Chuyến du hành trong lòng đất
Sâu thẳm trong khu rừng nhiệt đới của miền Trung Việt Nam, sơn đoòng nằm giấu mình trong thế giới hoang sơ và chứa đựng trong lòng một kỳ quan độc đáo. Nắm giữ không chỉ giá trị lịch sử, văn hóa, du lịch mà Sơn Đoòng còn mang trong mình giá trị sinh thái hoang sơ, kỳ bí có một không hai trên trái đất.
Đây là hang động lớn nhất thế giới, nằm trong Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng với quần thể núi đá vôi 450 triệu năm tuổi. Sơn Đoòng có hệ thống nước ngầm tuyệt đẹp được gọi là những dòng sông ngọc, và cả một khu rừng nhiệt đới hoang sơ tuyệt diệu, được các nhà khoa học đặt tên “Vườn địa đàng”.
Với chiều dài trên 5km, và chiều cao trung bình hơn 200m, Sơn Đoòng có thể tích ước tính 38,5 triệu mét khối, đủ sức chứa 68 chiếc máy bay Boeing 777, hay cả một khu phố New York với những toà nhà cao 40 tầng. Vào sâu trong lòng hang là nhiều dạng địa hình phong phú với hệ thống thạch nhũ có hình thù, màu sắc, kích thước khác nhau, và nhiều san hô hóa thạch lớn có niên đại hàng trăm triệu năm tuổi.
Với kích thước ấn tượng của mình, cùng với sự đồ sộ và hùng vĩ về cảnh quan, Sơn Đoòng là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất hành tinh và địa điểm khám phá mơ ước của nhiều người. Nhưng do việc khai thác du lịch Sơn Đoòng phải đáp ứng tiêu chí bảo tồn và phụ thuộc thời tiết, sức khoẻ, nên số lượng người được cấp phép vào hang rất ít. Theo thống kê số người chinh phục thành công hang sơn đoòng hiện tại còn ít hơn cả số người từng đứng trên đỉnh Everest. Việc khai thác quần thể Phong Nha - Kẻ Bàng phục vụ phát triển kinh tế và vấn đề bảo tồn di sản hiện chưa tìm được hướng đi chung và đang gây tranh cãi trong cộng đồng.
công nghệ và di sản
Công nghệ đã và đang phát triển như vũ bão bao trùm lên mọi mặt của đời sống xã hội. Nó đã trở thành một cuộc chạy đua gay cấn để giành giật sức ảnh hưởng giữa các tập đoàn cũng như các quốc gia. Có thể nói công nghệ đang thay đổi từng ngày, các phát minh, sáng chế càng mới càng nhiều giá trị.
Đối lập với sự luôn luôn thay đổi của công nghệ, di sản là những thứ chứa đựng yếu tố lịch sử và sự kế thừa. Là văn hoá, nghệ thuật, lịch sử của mỗi quốc gia, luôn cần chăm chút và bảo tồn. Di sản đề cao tính nguyên bản, giữ gìn tính nguyên vẹn. Nhưng có một điều thú vị là chúng ta hoàn toàn có thể ứng dụng các công nghệ mới trong việc bảo tồn, và khai thác bền vững các di sản.
Việt Nam là một quốc gia có lịch sử lâu đời và địa lý trải dài với nhiều đặc điểm độc đáo, thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho đất nước chúng ta nhiều kỳ quan đặc sắc. Theo thống kê Việt Nam hiện tại có 22 di sản quốc tế vật thể và phi vật thể đã được công nhận, còn số lượng các di sản vẫn đang trong quá trình đề cử thì rất nhiều. Việc được UNESCO công nhận các danh hiệu đã mang lại cho đất nước và các địa phương cơ hội lớn để phát triển du lịch nhưng đồng thời cũng đem đến những thách thức không nhỏ về vấn đề bảo tồn và phát triển bền vững.
