Với tư cách là mạng xã hội, tự thân facebook là một “sản phẩm công nghệ” đắt khách nhất hiện nay. Gần 1 tỷ người – tương đương 1/7 dân số thế giới – dành ra trung bình 46 phút mỗi ngày để tìm kiếm thông tin, để cập nhật trạng thái, để chia sẻ, lắng nghe và sống với những vui buồn trên mạng xã hội.
Tốc độ tăng trưởng người dùng của Facebook cũng hết sức nhanh chóng, với lượng người dùng hoạt động hàng tháng tăng 13% so với năm 2014, đi từ 1,32 tỷ người lên tới 1,49 tỷ, tương đương với 173 triệu tài khoản mới đã được thiết lập chỉ trong một năm. Nên biết, con số này còn lớn hơn tổng dân số Đức và Anh cộng lại.
Nhiều dự án mới, nhiều triển vọng mới
Facebook đã tính đến viễn cảnh bão hòa thị trường người dùng Internet hiện tại, và phát triển một dự án mới táo bạo, vừa nhân văn song cũng mang lại giá trị rõ rệt cho doanh nghiệp. Theo đó, Internet.org được mô tả như là phương thức tối ưu giúp kết nối hơn 1 tỷ cư dân nghèo đói và thiếu hụt các phương tiện truyền thông với mạng toàn cầu. Được tiếp cận với Internet, tiếp cận với kho tri thức đồ sộ của nhân loại một cách nhanh chóng và dễ dàng chỉ bằng cái click chuột, đồng nghĩa với việc tiếp cận với một cộng đồng rộng lớn mang tên Facebook. Đó chính là cách mà Zuckerberg và các cộng sự nâng từ con số 1,49 tỷ người dùng lên 3 tỷ, hay thậm chí 5 tỷ, trong tương lai không xa. Một khi viễn cảnh này thực sử xảy ra, vị thế “bá chủ địa cầu” chắc chắn thuộc về Facebook.
Cũng kể từ ngày niêm yết đại chúng, công ty này đã không ngừng nỗ lực để củng cố đà tăng trưởng doanh thu. Dần bước ra khỏi cái bóng của một nền tảng trao đổi thông tin trực tuyến đơn thuần, Facebook dấn thân vào nhiều địa hạt mới, đáng kể nhất chính là di động và quảng cáo trên di động – đem về 76% tổng doanh thu, dựa trên báo cáo hoạt động quý II năm 2015.
Không dừng lại ở đó, tư duy kinh doanh của Facebook cũng ngày càng nhạy bén, liên tục bắt sóng các xu hướng mới của các công ty công nghệ đình đám. Facebook giờ là đối thủ của rất nhiều tên tuổi máu mặt như Amazon, Microsoft, Apple và đặc biệt là Google (trong các mặt video, quảng cáo, tìm kiếm, mua sắm v.v.) CEO Mark Zuckerber còn “bóng gió” về những triển vọng kiếm tiền mới từ các ứng dụng WhatsApp, Messenger; cơ hội phát triển dịch vụ tìm kiếm ngay trên nền tảng Facebook hay mối quan tâm mới của hãng này với các sản phẩm công nghệ đáng quan tâm như kính thực tế ảo Oculus.
Tương quan vị thế giữa các ông trùm
Vô vàn cơ hội đang chờ đội ngũ Facebook nắm bắt trong thời gian tới. Bởi vậy, các nhà phân tích khẳng định: đừng dại mà bỏ qua cổ phiếu Facebook. Chút phí tổn làm ảnh hưởng tới lợi nhuận trong thời gian hiện tại chỉ đơn giản là tạo đà cho những bước tiến nhảy vọt trong tương lai. Nên nhớ 2015 vẫn là năm đầu tư của Facebook, và không phải dự án nào hãng này cũng phơi bày trước công chúng và giới truyền thông.
