Hàng loạt trang facebook lớn "biến mất" bí ẩn
Đã từ lâu, cộng đồng người dùng Facebook Việt Nam xem các fan page trên Facebook như một món ăn tinh thần không thể thiếu, bên cạnh việc kết nối với bạn bè, người thân. Nội dung các fan page đa dạng, mới mẻ, đáp ứng được nhu cầu của độc giả.
Ngoài ra, rất nhiều doanh nghiệp đã tạo fan page chính thức của mình để tương tác với khách hàng. Số lượng Like (Thích) của các fan page này rất đa dạng, từ chỉ vài trăm cho tới vài triệu Like (các nhãn hàng lớn hoặc các nghệ sĩ).
Võ Hoài Linh - một trong những fan page lớn tại Việt Nam sở hữu gần 10 triệu Like.Và cũng đã từ lâu, luôn có một điều mà đội ngũ Ad (Admin - những người tạo và điều hành hoạt động của fan page) phải chấp nhận: Fan page có thể "ra đi" bất kỳ lúc nào, vì những lý do mà chỉ có Facebook mới biết chính xác. Và những đợt fan page facebook bị khóa như vậy, người trong ngành hay gọi là "quét". Mỗi năm, Facebook sẽ có khoảng 2 - 3 đợt quét các fan page vi phạm.
Đầu năm 2014 đánh dấu đợt quét lớn nhất của Facebook kể từ khi mạng xã hội này bùng nổ tại Việt Nam. Nhiều fan page hàng triệu Like ra đi vĩnh viễn không thể lấy lại được.
Cuối năm 2015, thêm một loạt các fan page lớn thời bấy giờ như "Beat.vn", "Thức khuya xem bóng đá" hay "2! Idol" đồng loạt bị Facebook khóa mà không thể nào mở lại được.
Đầu năm 2017, "bóng ma" Facebook quét đã trở lại. Một số fan page lớn, bao gồm cả của người nổi tiếng như "Giang Popper" (2,7 triệu lượt Like) hay page "Nghe Gì Coi Gì" (1,1 triệu Like) tiếp tục chịu chung số phận. Ngoài ra, một fan page khác là "WeLax" cũng biến mất.
Sáng ngày 18.03, đợt quét lần thứ hai trong năm 2017 còn mạnh mẽ hơn trước. Hàng loạt fan page quen thuộc của cộng đồng người dùng Facebook Việt đã không thể truy cập được nữa như "Câu Chuyện Cuộc Sống", "Góc Ẩm Thực". Không chỉ người nổi tiếng hay page Cộng đồng mà các thương hiệu lớn cũng là nạn nhân. Điển hình là fan page của ứng dụng tìm hàng quán Foody với hơn 3 triệu Like đã bị khóa.
Không quá khó khăn để tìm thấy những nội dung liên quan tới vấn đề này được chia sẻ trong các nhóm. Hầu hết đều ngỡ ngàng trước sự việc và ngậm ngùi nhìn đứa con tinh thần "ra đi". Thậm chí, có người còn bị khóa một lúc 15 fan page, rơi vào cảnh "trắng tay".
(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});Sân chơi của Facebook nên "đã chơi là phải chấp nhận"?
Không thể phủ nhận, thật sự có một số fan page vi phạm nội quy của Facebook nên bị khóa là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, đó chỉ là một con số nhỏ và các fan page lớn hầu như ít mắc lỗi này vì Admin đủ hiểu được, một khi càng lớn thì càng "béo" và rất dễ bị Facebook để ý, nên họ sẽ cẩn trọng hết cỡ.
Ngoài ra, không một doanh nghiệp nào lại "dại dột" đến mức vi phạm nội quy, vì thương hiệu của họ trên mạng xã hội được xây dựng tốn rất nhiều công sức và tiền của, không thể mạo hiểm làm trái quy định dù chỉ một lần. Nếu có, cũng chỉ là vô tình phạm phải.
Bên cạnh đó, những fan page được đầu tư mạnh để chạy quảng cáo trên Facebook - tạo nên nguồn doanh thu cho gã khổng lồ mạng xã hội này - cũng bị khóa không thương tiếc.
"Trung bình mỗi tháng shop tôi chi khoảng 30 triệu để quảng cáo sản phẩm, đều như vắt chanh. Sáng nay mở mắt ra đã thấy page của shop bị khóa, không tin được luôn! Shop chỉ bán quần áo trẻ em, quảng cáo cũng được phê duyệt đầy đủ chứ không dùng chiêu trò gian lận gì" là bức xúc của một chủ shop về sự cố.
Theo như thống kê, doanh thu quảng cáo trực tuyến của Facebook hiện đang đứng đầu thị trường Việt Nam và để được đưa vô danh sách "hỗ trợ đặc biệt", một doanh nghiệp phải chi rất nhiều tiền vào quảng cáo.Theo tìm hiểu, việc xây dựng một fan page và "nuôi lớn" là cả một quá trình dài đằng đẵng, có khi đến vài năm, được đầu tư tâm huyết của đội ngũ quản trị. Việc tạo dựng nội dung sao cho hay, được nhiều người Like và Share nhất hay tương tác với người dùng là một phần công việc lặp đi lặp lại mỗi ngày của họ.
Thế nhưng, đổi lại những công sức đó là việc phải luôn sống trong nỗi lo sợ nơm nớp một ngày Facebook sẽ khóa page của mình mà không rõ nguyên nhân. Tất cả những lý do Facebook đưa ra chỉ luôn là "Vi phạm điều khoản", cũng không thấy có cảnh báo trước. Tuy họ cho phép Admin các page kháng cáo về quyết định đó, tuy nhiên, tỉ lệ thành công không cao.
Mặc dù Facebook đã có những cơ chế hỗ trợ riêng cho những người dùng chịu chi tiền để quảng cáo trên Facebook, nhưng có một sự thật là, nhóm quyết định việc có khôi phục fan page hay không lại là một nhóm khác và đội ngũ hỗ trợ này cũng không có quyền can thiệp.
Một số người cho rằng "Sân chơi của Facebook, chơi thì phải chấp nhận thôi" nhưng liệu những chuyện này có thật sự thỏa đáng, khi rất nhiều fan page hay là một lý do để níu chân người dùng ở lại với mạng xã hội này nhiều hơn, tương tác nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn. Và một ngày đẹp trời, Facebook "mình thích thì mình khóa thôi".
Không có bất kỳ hỗ trợ nào cho việc xây dựng nội dung, luôn "gợi ý xài tiền" để tăng số lượng tiếp cận cũng như khóa page ngay khi có lỗi, liệu Facebook có đang chơi đẹp với người dùng của mình?