Không được “rung”
Cố gắng đứng yên, hai chân đứng trên một mặt phẳng và giữ chặt máy bằng cả hai tay. Đôi khi, chúng ta có thể dựa người vào một bức tường hoặc hít thật sâu và giữ nguyên trạng thái trước khi thả nút chụp để không làm rung tay. Ngoài ra, các bạn có thể sử dụng mẹo chụp bằng nút tăng âm lượng bên cạnh máy hoặc bằng tai nghe để hạn chế rung máy.
Chờ lấy nét xong mới chụp sẽ cho ra bức ảnh rõ nét hơn.
Nếu bạn có thể sắm cho mình và mang theo một chiếc tripod nhỏ gọn cho smartphone thì quá tốt, nhưng vấn đề là không phải ai cũng thích mang theo vật nặng nề này. Thay vào đó, ta sẽ tận dụng “địa hình địa thế” để giả làm chân máy. Ví dụ, bạn có thể đặt máy ảnh lên bệ cửa sổ, đặt lên bục đá, lên vai người bạn cùng đi chụp, đặt ngang lên một cái ly hoặc tựa người vào cột đèn rồi chụp.
Chọn ánh sáng
Thường thì các máy ảnh sẽ cho ra ảnh đẹp hơn khi dùng ánh sáng tự nhiên, nhất là ngoài trời, do đó bạn nên tận dụng tối đa nguồn ánh sáng này để có được bức ảnh tốt nhất. Cũng nên lưu ý chọn những chỗ có ánh sáng vừa phải, quá nhiều ánh sáng sẽ làm máy nhận diện thông số sai và chúng ta bị mất chi tiết ảnh.
Hãy cố gắng chụp ảnh trong điều kiện ánh sáng càng nhiều càng tốt. Nếu không đủ ánh sáng, màn trập (shutter) sẽ phải mở lâu hơn để thu thêm ánh sáng. Vì thế trong những hoàn cảnh này, tay người chụp dễ bị rung và làm mờ tấm ảnh.
Chờ máy lấy nét xong mới chụp
Các máy ảnh trên smartphone hiện nay hầu hết đều có khả năng tự động lấy nét (Auto Focus - AF). Nhưng trên một số smartphone, ảnh sẽ được chụp ngay khi bạn nhấn phím cứng chụp hình mà không cần lấy nét, việc này làm cho bức ảnh bị nhòe và không được đẹp. Cần chú ý, khi máy báo không lấy nét được, khung ngắm trên màn hình sẽ chuyển sang màu đỏ, bạn nên thử di chuyển sang một góc chụp khác hoặc tăng khoảng cách xa hơn đến vật thể cần chụp.
Ngoài ra, phần lớn smartphone đều có tính năng chạm để lấy nét bằng cách chạm vào điểm mà bạn muốn lấy nét rồi bỏ tay ra, hãy tận dụng triệt để điều này để bạn có được ít nhất là những bức hình không bị out nét.
Hạn chế zoom và đèn flash
Zoom kỹ thuật số trên điện thoại dựa trên thuật toán nội suy tính toán để phán đoán, sau đó máy tiến hành “bù” điểm ảnh để cho phép phóng to hình. Do đó, chức năng này sẽ làm giảm chất lượng bức ảnh của bạn. Đèn flash cũng thường làm bức ảnh “xấu” đi, bạn chỉ nên sử dụng flash trong trường hợp quá thiếu sáng.
Giữ thấu kính luôn sạch
Điện thoại chúng ta phải bỏ trong túi, cầm tay và đặt xuống nhiều bề mặt khác nhau nên thường ống kính máy ảnh của nó rất dễ bị dơ. Đó có thể là bụi, nước, vân tay và hàng tá những thứ khác có thể dính vào. Do đó, nếu không vội, bạn nên lau nhẹ phần camera trên smartphone trước khi chụp để loại bỏ hiện tượng lóa, mờ hay có các vật thể lạ nhỏ xíu xuất hiện trên ảnh.
Các hệ điều hành luôn có phần mềm hỗ trợ lưu nhiều khoảnh khắc trên cùng 1 bức ảnh để diễn tả hình ảnh sinh động hơn.
Ảnh Panorama
Nguyên tắc chụp loại ảnh này là sẽ lia máy từ trái sang phải hoặc trên xuống dưới, do đó bạn phải cố gắng giữ tay thẳng nhất có thể để ảnh được liền mạch, không bị lệch và méo mó.
Dùng thử các phần mềm hỗ trợ
Nếu bạn cảm thấy trình chụp ảnh mặc định trên máy chưa đáp ứng tốt nhu cầu của mình, hãy thử dùng các ứng dụng khác. Ứng dụng bên thứ ba sẽ giúp mang những tính năng mới mẽ và độc đáo cho camera trên smartphone của bạn, có những tính năng khá ngộ nghĩnh như kích hoạt chụp bằng giọng nói, bằng huýt sáo.
Xử lý ảnh hậu kỳ
Các tay nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp khi chụp xong thường về “Photoshop” lại, vậy tại sao với smartphone thì lại không? Thậm chí còn tiện hơn đấy chứ vì ta có thể làm mọi việc ngay trên chiếc điện thoại nhỏ gọn của mình. Hãy thử dùng trình chỉnh sửa ảnh kèm theo máy để chỉnh những thứ đơn giản cho bức hình của bạn. Ngoài ra, các ứng dụng mở rộng như Instagram hay Photoshop Express cũng là một trong những phần mềm xử lý ảnh nhiều tính năng rất hay mà bạn nên trải nghiệm qua.
Quân Bình
Có thể bạn quan tâm: