Có rất nhiều cơ hội mới mẻ chờ đón những nhà khởi nghiệp nắm bắt và phát triển. Thế nhưng, bên cạnh số ít dám phát triển những dịch vụ hay sản phẩm hoàn toàn mới thì cũng có nhiều người chọn khởi nghiệp với những thứ đã có trên thị trường.
Xem ra quyết định này cũng chẳng kém phần liều lĩnh. Xét cho cùng, có dự án khởi nghiệp nào lại không liều lĩnh cơ chứ. Cái chính là trước khi bắt đầu, bạn hãy tự mình rà soát lại 5 yếu tố then chốt dưới đây.
1. Thị trường đầu ra cho sản phẩm
Trước tiên, bạn sẽ phải xác định rõ sẽ có hai phân khúc khách hàng chính. Một, là phân khúc người dùng đã biết, sử dụng quen loại hình sản phẩm hay dịch vụ mà bạn định cung cấp và có khả năng "bắt lỗi" rất nhạy với những sản phẩm na ná nhau. Hai, là phân khúc khách hàng mới chưa từng có trải nghiệm với loại sản phẩm này.
Quá trình tái tạo lại một mô hình sản phẩm đòi hỏi bạn phải nghiên cứu kỹ về thị trường và các nhóm khách hàng tiềm năng. Nhóm "chuyên gia" đã rất hiểu về sản phẩm và vì thế bạn nên tấn công theo hướng đơn giản hóa và tối ưu hóa trải nghiệm của họ. Nhóm khách mới có nhu cầu rất đa dạng, vậy nên các nhà khởi nghiệp cần khôn khéo đưa ra chiến lược sản phẩm hợp lý, tạo điều kiện mở rộng phạm vi các dòng sản phẩm cũng như phát triển các sản phẩm có thiết kế mới lạ, độc đáo, lôi kéo người dùng.
2. Quy trình nhận thức về hàng hóa
Việc tái sản xuất một loại hình sản phẩm, dịch vụ thường đòi hỏi nhà khởi nghiệp tìm hiểu kỹ về quy trình tiếp cận khách hàng và cách thức khách hàng hiểu, quan tâm và ra quyết định mua sản phẩm. Mạng toàn cầu và các ứng dụng di động trong vài năm trở lại đây đã làm biến đổi hoàn toàn những quan niệm về mua hàng truyền thống và nghệ thuật marketing nằm ở khả năng biến nội dung tiếp thị trở nên hấp dẫn và bắt mắt ngay trên chính màn hình máy tính hay smartphones.
Mạng Internet, kho thông tin bất tận về sản phẩm - Ảnh: Internet.
Giờ đây, quy trình tìm hiểu về một sản phẩm thường sẽ bắt đầu với một câu lệnh tìm kiếm, áp dụng cho mọi đối tượng người dùng. Cũng theo đó, mạng xã hội với khả năng lan truyền thông tin nhanh chóng giữa các nhóm quen biết cũng có ảnh hưởng không hề nhỏ tới quyết định mua hàng, khi người dùng cũng ngày càng tinh tường hơn và không chỉ tin vào những gì mà "Googe nói".
3. Cơ chế tương tác trên toàn bộ chuỗi giá trị
Bạn có thể thắc mắc vì sao mình phải quan tâm đến điều này? Thực tế là ngày nay, bên cạnh việc cân nhắc chất lượng một món hàng xem nó có đáng mua hay không, người tiêu dùng thông minh còn quan tâm tới phạm vi tác động cũng như toàn bộ chuỗi giá trị làm nên sản phẩm đó. Cụ thể, họ quan tâm liệu nguồn gốc nguyên liệu đầu vào có đảm bảo, quy trình sản xuất có an toàn cho người lao động và thân thiện với môi trường sống, sản phẩm đã trải qua bao nhiêu kênh trung gian phân phối, việc sử dụng lâu dài liệu có gây ảnh hưởng, rác thải phát sinh từ sản phẩm có được xử lý đúng cách, vân vân và vân vân.
Nếu cách khách hàng đánh giá chuỗi giá trị có những thay đổi, tức là nhà sản xuất cần rà soát lại chính các quy trình của mình, từ đó tái định vị giá trị sản phẩm và nâng cao khả năng kết hợp của nó với các sản phẩm và dịch vụ khác để tăng tính cạnh tranh.
4. Mức độ kỳ vọng của người dùng
Như đã nói ở trên, xu thế công nghệ và di dộng hóa đã biến đổi cách thức con người tiếp cận thông tin và từ đó, làm thay đổi nhận thức cũng như mức độ kỳ vọng của người dùng đối với sản phẩm hay dịch vụ. Marketing và các chiến lược nội dung là con dao hai lưỡi, vì nếu bạn làm "quá tốt" hai khâu này, khả năng là khách hàng sẽ đổ xô tìm mua sản phẩm của bạn, mang theo niềm tin rằng chất lượng của nó còn vượt xa những gì được quảng cáo. Kết quả, họ có thể bị thất vọng, vỡ mộng và thậm chí tức tối với các thông điệp marketing mà bạn tốn không biết bao công sức để truyền tải.
Công nghệ đã làm thay đổi hoàn toàn phong cách mua hàng hiện đại - Ảnh: Internet.
Làm giàu với những sản phẩm hay dịch vụ cũ phải hết sức tinh tế, tận dụng công nghệ và truyền thông song đồng thời cũng phải cẩn trọng lắng nghe phản hồi từ phía thị trường.
5. Và cuối cùng, tâm lý thích cái mới
Mặc dù bản chất sản phẩm không mới, song với bất kỳ một nhãn hiệu mới nào ra mắt thị trường, người dùng cũng cần được cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm và cách thức sử dụng sản phẩm đó để đạt được hiệu quả tối ưu. Đó cũng là cách khiến khách hàng có được cảm nhận "như mới" về sản phẩm hay dịch vụ và giúp hồi sinh tâm lý háo hức, mong chờ của khách hàng.
Bên cạnh mẫu mã và thiết kế, những góc nhìn mới về sản phẩm, gợi ý các phương thức sử dụng lạ lẫm hay các ứng dụng khác của sản phẩm chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của khách hàng. Và biết đâu, họ sẽ muốn thử dùng lại một (vài) lần nữa.
Tựu chung, việc nghiên cứu cẩn thận những thay đổi trên thị trường cũng như đánh giá lại nhu cầu cốt lõi và các mối quan tâm mới của khách hàng là cách giúp bạn có được những sáng kiến phù hợp để làm mới một sản phẩm không mới và khởi nghiệp thành công. Trên tất thảy, những sáng kiến của bạn phải tương thích với văn hóa của nhóm khách hàng sử dụng cũng như tận dụng được các ưu thế công nghệ hiện đại.