Sức mạnh của mạng xã hội
Nói đến ảnh hưởng của công nghệ với bảo tồn di sản, đầu tiên phải nói đến sự ảnh hưởng của internet và mạng xã hội. Trong thời đại bùng nổ công nghệ, sự phổ biến của internet và các trang mạng xã hội, cùng với các thiết bị di động thông minh làm cho sự tiếp cận của đại chúng đối với những thông tin về di sản ngày càng nhanh chóng và tức thời. Cách tiếp cận thông tin hiện đại này mang lại cả tác động tiêu cực và tích cực.
Ảnh hưởng tích cực nhất của mạng xã hội là tính lan toả, nó giúp cho hoạt động chia sẻ, truyền thông, quảng bá diễn ra vô cùng nhanh chóng, từ đó có thể thúc đẩy được du lịch và kinh tế địa phương, xoá đói giảm nghèo và nâng cao được nhận thức xã hội. Rất nhiều các vụ việc do sức mạnh truyền thông của cộng đồng mà đã thay đổi được cục diện và kết quả.
Nhưng mạng xã hội cũng gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực, theo lời anh Ngô Huy Hoà - người sáng lập công ty truyền thông Hachi8:
“Chúng tôi là những người có đam mê khám phá và nghệ thuật nhiếp ảnh, luôn muốn dùng hình ảnh, video để giới thiệu những cảnh đẹp của quê hương, đất nước. Nhưng mỗi lần giới thiệu địa điểm mới kèm theo sự chia sẻ trên mạng xã hội thì sau đó cộng đồng ùn ùn kéo đến mang theo sự ồn ào, và đầy rẫy rác thải của những người thiếu ý thức, cư dân địa phương cũng chẳng hưởng lợi gì mấy vì đến chai nước trắng, gói mì tôm các bạn còn xách từ nhà mang theo.
Sau vài lần như thế thì giờ đây chúng tôi không dám ghi rõ địa điểm nữa. Nhưng vẫn luôn mong muốn có thể hợp tác được với các cơ quan ban ngành, doanh nghiệp địa phương xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển du lịch bài bản và bền vững, phát triển được các sản phẩm và dịch vụ du lịch đa dạng. Và cũng mong cộng đồng có ý thức giữ gìn môi trường, thiên nhiên và đóng góp được cho kinh tế, cộng đồng địa phương”.
Các ứng dụng di động
Sự ra đời của iPhone và các thiết bị di động thông minh cùng những ứng dụng tích hợp đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Bức tranh bảo tồn cũng được xây dựng dựa trên nhiều công nghệ di động hiện đại như GPS, QR code...
Sự phát triển của các ứng dụng di động là cần thiết đối với việc bảo tồn di sản. Với vài thao tác đơn giản, các nội dung số như hình ảnh và video về các di sản sẽ hiện ra một cách chân thực và nguyên vẹn, người dùng hoàn toàn có thể tận dụng các dữ liệu đó để nghiên cứu, khám phá và tạo ra các nội dung số khác, đồng thời chia sẻ trên các trang mạng xã hội và các kênh truyền thông mà không cần đến tận nơi hoặc xem hiện vật trưng bày trực tiếp.
Hiện nay đã có nhiều di tích, bảo tàng sử dụng phần mềm di động để hướng dẫn du khách tham quan và tìm hiểu cụ thể về địa điểm di tích trực tiếp chiếc điện thoại thông minh mà không cần đến hướng dẫn viên, du khách được tự do khám phá địa điểm du lịch thông qua định vị, thuyết minh đa ngôn ngữ và video hướng dẫn từng ngóc ngách của địa điểm đó.
Dữ liệu lớn là mỏ vàng quốc gia
Là quốc gia đông dân và dân số trẻ với tỉ lệ sử dụng Internet khoảng 57% thì Việt Nam được xem là thị trường dữ liệu lớn hàng đầu khu vực châu Á. Nhưng cần sự chung tay của chính phủ và các bộ ngành cùng với doanh nghiệp trong việc xây dựng kho dữ liệu chung, về việc số hoá các tài liệu, văn bản, di sản văn hoá phi vật thể là cần thiết. Đi kèm theo đó là các dữ liệu về tài nguyên, môi trường, cơ sở hạ tầng thông tin cho việc số hoá di sản.
