Là Quản lý sản phẩm trong mảng kinh doang các thị trường mới nổi của Facebook, Nikila Srivinivasan được rất nhiều hỗ trợ, bao gồm sử dụng máy bán hàng tự động miễn phí, không giới hạn giặt khô, sử dụng phòng tập của công ty... Và một trong những lợi ích lớn nhất là đi du lịch rất nhiều.
Srivinivasan là một trong những người chịu trách nhiệm làm cho các quảng cáo hiển thị trên Facebook phải đẹp, phải hiển thị đúng đối tượng và được cá nhân hóa trên toàn thế giới, đặc biệt là các thị trường mới như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Kenya. Và đó là lý do cô được Facebook cho phép đi du lịch vòng quanh thế giới - như một phần trong chương trình Creative Accelerator mà Facebook lập ra nhằm giúp các doanh nghiệp quảng cáo hiệu quả hơn.
CEO Mark Zuckerberg của Facebook. |
Srivinivasan cho biết bằng việc đến các quốc gia khác nhau, nhóm của cô biết được cách mọi người sử dụng Facebook và điện thoại tại mỗi địa phương, bao gồm tốc độ mạng và chi phí Internet, và sử dụng những thông tin ấy để giúp ích cho các nhà quảng cáo xây dựng chiến lược.
Ví dụ, tại Ấn Độ, Facebook có một chiến dịch quảng cáo mang tên "Cuộc gọi lỡ", dựa trên cách mà người dân ở đây thường sử dụng để tiết kiệm tiền điện thoại. Khi người Ấn Độ muốn liên lạc với nhau mà không muốn tốn tiền điện thoại, họ sẽ gọi cho người đó, để chuông vài tiếng rồi dập máy. Và người kia sẽ biết để gọi lại.
Dựa vào đó, Facebook tạo nên một sản phẩm giúp người dùng tiết kiệm tiền dữ liệu bằng cách nhấn vào quảng cáo trên Facebook, và nhà quảng cáo sẽ trả tiền phí dữ liệu này để gửi cho người dùng các nội dung như các bản nhạc hoặc tin nhắn từ các ngôi sao.
Facebook cũng biết được rằng người dân ở Trung Đông xem nhiều video hơn bất cứ khu vực nào khác trên thế giới, nhưng người dân ở đây lại chỉ có những smartphone trung cấp. Vì vậy Facebook giúp các nhà quảng cáo tạo ra những video dễ hiểu và có thể xem được ở bất cứ loại màn hình nào.
Ngoài ra, tại trụ sở của Facebook còn có một căn phòng gọi là "phòng đồng cảm". Trong căn phòng này có rất nhiều các smartphone Android cấp thấp và các điện thoại nắp gập cũ. Kết nối Wi-Fi trong phòng cũng rất kém, để mô phỏng trải nghiệm tại các quốc gia khác. Nhờ đó, các nhân viên Facebook như Srivinivasan và nhóm của mình có thể hiểu được trải nghiệm sử dụng Facebook và xem quảng cáo của những người dân tại Kenya hay Ấn Độ.
Hơn một nửa doanh thu quảng cáo của Facebook đến từ các thị trường nước ngoài, vì vậy những căn phòng đồng cảm và công việc mà những thành viên như Srivinivasan thực hiện ngày càng quan trọng hơn bao giờ hết.
"Khi chúng tôi đi du lịch đến các quốc gia trên thế giới, thật kỳ diệu khi có thể nhìn thấy những điểm chung của mọi người và cả những góc nhìn khác nhau nữa. Và chúng tôi thấy rằng bất kể loại thiết bị hay loại kết nối Internet mà họ sử dụng, mọi người khắp nơi đều rất háo hức khi có thể tạo ra và trải nghiệm những nội dung đa phương tiện như hình ảnh và video. Chỉ vì tôi sử dụng điện thoại phổ thông và kết nối mạng kém, không có nghĩa là nội dung tôi xem sẽ không hấp dẫn".