Nguyên nhân gây nên hiện tượng hiệu ứng nhà kính là do sự gia tăng của lượng khí thải cacbonic (CO2) mà sinh hoạt và hoạt động của con người tạo ra. Trong lúc tình trạng chặt phá rừng như hiện nay, thì lượng khí thải vẫn thải ra đều đặn và ngày càng nhiều hơn.
Để cải thiện tình hình, vấn đề đặt ra đối với các nhà khoa học là làm sao để giảm xuống thấp nhất lượng khí CO2 thải ra môi trường, song song với việc tăng lượng khí ôxy (O2) trong không khí lên.
Lượng khí thải toàn cầu đang ở mức báo động đỏ. (Ảnh: internet)
Vì thế, các nhà khoa học đang tìm ra một giải pháp mới, một “vị cứu tinh” để cứu rỗi loài người khỏi thảm hoạ của môi trường và tự nhiên. Đó là cây nhân tạo, một tia sáng mới giúp chúng ta trong cuộc chiến làm sạch môi trường, bởi lẽ ta không thể trông cậy vào việc con người sẽ xả bớt một lượng đáng kể khí carbon vào môi trường được. Vì thế, một trong những lựa chọn được đánh giá cao và hữu ích là thu thập những khí thải carbon đó và tìm cách biến chúng thành cái gì có ích hơn, như là nhiên liệu chẳng hạn.
Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu khí thải carbon (CNCE) thuộc Đại học Arizona, Mỹ, đã phát minh một loại cây nhân tạo có khả năng hấp thụ lượng khí CO2 gấp 1.000 lần so với cây tự nhiên.
Hai nhà khoa học đằng sau ý tưởng này là Tiến sĩ Klaus Lackner và Allen Wright từ Viện trái đất trực thuộc Đại học Columbia. Theo tính toán của họ, cây nhân tạo có thể loại bỏ một tấn khí CO2 mỗi ngày.
Hàng cây nhân tạo dọc hai bên đường. (Ảnh: internet)
Cây nhân tạo này sử dụng loại vật liệu hấp thụ đặc biệt màu trắng đục, có khả năng liên kết mạnh với CO2 khi ở trạng thái khô. Để tăng diện tích tiếp xúc với CO2, vật liệu này được bố trí theo hình dạng giống những cuộn giấy, cây thông nhỏ, hoặc các sợi lông thảm.
Các lá cây trông giống các tấm giấy nhựa và được phủ một lớp nhựa thông, mà trong thành phần của nó chứa muối Natri cacbonat, vốn có khả năng lọc khí CO2 ra khỏi bầu không khí và lưu giữ nó trên lá cây dưới dạng muối nở (natri hidrocacbonat –NaHCO3). Để loại bỏ khí CO2, các lá cây sẽ được hơi nước “gột rửa” NAHCO3 và có thể khô tự nhiên trong gió, từ đó tiếp tục hấp thụ nhiều khí CO2 hơn.
Một loạt cây nhân tạo. (Ảnh: internet)
Với số lượng 10 triệu cây nhân tạo, thì có thể loại bỏ 3,6 tỉ tấn khí CO2 mỗi năm – bằng khoảng 10% lượng phát thải khí CO2 trên toàn cầu.
Nếu những cái cây nhân tạo được sản xuất đại trà, thì ban đầu mỗi cây sẽ tốn khoảng 20.000 USD (440 triệu VND), sau đó con số này sẽ giảm xuống, khi chi phí cố định được chia nhỏ hơn cho mỗi sản phẩm, đến mức chỉ thấp hơn một chút so với giá của một chiếc xe gia đình trung bình ở Mỹ.
Giá mỗi cây nhân tạo rẻ hơn so với năng lượng tái tạo. (Ảnh: internet)
Công nghệ này vẫn cần phát triển thêm để có thể có được một chi phí hiệu quả và có khả năng phổ biến được toàn cầu. Từ năm 2007, Viện Thu giữ Khí Carbon Toàn cầu nói rằng việc đầu tư vào thu giữ khí carbon toàn cầu chỉ dưới 20 tỉ USD, chỉ bằng 1/100 số đầu tư vào năng lượng tái tạo.
Theo ông Tim Fox, Trưởng ban Môi trường và Biến đổi khí hậu của Viện Cơ khí Anh quốc, cây nhân tạo là một trong những công nghệ hứa hẹn nhất để di dời CO2 khỏi bầu khí quyển. Lá cây này hấp thụ không khí qua bề mặt, rồi thu lại khí CO2 qua chất liệu natri hidroxide. CO2 do đó được loại bỏ và chôn dưới lòng đất.