Nếu còn lăn tăn hay nghi ngờ, hãy cân nhắc một số cái tên khác:
- Apple
Điện thoại thông minh iPhone đích thị là thiết bị điện tử làm nên cuộc cách mạng và thay đổi hoàn toàn diện mạo ngành công nghệ suốt bao năm qua, nhưng cũng nên biết rằng iPhone đã 8 năm tuổi. Dù năm nào cũng có cải tiến mới, năm nào cũng thu hút sự chú ý của dư luận và cháy hàng mặc cho những ý kiến khen chê, song rõ ràng, iPhone đã tạo ra một cái bóng quá lớn phủ lên đầu mọi sản phẩm khác của Táo khuyết. Cái gì cũng sẽ đến hồi thoái trào nếu không có một bước đột phá, phá vỡ hoàn toàn những khuôn khổ, những giới hạn và kỷ lục đã từng được thiết lập. Hãy nhìn vào thành tích hoạt động của siêu cường công nghệ thế giới bây giờ: doanh số iPad sa sút, thành tích của Apple Watch thì bị “giấu nhẹm” – song rõ ràng không hề tạo nên cơn sốt như nó được kỳ vọng, và dịch vụ ứng dụng như Apple Music bị xem như một “trò hề” ngay từ phút đầu tiên. Apple sẽ đột phá như thế nào đây trong vài năm sắp tới.
Hiện được xem là đơn vị “ngán” Facebook nhất hiện nay, Google có cớ để lo, mặc cho thực tế hãng vẫn vượt mặt mạng xã hội trên nhiều phương diện: lượng người dùng, doanh thu quảng cáo, lợi nhuận, chưa kể quý vừa qua Google đã được dịp “nở mày nở mặt” với thiên hạ.
Vậy tại sao Google lại phải dè chừng Facebook? Đó là bởi Facebook đang tiến khá nhanh trên nhiều địa hạt tranh chấp với Google, những địa hạt mà Google lâu nay thống trị và có lý do để làm kẻ thống trị. Video là một điển hình. Google sở hữu YouTube, mạng chia sẻ video trực tuyến số 1 thế giới hiện nay, nhưng nghe đâu Facebook cũng đang dồn lực củng cố nền tảng video của mình và tận dụng lợi thế người dùng đang ngày càng áp đảo. Sức trẻ, năng lực sáng tạo và khả năng nắm bắt thị trường nhạy bén đang biến Facebook trở thành một đối thủ đáng gờm mà Google không thể lơ là một phút giây.
- Amazon
Cũng được xem là một đấu thủ ngang tầm Facebook cả về lượng người dùng và giá trị vốn hóa thị trường song chắc cũng còn lâu tên tuổi và sức ảnh hưởng của Amazon mới vượt được Facebook, Apple hay Google. Amazon hiện đang theo đuổi dự án Amazon Web Services – hệ dịch vụ điện toán đám mây cung cấp nền tảng lưu trữ dữ liệu khổng lồ và an toàn cho nhiều công ty công nghệ lớn nhỏ trên thế giới. Phải chăng thay vì đối đầu, Amazon nên tìm cách hợp tác với Facebook để cùng nhau tạo ra giá trị.
Nhưng với công nghệ thì ngôi vị cũng chỉ có thời
Rõ ràng, danh xưng vua trong giới công nghệ luôn mang tính “thời vụ” và tương quan đẳng cấp giữa các tổ chức cũng có sự thay đổi không ngừng. “Cười người hôm trước hôm sau người cười”, câu thành ngữ luôn là lời răn dạy thỏa đáng đối với các công ty công nghệ: đừng bao giờ chủ quan, hãy tập trung làm việc - đổi mới - sáng tạo để có thể củng cố vị thế của mình.
Thời thế tạo anh hùng, và bây giờ, dường như đã đến thời của Facebook. Từ màn khởi động năm 2009, mạng xã hội lớn nhất toàn cầu bước vào giai đoạn phát triển bùng nổ cả về lượng và chất. Rõ ràng, khi so với Microsoft, Apple hay Google, Facebook vẫn được nhìn nhận như một chàng trai trẻ nhanh nhẹn và tràn đầy tham vọng.
Facebook hãy tận hưởng thành quả của mình. Còn các nhà đầu tư hãy cứ tin tưởng vào những thành công sắp tới của Facebook. Chỉ có điều, đừng bao giờ đặt hết trứng vào một giỏ, cũng như trao toàn bộ niềm tin cho một tổ chức duy nhất. Đó là bài học đầu tư cơ bản nhất, và nó phù hợp với chân lý của làng công nghệ: Vua nào cũng chỉ có một thời.