ZenFone 4 vỡ màn hình nhưng vẫn dùng được, trong khi thay mất tới 1 triệu, vậy có nên thay hay không?
Chị Thảo, ở Mỹ Đình, Hà Nội dùng điện thoại Asus ZenFone 4 từ tháng Sáu. Trong một lần sơ ý, chị đã đánh rơi chiếc điện thoại này, khiến máy bị vỡ tấm kính bảo vệ màn hình bên ngoài nhưng vẫn cảm ứng được. Khi liên lạc với trung tâm bảo hành Asus, chị được biết giá thay màn hình cho chiếc điện thoại này là 1 triệu đồng. Chi phí này quá lớn, bằng một nửa giá mua điện thoại mới, nên chị rất băn khoăn không biết có nên thay màn hình hay không, nhất là khi màn hình cảm ứng vẫn dùng được.
Nhiều độc giả VnReview cũng có chung thắc mắc giống như chị Thảo. Khi màn hình đã hỏng, thường bạn sẽ phải thay nguyên cụm màn hình để dùng tiếp điện thoại. Tuy nhiên, đây là một bài toán "cân não" người dùng bởi chi phí thay màn hình bằng 1/3, thậm chí là bằng nửa giá tiền mua một chiếc điện thoại mới.
Vậy ngoài cách thay toàn bộ màn hình, bạn có cách nào khác để làm màn hình hoạt động trở lại không? Và có đáng để thay toàn bộ màn hình hay không? Bài viết của VnReview hi vọng sẽ giúp bạn đọc trả lời câu hỏi đó.
Vì sao hỏng màn hình?
Có nhiều lý do khiến màn hình bị hỏng, cả khách quan lẫn chủ quan. Tai nạn thường gặp nhất đối với người dùng smartphone là đánh rơi điện thoại, từ đó có thể dẫn tới trầy xước, hoặc nứt vỡ màn hình. Chiếc điện thoại của bạn cũng có thể bị hư hại nếu để trong túi chung với nhiều vật dụng to, nặng, hoặc đặt dưới gối khi ngủ. Sức ép lên điện thoại có thể khiến cho màn hình bị nứt. Đôi khi chỉ một vết nứt rất nhẹ ở góc là đủ khiến màn hình hỏng, mất cảm ứng.
Rơi vỡ màn hình là tai nạn rất hay gặp với người dùng iPhone 4/4s. Ảnh: iMore
Một trường hợp hỏng màn hình hay gặp khác là màn hình bị hỏng cảm ứng trong quá trình sử dụng, mặc dù không rơi vỡ gì. Thường thì trong trường hợp này chỉ có một phần màn hình không nhận cảm ứng, nhưng điều đó cũng đủ để gây khó chịu và làm ảnh hưởng tới trải nghiệm khi sử dụng.
LG G2 xách tay là điện thoại hay gặp vấn đề liệt cảm ứng. Ảnh: Facebook Hội LG G2
Trường hợp này thường chỉ xảy ra với các loại máy xách tay, có xuất xứ không rõ ràng, có thể là hàng loại 2, loại 3 được nhập từ nước ngoài về. Các loại máy này có thể được ghép linh kiện từ nhiều nguồn khác nhau, do đó chất lượng màn hình không được đảm bảo. Ngoài ra, việc sử dụng các loại sạc rởm, kém chất lượng cũng có thể dẫn tới tình trạng này.
Ngoài ra, còn một trường hợp hư hỏng màn hình khác có thể xảy ra ngay khi vừa mua máy, đó là lỗi điểm chết màn hình. Điểm chết là những điểm chỉ có thể hiển thị một màu sắc, thường là đen hoặc sáng trắng, chứ không thay đổi được theo nội dung.
Các sản phẩm điện tử luôn có một tỉ lệ hỏng hóc nhất định khi xuất xưởng, do vậy nếu… thiếu may mắn thì bạn có thể gặp phải một chiếc điện thoại có điểm chết trên màn hình ngay từ khi bóc hộp. Tuy nhiên tùy theo chính sách bảo hành của từng hãng, màn hình điện thoại phải có từ 3 – 5 điểm chết thì mới được đổi mới. Vì thế kể cả trong trường hợp mua điện thoại mới, chính hãng, bạn cũng nên kiểm tra kỹ trước khi nhận máy.
