Bạn gặp các biểu cảm ở khắp nơi, từ Yahoo Messenger ngày xưa đến những nhóm chat Facebook hiện tại, khi tán chuyện cùng bạn bè qua Messenger, trên các diễn đàn, trong bình luận của các trang tin, và ti tỉ nơi khác. Ở mỗi nơi, chúng lại có những hình dạng khác nhau, những kích thước khác nhau tùy thuộc vào những người thiết kế.
Có thể bạn không chú ý gì đến những sự khác biệt đó, nhưng thật ra chúng quan trọng vô cùng.
Khi tác giả gửi một emoji bạch tuộc đến cho bạn bè để nói rằng mình bận rộn đến mức “ước gì có 8 tay” khi nó rủ một chầu cà phê, nó có thể hỏi lại rằng tại sao tôi lại khoe bữa trưa của mình. Sự khác biệt giữa đôi mắt của emoji “choáng váng” có thể đem lại cho người dùng một loạt hiểu lầm khác nhau, từ hình xoắn ốc tạo cảm giác chóng mặt (Google, Microsoft, Facebook) đến dấu X trông như đã… ngủm củ tỏi (Apple, Samsung). Một người theo đạo Hồi dùng điện thoại LG muốn gửi emoji của mình đến bạn bè có thể sẽ gặp vấn đề khi tìm emoji đó, bởi LG làm nó trông như một anh chàng vừa bị… chấn thương sọ não, mà bạn có thể thấy trong ảnh dưới đây:
Còn nhiều ví dụ khác tương tự, chẳng hạn biểu cảm “ôm”. Trong khi các biểu cảm của Apple và Samsung trông như thể hiện “tay tôi chẳng có gì,” thì cái ôm của Facebook lại có vẻ như đang chuẩn bị… thọc lét người nhận.
Ngày nay, khi emoji là một phần rất quan trọng trong những cuộc hội thoại hàng ngày của giới trẻ, từ điển của chúng ta được mở rộng ra ngoài biên giới của từ ngữ. Nói một cách hơi khuếch đại, những biểu cảm có thể tạo ra, hoặc phá vỡ những mối quan hệ, và khiến các nhà phát triển ứng dụng lẫn sản xuất phần cứng phải đau đầu.
Ngày nay, các biểu cảm phần nào được quản lý bởi Unicode Consortium, một tổ chức giám sát emoji mà Apple, Google, Facebook… đều là thành viên. Họ quyết định xem một emoji sẽ trông như thế nào, và cho phép các công ty tự thiết kế hình ảnh riêng của mình cho emoji đó. Điều này khiến cho một emoji gửi từ máy này sẽ xuất hiện khác biệt trên máy kia, cũng giống như việc font chữ trên Windows trông không giống như font chữ trên Mac OS.
Chưa có công trình nghiên cứu nào về sức ảnh hưởng của các emoji, nhưng các nhà sản xuất cực kỳ xem trọng chúng. Minh chứng rõ ràng nhất có lẽ là quyết định mà Apple đưa ra hồi 2016: khi họ quyết định thay đổi emoji “súng” của mình từ một khẩu revolver kim loại lạnh lùng cổ điển thành khẩu súng nước bằng plastic màu xanh vui nhộn.
Ngay sau quyết định này của Apple, một loạt công ty lớn khác cũng theo chân: Google, Samsung, Twitter, Facebook, Microsoft đều thay đổi khẩu súng của mình, chỉ khác ở hình dạng được chọn.
Trong số 5 công ty theo chân Apple, chỉ có hai công ty giữ hình dạng khẩu súng là Microsoft và Facebook, nhưng đó cũng là sự thay đổi. Nó vẫn có thể gây hiểu lầm: biểu tượng súng vui tươi gửi từ iPhone sẽ được hiển thị thành một khẩu súng thật trên Messenger của Android, và có thể khiến người nhận tưởng mình bị người gửi dọa “xử đẹp.”
Để tránh những hiểu lầm (dù rất khó xảy ra) như trên, Facebook có kế hoạch chuyển emoji “súng” của mình thành một biểu cảm thân thiện hơn, theo lời một người đại diện của hãng tiết lộ cho Business Insider. Về phía Microsoft, họ cũng đưa ra một thiết kế emoji súng mới hồi tháng 4 vừa qua:
Tại sao một biểu cảm như khẩu súng lại nhạy cảm đến vậy? Đó là bởi cả 6 công ty trên đều hoạt động mạnh mẽ tại Mỹ, nơi mà vũ khí là một vấn đề lớn. Hồi năm 2015, một tổ chức chống súng đạn Mỹ yêu cầu Apple phải xóa bỏ biểu cảm của mình trong một chiến dịch gọi là “Disarm the iPhone” (giải trừ vũ khí chiếc iPhone). Trước yêu cầu đó, dù không hoàn toàn nghe theo lời yêu cầu này, việc Apple thiết kế lại khẩu súng vẫn có thể được xem là một chiến thắng của tổ chức nọ.
Jennifer Daniel, một “nhà phiên dịch emoji” của Google nói rằng các emoji từng ảnh hưởng đến các mối quan hệ của mình, và đó không hoàn toàn là lời đùa cợt. Bà là người có trách nhiệm quyết định xem một hình ảnh nào đó có xứng đáng trở thành emoji sẽ xuất hiện trên mọi dịch vụ của Google hay không, một công việc đòi hỏi sự sáng tạo và kiên nhẫn. Bà cho biết “Ở Google, chúng tôi muốn bạn cười khi nghĩ về sản phẩm của chúng tôi, nên mọi thứ nghiêng về phía vui tươi: các emoji của chúng tôi phải trông như cartoon. Emoji Samsung lại thiên về phía anime hơn một chút.”
