Tuần trước, người sáng lập Facebook Mark Zuckerberg đã làm một điều mà xưa nay chưa từng làm: trả lời câu hỏi của báo giới và mời mọi người cùng nghe. Điều này xảy ra vào ngày thứ 4, 4/4/2018, hơn 2 tuần sau khi scandal Cambridge Analytica diễn ra và đưa Mark Zuckerberg vào “ghế nóng” trước những câu hỏi về cách mà Facebook quản lý thông tin cá nhân của hơn 2 tỉ người sử dụng MXH này.
Trong buổi trả lời câu hỏi, Zuckerberg nói lời xin lỗi cho scandal, và nói rằng mình phải chịu hoàn toàn trách nhiệm chứ không phải ai khác trong Facebook. Một số chủ đề khác cũng được nhắc đến, bao gồm các luật bảo vệ dữ liệu ở châu Âu hay sự can thiệp của các tổ chức tại Nga vào tiến trình bầu cử năm 2016. Mark nói mình đã “quá hấp tấp” khi bác bỏ thông tin về sự can thiệp của Nga, và rằng mình vẫn là người có thể dẫn dắt Facebook bất kể việc bị các nhà đầu tư yêu cầu từ chức.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều câu hỏi mà Zuckerberg tránh chưa trả lời trong buổi nói chuyện, cũng như qua email.
1. Tại sao người dùng nên tin tưởng giao phó những thông tin cá nhân cho Facebook?
Facebook đã ém nhẹm thông tin về vụ việc trong suốt hơn 2 năm qua, và chỉ thú nhận về Cambridge Analytica khi thông tin về vụ việc được những tờ báo The New York Times và Guardian đăng tải. Trước đó, họ thậm chí còn cố gắng thuyết phục hai tờ báo trên không đăng thông tin này. Tại sao người dùng chúng ta nên tin tưởng vào việc Facebook sẽ thẳng thắn và minh bạch hơn sau những gì đã xảy ra?
Sự tin tưởng là một điều rất quan trọng trong mô hình kinh doanh của Facebook, bởi mọi thứ xoay quanh việc người dùng cảm thấy “OK” khi chia sẻ những thông tin cá nhân của mình trên Facebook. Nếu sự tin tưởng này biến mất, những dữ liệu mà Facebook dùng để bán quảng cáo cũng sẽ không còn.
2. Liệu Facebook có phát triển quá lớn, quá phức tạp để quản lý?
Facebook có hơn 2 tỉ người sử dụng mỗi tháng – lớn hơn nhiều so với dân số của Trung Quốc hay Ấn Độ. Zuckerberg nói họ sẽ thuê thêm 20.000 nhân viên để quản lý nội dung và an ninh, cộng thêm việc đưa AI vào sử dụng trong tương lai. Liệu như thế là đã đủ chưa, khi chính Zuckerberg cũng từng nói rằng sẽ mất nhiều năm để công nghệ AI đủ tin cậy?
3. Liệu người dùng chúng ta có thể chờ đến lúc đó không?
Một trong những vấn đề mà dư luận Mỹ - nơi đặt tổng hành dinh Facebook – quan tâm nhất là những cuộc bầu cử. Người dùng nước này lo ngại rằng trong những đợt bầu cử kế tiếp, sẽ lại có những chiến dịch vận động đến từ bên ngoài nước Mỹ nhằm mục tiêu thay đổi kết quả bầu cử. Khi Zuckerberg nói rằng Facebook sẽ “không bao giờ giải quyết được vấn đề an ninh – nó là một cuộc chạy đua vũ trang,” phải chăng chúng ta chỉ đang chờ đến Cambridge Analytica kế tiếp?
4. Zuckerberg từng nói về một “tòa án tối cao” riêng để Facebook giải quyết các tranh chấp về nội dung. Nó sẽ ra sao?
Ai sẽ tham gia vào tòa án đo? Người ta sẽ tranh luận, bảo vệ lý lẽ của mình như thế nào? Các quan tòa sẽ là ai? “Công lý” được thực thi ra sao?
5. Việc Facebook kiểm tra thông tin được thực hiện đến đâu?
Gần đây, Facebook cho biết họ sẽ kiểm tra tính xác thực của hình ảnh và video, chứ không chỉ là các đường link đến bài viết. Tuy nhiên, một báo cáo vừa được đưa ra nói rằng các đối tác kiểm tra tính xác thực của Facebook nói rằng Facebook không minh bạch trong hiệu quả công việc, và đã lờ đi những yêu cầu cải thiện tiến trình kiểm tra đó.
Lại thêm một tổ chức nghiên cứu dữ liệu bị 'tố' khai thác thông tin người dùng Facebook