Công nghệ 3D và thực tế ảo
(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});Các thiết bị 3D thế hệ mới cho phép quét toàn cảnh, kèm theo lớp dữ liệu về kích thước và tọa độ vật thể, hình ảnh, kích thước, màu sắc và bản vẽ chi tiết chính xác, để có thể lên phương án phục dựng và phối cảnh trước khi thực hiện thực tế, hạn chế các sai sót ảnh hưởng đến quá trình phục chế.
Thực tế ảo là các công nghệ xây dựng môi trường giả lập với những hình ảnh được thiết kế qua các ứng dụng phần mềm chuyên dụng. Chúng hiển thị ngay trên màn hình máy tính hoặc thông qua kính thực tại ảo nhằm mang đến những trải nghiệm thực tế nhất cho người xem. Tuy sử dụng hình ảnh và không gian ảo nhưng thế giới đó có sự tương tác, thay đổi theo ý muốn của người sử dụng.
Đây cũng là một trong những đặc tính chính của thực tế ảo, đó là sự phản ứng qua lại với thời gian thực, tức là máy tính có khả năng nhận biết được tín hiệu vào của người sử dụng và thay đổi ngay lập tức thế giới ảo. Người dùng sẽ nhìn thấy sự vật thay đổi trên màn hình ngay theo ý muốn của họ và bị thu hút bởi sự mô phỏng tuyệt vời này.
Công nghệ này đang được xem là giải pháp tối ưu cho vấn đề bảo tồn di sản, hiện vật. Sử dụng công nghệ này, các di sản sẽ được số hoá, giả lập để khai thác tham quan mà không cần giới hạn số người cũng như phải lo lắng về việc bảo vệ hiện vật.
Các vị khách tham quan thì không phải lo lắng về thời tiết, sức khoẻ, tài chính, với một khoản phí nhỏ họ có thể ra vào bất cứ lúc nào không giới hạn thời gian, không có những điều lệ cấm chạm vào hiện vật và đặc biệt nhất là khách hàng không cần phải “lặn lội” tận nơi để thưởng thức nét đẹp đó. Đây là một trong những phương thức giao lưu văn hóa thế giới đang được ưa chuộng hiện nay.
blockchain là nhân tố mới
Công nghệ chuỗi khối Blockchain mới chỉ xuất hiện vài năm trở lại đây và vẫn đang trong quá trình phát triển, hoàn thiện nền tảng hạ tầng. Với các đặc tính như dữ liệu phân tán, không thể sửa đổi hay tính công cộng, minh bạch, bảo mật, an toàn, những ứng dụng quan trọng đã và đang mang lại của Blokchain là rất lớn.
Trong vấn để bảo tồn di sản, Blockchain có thể tham gia số hoá các di sản, tài liệu, tác phẩm nghệ thuật và định danh chúng trên nền tảng của mình để đảm bảo tính duy nhất và có thể dễ dàng truy nguyên nguồn gốc.
Cụ thể, tất cả các tác di sản đều có thể bị phá huỷ do nhiều yếu tố như thời gian, thời tiết, thiên tai, hoả hoạn và các yếu tố chủ quan khác của con người. Các thiết bị chiếu chụp ngày nay đã đủ hiện đại để có thể ảo hoá toàn bộ di sản với không gian nhiều chiều, kèm các thông số dữ liệu khác. Sau đó các “di sản số” sẽ được định danh và mã hoá trên môi trường Blockchain để đảm bảo tính duy nhất.
Các cá nhân, tổ chức ví dụ các viện bảo tàng có thể tham gia kết nối, chia sẻ dữ liệu và đóng vai trò là một Nút của nền tảng. Bằng cách này, bất kỳ ai cũng có thể xem nhưng không thể sửa đổi, mọi người cũng có thể tham gia mua bán trao đổi các tác phẩm, bộ sưu tập của mình như những loại tài sản số khác.