Theo bà Jennifer, sự khác biệt của emoji “chóng mặt” đã được nhắc đến bên trên là kết quả của việc mỗi công ty tự đóng cửa vẽ emoji riêng của mình dựa trên hướng dẫn của Unicode Consortium. Điều này khiến khi Google thiết kế phiên bản emoji “chóng mặt” của họ, bà phải tưởng tượng xem emoji đó của Apple trông ra sao và tìm cách giảm thiểu sự rối loạn khi người dùng nhìn thấy chúng.
“Cả hai công ty đều là thành viên của hội đồng emoji của Unicode, nhưng những buổi bàn luận chủ yếu chỉ là về nội dung, trải nghiệm và kích thước file emoji, chứ chẳng ai nói gì về thiết kế cả.”
Vấn đề giới tính cũng là một rắc rối khi thiết kế Emoji. Paul Hunt, một nhà thiết kế đồ họa chia sẻ những rắc rối của mình khi phải tham gia vào việc thực hiện các mô tả emoji cho Unicode Consortium. Những biểu cảm được mô tả là “mặt với miệng mở rộng để nôn” hay “trẻ em, người lớn, người già” là điều khiến ông vô cùng đau đầu.
Chúng là những biểu cảm “không giới tính” đầu tiên trên thế giới, được đưa ra vào năm 2017. Có thể bạn nghĩ rằng những biểu cảm mình quen thuộc trên Yahoo Messenger ngày nào là không giới tính, nhưng thật ra chúng đều được xem là nam. Theo những cuộc thăm dò ý kiến online của Paul, xã hội con người có xu hướng xem mọi thứ là nam tính nếu chúng tỏ ra khó phân biệt. Trong khi đó để xem một biểu cảm nào đó là đại diện cho phụ nữ, chúng phải mang những yếu tố rõ rệt như nơ, mắt xoe tròn, son môi, kiểu tóc…
Với phong trào LGBT đang trỗi dậy những năm qua, rất nhiều người không thấy mình trong cả hai giới tính đó, và họ không muốn dùng chúng. Điều này buộc Unicode Consortium phải thiết kế những biểu tượng không giới tính thực sự.
Để tạo ra chúng, Paul bỏ ra nhiều tháng nghiên cứu những khuynh hướng giới tính, dùng những hiểu biết đó để tạo ra thiết kế của mình và bàn bạc với bạn bè, đồng nghiệp. Paul mất hơn một năm rưỡi để thực hiện những biểu cảm này, cho đến khi chúng được Unicode Consortium chấp nhận vào năm 2017 trong Version 10.0.
Sự phức tạp của emoji chưa dừng lại ở đó. Ngày xưa, những emoji hình mặt người đầu tiên trên Yahoo Messenger đều có màu vàng theo mã RGB #FFCC22, và nó gần như đã trở thành màu mặc định của emoji. Nhưng ngày nay, chúng bị xem là đại diện cho người châu Á, buộc các hãng phải thiết kế những màu mới trắng, đen, nâu… cho người thuộc các màu da khác nhau.
Thật ra, màu vàng ban đầu không hề được dùng để đại diện cho người châu Á. Nó đơn giản chỉ là tuân theo một quy định của Unicode Consortium, rằng một emoji phải “dùng một màu da không thật, chẳng hạn RGB #FFCC22. Khuyến khích sử dụng tóc sẫm màu cho những emoji có tóc. Người mọi màu da đều có thể có tóc màu đen hoặc nâu tối, nên nó trung lập hơn.”
Tại sao lại là màu vàng? Vì đôi mắt người được thiết kế để dễ dàng nhận ra các chi tiết trên nền màu vàng hơn so với những màu khác. Đó là kết quả của những nghiên cứu khoa học nghiêm túc, và bạn có thể tham khảo tại đây.
Nhưng khi người ta đã có nhu cầu thể hiện màu da của mình qua các biểu cảm, Unicode Consortium chọn màu như thế nào? Họ sử dụng bảng Fitzpatrick, một công cụ phổ biến trong khoa da liễu của y học. Nó bao gồm 6 loại màu da và tóc khác nhau, nhưng Unicode Consortium thu gọn xuống còn 5, vừa tạo thành 5 bộ emoji mới theo màu da bên cạnh màu vàng rực rỡ truyền thống.
Với những công nghệ thực tế tăng cường đang xuất hiện ngày một phổ biến hơn trên các smartphone thời thượng (chẳng hạn Animoji trên iPhone X), có lẽ emoji đang bước sang một trang mới. Người dùng có thể tự tạo ra biểu cảm khuôn mặt của mình và gửi nó dưới dạng GIF, thể hiện cảm xúc của bản thân một cách chân thực và rõ ràng hơn so với những emoji truyền thống.
Tuy nhiên, các emoji sẽ không hề biến mất, mà chỉ tiến hóa thành một dạng mới, cá nhân hơn và riêng biệt hơn. Chúng sẽ vẫn là một công cụ vô cùng quan trọng trong giao tiếp của thời đại số, bởi theo bà Jennifer, “người ta có những quan điểm rất mạnh mẽ về emoji. Bạn sẽ thấy người ta dùng emoji như một cách thể hiện quan điểm của mình.”