Nhiều người cho rằng BKAV đang "ngồi trên đống lửa" trước những phản ứng tiêu cực với cách truyền thông của hãng với sản phẩm BPhone. Thậm chí, họ tin vào một thất bại nặng nề của BKAV với mảng thiết bị lần này. Tuy nhiên, chẳng phải vô cớ mà BKAV lại chọn cách truyền thông phản cảm như vậy. Với cách thức truyền thông và sự phân bố thông tin trong ngày ra mắt, có cơ sở để tin rằng BKAV không tập trung vào đối tượng khách hàng lẻ.
Hệ thống bphone chẳng có gì ngoài sản phẩm
Một sản phẩm thành công, ngoài chất lượng của bản thân nó tốt còn rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự thành công hay thất bại của sản phẩm. Đối với các sản phẩm công nghệ, hai trong này là hệ thống phân phối và bảo hành.
|
Thật đáng kinh ngạc, không có vẻ gì là BKAV đã phát triển cả hai điều quan trọng này. Theo những thông tin chính thức, BPhone chỉ bán trên kênh online, kênh mà tôi cam đoan không mấy khách hàng ở Việt Nam dám mua một smartphone cao cấp - vốn bằng cả (vài) tháng thu nhập, nhất là với một sản phẩm chưa có thương hiệu tốt như BPhone.
Ngay cả việc hợp tác chính thức với các chuỗi phân phối sản phẩm điện tử lớn như các siêu thị điện máy hay thế giới di động có vẻ như BKAV cũng không làm. Với vị thế của BKAV và mức độ đầu tư cho dự án này, chắc chắn việc đưa BPhone lên kệ hàng của các đối tác này không phải việc nằm ngoài tầm tay.
Rõ ràng, BKAV không hoặc ít nhất là chưa quan tâm đến việc phát triển các kênh bán lẻ quen thuộc với khách hàng Việt.
Tập trung vào những thứ có vẻ rất tốt cho khách hàng doanh nghiệp
Một yếu tố nữa cho thấy khả năng BKAV nhắm BPhone cho các doanh nghiệp chính là chiến dịch truyền thông gây tranh cãi hãng.
Như đã từng thảo luận trước đây, cách truyền thông hàng đầu của BKAV có thể gây ấn tượng xấu và kém hiệu quả với khách hàng lẻ nhưng lại là một chiến lược không thể tốt hơn nếu đối tượng khách hàng nhắm đến là các doanh nghiệp, tổ chức và cơ quan chính phủ. Tại sao cách làm này thành công các bạn có thể đọc thêm tại đây.
|
Việc BKAV đặt một mức giá cao (11 triệu đồng) cho sản phẩm cũng thể hiện họ không quá quan tâm đến thị trường bán lẻ. Với mức giá này, cấu hình và thương hiệu như này, chắc chắn người dùng lẻ sẽ có nhiều lựa chọn khác từ các thương hiệu lớn và thậm chí, cấu hình tốt hơn.
Một điều nữa, BKAV tập trung rất nhiều công sức cho việc khẳng định BPhone là chiếc điện thoại "an toàn nhất hành tinh". Điều này cực kỳ phù hợp với thương hiệu của BKAV (vốn là một công ty an ninh mạng có tiếng và cũng có lẽ là công ty an ninh mạng duy nhất trên thế giới sản xuất điện thoại). Tất nhiên, ai cũng biết là yếu tố an toàn và bảo mật quan trọng thế nào với các công ty, đặc biệt các cơ quan nhà nước.
Một thị trường quá tiềm năng
Thị trường smartphone doanh nghiệp tại Việt Nam còn sơ khai nếu không muốn nói là chưa có gì. Đó là một thị trường lớn, nhiều tiền nhưng còn chưa có cả sản phẩm lẫn giải pháp. Nếu là người đi đầu thành công, chắc chắn cái lợi của BKAV thu được không chỉ tiền lãi từ việc bán phần cứng BPhone.
Việc cung cấp các giải pháp, gói giải pháp bảo mật cho các cơ quan doanh nghiệp BKAV vốn đã quá quen thuộc. Việc chuyển nền tảng cung cấp giải pháp lần này chắc chắn là khó khăn nhưng chắc chắn là cơ hội lớn cho BKAV.
|
Một điểm lợi quan trọng nhất khiến BKAV tự tin vào thị trường này đó là vì họ là NSX trong nước. Nguy cơ bị gắn các thiết bị gián điệp vốn đã gây hoang mang cho không ít người Việt bấy lâu nay biến mất hoàn toàn khi lựa chọn các giải pháp của BKAV. BKAV hơn hẳn phương Tây về giá và hơn hẳn các đối thủ đến từ Trung Quốc (chắc chắn có giá rẻ hơn) về sự an toàn, tin cậy.
Và đó là cách tư duy của BKAV
Bán hàng và giành chiến thắng các gói thầu bảo mật là cách BKAV "kiếm sống" bấy lâu nay. Mảng khách hàng lẻ vốn chẳng có bao nhiêu doanh thu và mục tiêu lớn nhất chỉ là để giúp cho họ chiến thắng tại các cuộc đua lớn hơn. Trước đây, họ không chủ động về phần cứng khiến cho việc triển khai các giải pháp không được toàn diện. Còn với BPhone, tham vọng thống trị của BKAV tại mảng này là điều không thể chối cãi.
Và khi đó, liệu họ có quan tâm đến vài đồng "bạc lẻ" từ người dùng lẻ?