Xử lý màn hình đã hỏng như thế nào?
Màn hình điện thoại, đúng hơn là cụm màn hình, thường được cấu tạo từ ba thành phần: lớp kính bảo vệ, lớp cảm ứng và tấm màn hình LCD. Trên hầu hết các smartphone hiện nay, cả 3 thành phần của màn hình (lớp kính bảo vệ, lớp cảm ứng và tấm màn hình LCD) đều được gắn liền với nhau để tăng chất lượng quang học và giảm độ dày của cụm màn hình. Chính vì vậy, khi màn hình bị hỏng, cách xử lý tối ưu nhất là thay hoàn toàn màn hình. Mặc dù có trường hợp chỉ cần thay kính bảo vệ, đây cũng chỉ là cách xử lý tạm thời và thường không đảm bảo độ bền về lâu dài.
Dịch vụ thay kính iPhone nở rộ trong thời gian gần đây với những lời lẽ quảng cáo hào nhoáng. Có cửa hàng quảng cáo trang bị máy ép kính, và sử dụng các loại kính chất lượng cao để thay cho màn hình điện thoại, do đó chất lượng sẽ không thay đổi. So với phương án thay cả màn hình, giá thay mặt kính chỉ bằng khoảng một nửa. Ví dụ với iPhone 5/5s, giá thay một bộ mặt kính dao động từ 600.000 đến 1 triệu đồng, trong khi giá thay cả màn hình phải từ 1,5 đến 2 triệu. Đây là yếu tố khiến nhiều người cân nhắc liệu có nên thay cả màn hay chỉ cần thay kính.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của nhiều cửa hàng chuyên sửa chữa điện thoại, thay mặt kính chỉ là phương án tạm thời, sau khi sử dụng khoảng 2 tháng chất lượng sẽ giảm đi rõ rệt. Không phải cửa hàng nào cũng có thể trang bị máy ép kính, và công đoạn phức tạp của việc này (tháo kính cũ, dán lớp cảm ứng để đặt lên kính mới và ép lại) nếu thực hiện không cẩn thận sẽ ảnh hưởng tới chất lượng màn hình.
Ngay cả khi lựa chọn thay toàn bộ màn hình, điều mà người dùng băn khoăn là liệu màn hình được thay có đúng là hàng "xịn", chất lượng hay không? Sau khi thay màn hình, liệu độ bền của máy có bị ảnh hưởng không? Đây là những thắc mắc rất hợp lý, khi tính tới chi phí thay màn hình đắt đỏ.
Quá trình mổ một chiếc điện thoại gồm rất nhiều giai đoạn, trong đó giai đoạn bóc màn hình phải rất nhẹ nhàng, cẩn thận
Đối với phần lớn điện thoại, để tháo được màn hình ra là một quá trình rất phức tạp. Với các điện thoại không nguyên khối, kỹ thuật viên có thể tháo máy và lấy được cụm màn hình khá dễ dàng. Tuy nhiên với các điện thoại nguyên khối hoặc siêu mỏng, việc tiếp cận màn hình khó hơn nhiều. Phần lớn trường hợp màn hình kết nối với phần khung bằng keo dính, do vậy cần phải gia nhiệt ở cụm màn hình để lớp keo này chảy ra. Quá trình gia nhiệt này nếu làm không khéo có thể làm ảnh hưởng tới chất lượng màn hình và các linh kiện của máy.
Với quy trình như trên, có thể nói việc thay màn hình không hề đơn giản, không phải ai cũng làm được. Do vậy, nếu có điều kiện thì người dùng nên lựa chọn thay màn hình tại các trung tâm bảo hành chính hãng. Không chỉ có quy trình tốt, các trung tâm này cũng có hình thức bảo hành sau khi thay màn hình cho khách.
Gần như không thể kiếm được màn hình iPhone "xịn" để thay thế, dù các loại màn của hãng khác có ngoại hình y hệt nhưng cũng không thể copy được chất lượng
Bên cạnh vấn đề kỹ thuật, nguồn linh kiện của các trung tâm bảo hành cũng đảm bảo hơn. Khi thay màn hình ở các địa chỉ này, bạn có thể đảm bảo linh kiện được thay thế do chính hãng cung cấp. Ở các cửa hàng bên ngoài, phần lớn linh kiện là hàng thay thế từ Trung Quốc, chất lượng không bằng hàng chính hãng.