Phát biểu bổ sung ý kiến, Anh Nguyễn Bá Khang - sáng lập viên của start-up newcater , một Start-up đang phát triển công nghệ Blockchain phục vụ cho quá trình đấu giá và lưu trữ các bộ sưu tập và tài sản số thì Blockchain có thể tham gia và thúc đẩy xã hội hóa hoạt động bảo tồn di sản.
Các công nghệ của Blockchain đảm bảo tính minh bạch, bảo mật và toàn cầu thích hợp cho việc kêu gọi đóng góp, ủng hộ từ cộng đồng cho hoạt động bảo tồn. Blockchain cũng tạo ra môi trường kinh tế và kỹ thuật để thúc đẩy cộng đồng tham gia, từ đó nâng cao ý thức bảo tồn cũng như sự đóng góp từ nhiều phía.
Về phía Newcater, chúng tôi đang xây dựng một hệ sinh thái Blockchain, trong đó đóng vai trò chủ đạo là nền tảng mua sắm đấu giá các sản phẩm độc đáo, thủ công truyền thống, thông qua đó chúng tôi hi vọng đóng góp được phần nào thúc vào việc thúc đẩy, phát huy và bảo tồn các giá trị di sản tinh hoa nghề truyền thống cũng như bảo tồn các giá trị văn hoá, nghệ thuật của dân tộc.
Cùng nhau chúng ta có thể bảo tồn được di sản
Trong khi chờ đợi các đường lối chính sách, nguồn lực dài hơi của các cơ quan ban ngành, thì với sự đóng góp và truyền thông của cộng đồng, chúng ta hoàn toàn có thể cùng nhau tham gia và giúp ích cho các hoạt động bảo tồn di sản và văn hoá, nghệ thuật của dân tộc với một số hoạt động sau.
Thông qua sức mạnh của công nghệ và mạng xã hội, thúc đẩy hoạt động truyền thông, quảng bá, nâng cao nhận thức bằng hình ảnh, bài viết, video lan toả, từ đó có thể thúc đẩy du lịch, và nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng.
Kêu gọi sự đóng góp và ủng hộ nguồn lực của xã hội, thông qua các hoạt động gây quỹ bảo tồn, và đóng góp trùng tu tôn tạo, kêu gọi các chuyên gia và nhiều bên tham gia đóng góp ý kiến để các hoạt động khai thác, trùng tu, tôn tạo, phục dựng không diễn ra tự phát làm hỏng kiến trúc, cảnh quan, sai lệch nguyên mẫu. Kêu gọi cộng đồng tham gia các hoạt động triển lãm, hiến tặng và các hoạt động xã hội khác nhằm tạo ra phong trào trong xã hội.
Thúc đẩy văn hoá tiêu dùng các sản phẩm xanh, sạch, thủ công truyền thống, thông qua đó thúc đẩy sản xuất và phát triển kinh tế xanh, giúp bảo vệ môi sinh, chống ô nhiễm và tạo ra hàng ngàn công ăn việc làm… Đây chính là xu thế tất yếu và là lựa chọn thông minh mà nhân loại đang hướng đến.
Thúc đẩy tinh thần dân tộc và các hoạt động khởi nghiệp , sáng tạo, nâng cao năng lực làm chủ công nghệ và năng lực nghiên cứu phát triển sản xuất các sản phẩm công nghiệp văn hóa phục vụ thương mại, cũng như ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ cao để bảo tồn, phục dựng các di vật, cổ vật, báu vật, công trình kiến trúc nghệ thuật của di tích, nghệ thuật trình diễn dân gian đang bị mai một, hoặc biến mất trong đời sống văn hóa cộng đồng.
Video: Hình ảnh hang Sơn Đoòng:
Bài viết được thực hiện bởi đội ngũ: Newcater, Hachi8...
Ảnh: Ngô Huy Hoà