Bạn dùng smartphone để làm gì? Tất nhiên là để chụp ảnh, lưu giữ hình ảnh, danh bạ, email… Và rồi vào một ngày "đẹp trời", bạn phát hiện ra chiếc smartphone của mình đã bị tin tặc viếng thăm kèm theo đó là mớ dữ liệu bị cuỗm sạch. Sẽ chẳng còn gì "nhọ" hơn thế phải không các bạn?
Vậy làm sao để đảm bảo an toàn cho các dữ liệu trên smartphone. Hãy tham khảo những lời khuyên dưới đây.
1. Cố gắng sử dụng các kỹ thuật khóa máy khác nhau
Đa số người dùng khi được hỏi cho biết họ thường lựa chọn phương pháp thiết lập mật khẩu mặc định trên điện thoại thông minh, tức là dùng một dãy số hay chữ cái để tạo ra password. Nếu bạn luôn chọn một mật khẩu cho dễ nhớ, ví dụ ngày sinh, tên người yêu… và có kẻ "dòm ngó" và muốn làm hại bạn bằng những bí mật riêng tư, đây chính là món mồi ngon cho hacker.
Một số smartphone có tính năng mở khóa bằng vân tay, quét mống mắt, nhận dạng khuôn mặt… có tính bảo mật rất cao. Hãy cố gắng làm quen với chúng (dù có hơi phức tạp hơn cách cũ) để đảm bảo an toàn hơn cho chiếc smartphone của mình.
Một tính năng rất được người dùng "sành" công nghệ yêu thích đó là Smart Lock. Với tính năng này, bạn có thể cấu hình để chiếc smartphone chỉ mở khóa khi kết nối cáp USB hay mạng WiFi. Đây là một phương thức bảo mật sáng giá cho các thiết bị Android.
2. Sử dụng một công cụ chống virus
Mặc dù các hệ điều hành di động hiện nay không có nhiều virus như trên PC, nhưng không đồng nghĩa với việc bạn thoải mái mở cửa thiết bị của mình cho các phần mềm độc hại. Hơn nữa, những phần mềm bảo mật thường đi kèm với một tính năng khá thú vị là chống trộm. Ví dụ, khi phát hiện ra mất thiết bị, người dùng có thể gửi tin nhắn đến thiết bị để kích hoạt âm báo liên tục mà kẻ trộm không thể tắt (nếu không có password). Thậm chí, một số ứng dụng còn cho phép bật camera, chụp ảnh kẻ trộm và gửi về các thiết bị khác của người dùng.
Ứng dụng tốt nhất hiện nay trên Android là Avast. Một ứng dụng sẽ giúp chiếc điện thoại bị đánh cắp phát ra âm thanh chói tai liên tục và nếu kẻ trộm đang ở nơi công cộng, đông người thì hãy… xác định đi nhé.
3. Sử dụng điện thoại cũ trong một số tình huống
Rõ ràng sẽ có lúc bạn đến những nơi mà "trộm cắp như rươi" như những bữa tiệc đông người, các lễ hội… Bằng các "chiêu hai ngón" sành điệu, kẻ trộm sẽ không mất bao nhiêu thời gian để xoáy chiếc iPhone 7 hay Galaxy S7 của bạn.
Thời nay chắc chẳng còn tên trộm nào nghía "siêu phẩm" này của bạn.
Tốt nhất, bạn hãy thủ sẵn một chiếc điện thoại cũ để mang theo trong những trường hợp này. Có thể nó sẽ không có đầy đủ tính năng như chiếc smartphone hiện tại, nhưng ít nhất những kẻ cơ hội cũng không chú ý đến một chiếc điện thoại "cùi bắp" trong khi còn nhiều mục tiêu khác hấp dẫn hơn.
4. Thiết lập mật khẩu hoặc mã pin cho các ứng dụng nhạy cảm
Đừng bao giờ nghĩ chiếc điện thoại của mình an toàn tuyệt đối. Nếu không muốn có ngày những tin nhắn trên Facebook hay Whatsapp của bạn bị kẻ xấu phát tán (sau khi cuỗm đi smartphone của bạn) hãy thiết lập mật khẩu hay mã pin cho những ứng dụng này. Bạn có thể dùng Avast để thêm mã pin cho các ứng dụng nếu ngại root máy.
Tất nhiên bạn đừng quên cả mã pin hay password đăng nhập vào những ứng dụng này nhé, sẽ rắc rối to đấy.
5. Tìm kiếm điện thoại hoặc xóa dữ liệu từ xa
Công cụ Android Device Manager của Google cho phép bạn cấu hình nhiều thiết bị đầu cuối với một tài khoản và kiểm soát từng thiết bị riêng. Bạn cần phải tải về ứng dụng tương tự trên tất cả các thiết bị để theo dõi, quản lí các thiết bị của mình từ xa một cách tốt nhất. Nếu bạn bị mất một trong các thiết bị của mình và muốn xóa dữ liệu, hãy đăng nhập từ một thiết bị khác và tiến hành xóa tất cả mọi thứ từ xa chỉ trong vòng vài giây.
Bạn còn chờ gì nữa, hãy nhanh chóng làm cho chiếc smartphone của mình trở nên an toàn hơn đi nào.