượng khung/hình giây để tránh xé hình), Arkham City sẽ chạy rất mượt mà. Dù sao đi chăng nữa, hiệu năng này có vẻ không đạt mức mong đợi của Mac Pro.
Kết quả thử nghiệm này cho thấy vấn đề lớn nhất của Mac Pro: Có quá ít ứng dụng được thiết kế để tận dụng được sức mạnh của cả 2 card đồ họa chạy song song. Cũng giống như thời điểm Apple tung ra màn hình Retina, một lần nữa sức mạnh phần cứng của Táo lại bỏ các nhà phát triển lại phía sau. Do đó, có lẽ chúng ta sẽ phải đợi thêm một thời gian nữa để có các ứng dụng có thể tận dụng được sức mạnh đồ họa của Mac Pro.
Thời gian khởi động của Mac Pro là khá dài: Khoảng 46 giây. Bù lại, copy file có độ lớn tầm 10GB sẽ gần như không tốn của bạn một giây nào cả. Phần lớn các ứng dụng khởi động ngay lập tức. Ngay cả các ứng dụng nặng như Final Cut Pro cũng chỉ mất dưới 3 giây để khởi động.
Nhìn chung, khi hoạt động, Mac Pro hơi ấm nhưng gần như không đạt đến nhiệt độ "nóng" quá, và luôn luôn tạo rất ít tiếng ồn. Chỉ khi chạy các tác vụ nặng nhất để Mac Pro tỏa nhiều nhiệt, và chỉ khi đặt tay ở gần lỗ tỏa nhiệt bạn mới có thể cảm thấy nhiệt độ của Mac Pro. Mặt khác, thân máy cũng hơi ấm, và sẽ phải mất một thời gian để trở lại nhiệt độ phòng. Nhìn chung, Mac Pro hoạt động khá "thầm lặng", ngay cả với các tác vụ nặng kí nhất. Bạn sẽ phải ngồi rất gần lỗ tỏa nhiệt để nghe thấy tiếng ồn và cảm thấy hơi nóng tỏa ra. Dĩ nhiên, trong quá trình sử dụng thực tế sẽ không có ai làm như vậy cả.
Cũng giống như các model laptop và máy để bàn gần đây, Apple sử dụng ổ cứng thể rắn (SSD) trên cổng PCIe cho Mac Pro. Apple tuyên bố tốc độ ổ cứng của Mac Pro đạt tới 1,2GB/giây, so với 800MB/giây của MacBook Air và MacBook Pro. Trong thử nghiệm của Endgadget, tốc độ đọc lên tới 918MB/giây, trong khi tốc độ ghi đạt 761MB/giây. iMac đạt tốc độ đọc 667,88MB/giây và tốc độ ghi 318,14MB/giây. Như vậy, Mac Pro vượt trội hơn anh em của mình rất nhiều.
Cổng Thunderbolt cũng mang lại tốc độ rất cao. Nhờ có băng thông 20 Gigabit/giây, bạn có thể cắm mở rộng tới 36 thiết bị vào các cổng Thunderbolt 2 trên máy. Bạn cũng có thể kết nối 3 màn hình độ phân giải 4K vào các cổng kết nối này.
Các tùy chọn cấu hình
Tại thời điểm này, Apple bắt đầu phát hành 2 phiên bản Mac Pro. Phiên bản thứ nhất có giá 2.999 USD (63,2 triệu đồng, giá gốc tại Mỹ), vi xử lý lõi tứ Xeon E5 xung nhịp 3,7GHz, 2 card màn hình AMD FirePro D300 (2GB VRAM), 12GB RAM và ổ cứng thể rắn 256GB PCIe.
Phiên bản thứ 2 được bán sẵn trên trang chủ là một model có vi xử lý Xeon E5 sáu lõi 3,5GHz, card màn hình có 3GB VRAM và 16GB RAM, ổ cứng 256GB giống như model khởi điểm.
Khi lựa chọn bất kì phiên bản nào trong số 2 phiên bản này, bạn có thể lựa chọn cấu hình cho Mac Pro của mình. Từ phiên bản khởi điểm, bạn sẽ phải thêm 500 USD (10,6 triệu đồng) nếu chọn vi xử lý 6 nhân, 2.000 USD (42,3 triệu đồng) nếu chọn vi xử lý 8 nhân và 3.500 USD (74 triệu đồng) nếu chọn vi xử lý 12 nhân. Tất cả các vi xử lý này đều thuộc dòng Xeon E5 của Intel.
Về RAM, bạn sẽ phải thêm 100 USD (2,1 triệu đồng) nếu muốn nâng cấp lên 16GB RAM, 500 USD (10,6 triệu đồng) nếu muốn nâng cấp lên 32GB và 1.300 USD (27,5 triệu đồng) nếu muốn nâng cấp lên 64GB.
Bạn cũng có thể mua ổ cứng 512GB với giá 300 USD (6,4 triệu đồng) và 1TB với giá 800 USD (16,9 triệu đồng).
Cuối cùng, bạn có thể lựa chọn mua 2 card màn hình FirePro D500 2GB với giá 400 USD (8,5 triệu đồng) hoặc 2 card màn hình FirePro D700 với giá 1.000 USD (khoảng 21,2 triệu đồng).
Cũng giống như trước đây, bàn phím và chuột cho Mac Pro được bán rời. Apple cũng đang bán ra màn hình 32 inch độ phân giải 4K của Sharp với giá 3.595 USD (khoảng 75,9 triệu đồng). Lưu ý rằng tất cả các mức giá trên đây là mức giá do Apple công bố tại trang chủ tại Mỹ, chưa bao gồm thuế và các chi phí khác.
Thay lời kết
Chắc chắn rằng Mac Pro là một sản phẩm rất đắt tiền, nhưng bạn sẽ nhận được một sản phẩm hoàn toàn tương xứng với khoản đầu tư của bạn. Trên thị trường có rất nhiều sản phẩm máy trạm chạy Windows, song hiện vẫn chưa có sản phẩm nào có thể sánh với Mac Pro xét tới kích cỡ, tiếng ồn khi hoạt động và độ tiện dụng.
Nếu bạn là một người dùng chuyên nghiệp thường xuyên sử dụng các sản phẩm dành cho Mac như Final Cut Pro, đây là lựa chọn duy nhất của bạn. Tuy vậy, đó cũng không phải là một lựa chọn tồi: Mac Pro 2013 là một sản phẩm được cải tiến vượt bậc so với model 2012, và rất xứng đáng với khoản tiền đầu tư. Bất kể bạn là người xử lý video, thợ nhiếp ảnh chuyên nghiệp, chuyên gia đồ họa phim hoạt hình…, Mac Pro là lựa chọn máy trạm dành cho bạn (nếu có đủ tiền).
Lê Hoàng
Có thể bạn quan tâm: