Vừa qua, giám đốc FBI, ông James Comey đã chia sẻ rằng mã hóa điện thoại di động sẽ ngăn chính phủ liên bang chặn khủng bố và những kẻ quấy rối trẻ em trừ khi chính phủ được cung cấp một cách tiếp cận đặc biệt. Ông lưu ý rằng "cả truyền thông thời gian thực và dữ liệu đã lưu trữ đang ngày càng được mã hóa", và nói thêm rằng xu hướng mã hóa dữ liệu khách hàng của các nhà cung cấp dịch vụ sẽ ngăn cản hành động theo dấu tội phạm hợp pháp của chính phủ.
"Công lý có thể không được thực thi vì những chiếc điện thoại đã bị khóa hoặc ổ cứng đã bị mã hóa", Comey cho biết. Ông giải thích rằng đạo luật CALEA năm 1994 đã yêu cầu các công ty điện thoại xây dựng "cửa sau" nghe lén trên các thiết bị của họ, tuy nhiên không có đạo luật nào yêu cầu các công ty truyền thông mới thực hiện điều tương tự.
Tuy nhiên Comey không đề cập tới việc đạo luật CALEA đã được mở rộng so với nhiệm vụ ban đầu. Từ năm 2004, CALEA có tác dụng với cả Internet băng thông rộng và các hệ thống VoIP như Skype.
Comey cho rằng mã hóa mặc định trong iOS 8 của Apple và Android 5.0 Lollipop sẽ ngăn chặn các cơ quan thực thi pháp luật thu thập bằng chứng chống lại những kẻ tình nghi. Ông cho rằng giải pháp để giải quyết vấn đề này là các hãng công nghệ cao phải xây dựng một "cửa trước" trên điện thoại di động và smartphone.
"Chúng tôi không muốn tiếp cận bằng cửa sau. Chúng tôi muốn sử dụng một cửa trước, rõ ràng và minh bạch, và có hướng dẫn rõ ràng được quy định bởi pháp luật", bao gồm cả lệnh của tòa án, Comey nói.
Sau khi Edward Snowden tiết lộ vụ bê bối theo dõi người dùng của NSA, các hãng công nghệ lớn như Apple, Google, Yahoo, Microsoft và Facebook đã ngay lập tức đua nhau tích hợp những chương trình mã hóa mạnh mẽ hơn vào sản phẩm của họ. Chủ tịch Eric Schmidt của Google đã cảnh báo rằng các gián điệp "sẽ phá vỡ Internet".
Đây không phải lần đầu các hãng công nghệ cao và chính phủ Mỹ đấu đá nhau về vấn đề mã hóa trong cuộc chiến bảo vệ dữ liệu khách hàng. Trong những năm 1990, trong "cuộc chiến mã hóa" các hãng công nghệ cao và những người ủng hộ đã buộc chính phủ Mỹ bãi bỏ luật biến mã hóa thành một loại vũ khí.
Google từ chối bình luận về tuyên bố của Comey, tuy nhiên tái khẳng định hãng này sẽ tiếp tục hỗ trợ mã hóa. "Trước đây mọi người sử dụng két và khóa để giữ an toàn cho thông tin của họ và bây giờ họ sử dụng mã hóa. Đó là lý do tại sao chúng tôi làm việc chăm chỉ để tăng cường bảo mật cho người dùng của chúng tôi", một phát ngôn viên của Google cho biết. Trong khi đó Apple không đưa ra bình luận gì về vấn đề này.
Hoàng Kỷ
Theo CNET
Có thể bạn quan tâm: