Ngoài ra, đây là thương vụ lớn thứ hai của Lenovo trên đất Mỹ trong vòng chỉ một tuần. Mới tuần trước, Lenovo thông báo mua lại mảng kinh doanh máy chủ của IBM với giá 2, 3 tỷ USD. Công ty điện tử Trung Quốc đang muốn củng cố vững chắc vị trí của hãng trên thị trường máy tính toàn cầu.
Thương vụ Lenovo-Motorola đã chấm dứt quãng thời gian ngắn ngủi Google thâm nhập vào mảng sản xuất thiết bị di động tiêu dùng và đánh dấu sự rút lui của Google khỏi vụ thâu tóm lớn nhất lịch sử hãng tìm kiếm. Năm 2012, Google đã trả số tiền lên tới 12,5 tỷ USD để mua về hãng Motorola. Thương vụ này đã mang lại cho Goolge quyền sở hữu nhiều bằng sáng chế di động của Motorola.
cổ phiếu Google đã tăng 2,2% lên khoảng 1.131 USD sau vài giờ bán Motorola cho Lenovo.
Theo bình luận của hãng tin Reuters, thương vụ mua bán này đã mang lại cho Lenovo khả năng cạnh tranh với Apple và Samsung cũng như với các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc khác đang ngày càng hiếu chiến trên đất Mỹ.
Năm 2005, Lenovo đã trở thành nhà sản xuất PC lớn nhất thế giới nhờ mua lại mảng máy tính cá nhân của IBM.
"Mua lại Motorola, cũng như việc Lenovo đã sử dụng thương hiệu IBM ThinkPad, để nhanh chóng tiếp cận các thị trường béo bở và xây dựng sự nhận diện thương hiệu trong lòng công chúng, đồng thời nâng cao uy tín sản phẩm", nhà phân tích Frank Gillett của hãng Forrester Research nói.
"Nhưng Motorola không nổi bật về mặt thiết kế sản phẩm hay doanh số smartphone. Vì thế giá trị của giao dịch này đơn giản là ở mảng nhận diện thương hiệu để được thị trường nhìn nhận nhanh hơn – và để mở rộng đội ngũ thiết kế, marketing với những nhân tài ở thị trường Mỹ và phương Tây".
Vụ thâu tóm này phải được sự thông qua của cả các cơ quan chức năng ở Mỹ và Trung Quốc. Trong khi đó, theo một báo cáo của Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ, Lenovo đang đối mặt với sự giám sát gắt gao sau khi các thương vụ thâu tóm tại Mỹ năm 2012. Các nhà phân tích cho rằng những vấn đề chính trị có thể cản trở giao dịch này, đặc biệt khi Lenovo cũng đang cố gắng mua lại IBM cùng thời điểm này.
Trong thông cáo chung của Goolge và Lenovo, ở thương vụ mua lại Motorola, Lenovo sẽ trả 660 triệu USD tiền mặt, 750 triệu USD bằng cổ phiếu Lenovo và 1,5 tỷ USD nữa sẽ trả trong vòng 3 năm. Tuy nhiên, Lenovo chỉ nhận được quyền sử dụng các bằng sáng chế của Motorola, chứ không được quyền sở hữu những tài sản trí tuệ này.
Trong hai năm qua, ba nhà sản xuất thiết bị lớn nhất của Trung Quốc là Huawei, ZTE và Lenovo đã trở thành những hãng sản xuất smartphone toàn cầu hàng đầu, một phần nhờ lợi thế trên thị trường trong nước khổng lồ, và trở thành lực lượng mới trong cuộc chiến smartphone.
Trong quý thứ 3/2013, ZTE và Huawei lần lượt chiếm 5,7% và 3% thị phần điện thoại bán ra tại Mỹ, sau mức 36,2% của Apple và 32,5% của Samsung, theo hãng nghiên cứu IDC. Lenovo có mức thị phần kém hơn.
Tuy nhiên, trên toàn cầu, Lenovo lại đứng thứ 5 trong năm 2013 với 4,5% thị phần, tăng từ mức 3,3% của năm 2012 và từ mức hầu như chưa có gì của vài năm trước.
Còn về phía Google, rõ ràng hãng đang phải cố gắng để khỏa lấp khoản thua lỗ của vụ Motorola. Nhà phân tích Carolina Milanesi của hãng Kantar nói Google đang sẵn sàng rút lui khỏi chiến trường phần cứng và tập trung sức mạnh đứng sau các nhà sản xuất thiết bị sử dụng phần mềm Android.
Các nhà phân tích cho rằng việc mua lại Motorola của Google là một cách để Google đảm bảo nắm giữ các bản quyền sáng chế trong bối cảnh các vụ kiện bản quyền công nghệ gia tăng. Nhiều nhà quan sát còn ngạc nhiên khi Google không ngay lập tức bán đi mảng phần cứng sau khi thương vụ mua lại Motorola kết thúc, mà lại chọn cách điều hành Motorola như một công ty riêng biệt.
Hồi cuối năm 2012, Google cũng đã bán mảng kinh doanh bộ thu set-top box truyền hình cáp của Motorola cho Arris Group với giá 2,35 tỷ USD.
Có thể bạn quan tâm: