Dựa theo một nghiên cứu vừa được xuất bản trên tờ Sage, thời gian là tất cả những gì bạn cần để có một tình bạn. Khoảng thời gian mà bạn bỏ ra với một ai đó càng dài, khả năng phát triển một tình bạn gắn bó với họ càng cao.
Jeffrey Hall, tác giả của nghiên cứu này là một giáo sư nghiên cứu về giao tiếp tại Đại học Kansas. Ông muốn tìm hiểu xem điều gì tạo nên tình bạn gắn bó sau khi xem nghiên cứu của nhà tâm lý học Robin Dunbar của Đại học Oxford, người nói rằng bộ não của chúng ta có giới hạn về số lượng mối quan hệ bạn bè mà nó có thể quản lý.
Cụ thể, Robin Dunbar nói rằng con người phân loại bạn bè thành 4 loại: biết, quen, bạn và bạn tốt. Ông cũng đưa ra lý thuyết rằng đại đa số chúng ta chỉ thân nhất với 5 người, gọi 15 người là bạn tốt và dự đoán rằng bộ não chỉ có thể giữ mối quan hệ với khoảng 150 người. Giáo sư Hall đã thực hiện hai nghiên cứu khác nhau để xem xét các lý thuyết này sâu hơn, và nhắm vào việc thời gian gặp nhau có liên quan đến tình bạn như thế nào.
Trong nghiên cứu thứ nhất, giáo sư Hall hỏi 355 người trưởng thành vừa chuyển đến một khu vực mới, và yêu cầu họ chỉ ra một người nào đó vừa gặp nhưng không có ý định yêu. Sau đó, họ phải nói về tình huống gặp gỡ, thời gian họ bỏ ra cùng nhau và sau đó phân loại mức độ tình bạn từ quen đến bạn tốt. Trong nghiên cứu thứ hai, 112 sinh viên năm nhất của Đại học Kansas được yêu cầu nêu ra tên 2 người họ vừa gặp và theo dõi quá trình phát triển tình bạn của họ với 2 người đó trong 9 tuần liên tiếp.
Sau khi phân tích những kết quả nhận được, giáo sư Hall đưa ra kết luận rằng hai người cần chơi chung khoảng 50 giờ để từ biết thành quen, 90 giờ để từ quen thành bạn và 200 giờ để trở thành bạn tốt. Những người không bao giờ qua được trạng thái “quen” thường chỉ bỏ ra dưới 30 giờ bên nhau, tương đương với việc ngồi chung lớp vài lần một tuần và không bao giờ gặp nhau bên ngoài lớp học.
Dĩ nhiên điều này không có nghĩa là bạn sẽ trở thành bạn tốt với ai đó sau 200 giờ, mà chất lượng của quãng thời gian đó cũng rất quan trọng. “Khi bạn bỏ thời gian đùa giỡn cùng nhau, có những cuộc trao đổi ý nghĩa, hỏi han nhau… những hoạt động giao tiếp này đóng góp vào việc phát triển tình bạn nhanh hơn,” Hall nói với tờ Psychology Today. Một trong những cách phổ biến nhất là hỏi về những gì xảy ra trong ngày, còn nếu bạn chỉ vào văn phòng và chào nhau, điều đó sẽ không dẫn tới tình bạn thân thiết, ngay cả khi cả hai bỏ ra rất nhiều thời gian cùng nhau.
“Bạn phải đầu tư thời gian và công sức,” giáo sư Hall kết luận.
Nghiên cứu khoa học mới cho thấy học kém một phần là... tại trường!