Nếu dùng iPhone chính hãng và làm rơi vỡ màn hình, bạn sẽ không nhận được sự hỗ trợ từ hãng
Điện thoại iPhone của Apple là một trường hợp khá đặc biệt. Theo chính sách bảo hành chính hãng của Apple, các điện thoại iPhone hỏng hóc đáp ứng được yêu cầu bảo hành sẽ được đổi điện thoại khác, chứ không thực hiện sửa chữa. Điện thoại bị rơi vỡ màn hình nằm trong trường hợp không được bảo hành, và do quy định ở trên trung tâm bảo hành chính hãng sẽ không thực hiện thay thế màn hình. Như vậy kể cả khi mua điện thoại iPhone chính hãng, nếu lỡ tay làm rơi hỏng màn hình thì bạn sẽ phải thay ở cửa hàng ngoài với chất lượng "hên xui" chứ không nhận được sự hỗ trợ từ hãng.
Sau khi tìm được địa chỉ tin cậy để thay màn hình, người dùng lại tiếp tục phải cân nhắc trước một bài toán khó khác: chi phí thay màn hình. Nhìn chung chi phí thay màn hình điện thoại là khá cao, có trường hợp lên tới hơn một nửa giá trị máy, nhất là với các điện thoại giá rẻ.
Chiếc HTC 8X giá hiện tại chỉ hơn 4 triệu, nhưng nếu vỡ màn hình sẽ phải mất gần 3 triệu để thay
Theo khảo sát sơ bộ của VnReview, với các điện thoại giá thấp như Asus ZenFone 4, ZenFone 5 hay Galaxy Win, giá thay màn hình dao động trong khoảng 1 triệu (ZenFone 4) tới 1,7 triệu (ZenFone 5). Với điện thoại cao cấp thì giá thay màn hình đắt hơn, ở mức từ 3 – 5 triệu như chiếc Galaxy Note 3 (3,7 triệu). Đặc biệt với các điện thoại cao cấp mới giảm giá như mẫu HTC 8X, giá thay màn hình (2,8 triệu đồng) có thể lên tới 2/3 giá máy mới (hơn 4 triệu).
Có nên thay khi màn hình đã hỏng?
Với chi phí thay màn hình cao như vậy, có thể hiểu được sự phân vân của nhiều người dùng khi cần thay màn hình. Một khi màn hình đã vỡ, tốt nhất bạn nên thay màn hình, vì kể cả khi vẫn còn dùng được thì sau một thời gian màn hình sẽ có vấn đề. Nếu chưa có tiền thay và quyết định dùng tạm màn hình đã vỡ, bạn nên sử dụng một tấm dán màn hình, vừa để tránh nguy hiểm khi chạm tay vào kính vỡ, vừa giúp ngăn nước hay dị vật lọt vào màn hình. Ngoài ra, một phương án được nhiều người dùng lựa chọn là bán máy đi với giá thấp rồi mua máy khác sử dụng.
Khi lựa chọn thay màn hình, bạn nên lựa chọn các trung tâm bảo hành chính hãng nếu được hỗ trợ, để có linh kiện và quy trình đảm bảo. Trong trường hợp buộc phải thay ở cửa hàng ngoài, bạn nên tham khảo kỹ các đánh giá của những người đã từng sửa chữa ở cửa hàng đó, để xem cửa hàng có uy tín hay không.
Để tránh phải tốn tiền thay màn hình, tốt nhất bạn nên có biện pháp bảo vệ điện thoại ngay trong quá trình sử dụng. Các phụ kiện như bao, ốp điện thoại sẽ giúp giảm tác động của việc rơi điện thoại. Ngoài ra, bạn cũng có thể tham khảo các loại miếng dán chất lượng cao cho màn hình. Trong quá trình sử dụng, bạn nên tránh để điện thoại ở túi, ví hay dưới gối, để tránh bị vật nặng tì, ép vào màn hình.
Khi mua điện thoại cũ, nhiều người dùng đã phải "ôm quả đắng" khi mua máy về mới phát hiện ra màn hình bị liệt cảm ứng. Do vậy khi mua lại điện thoại, bạn nên kiểm tra kỹ chất lượng màn hình, nhất là kiểm tra điểm chết và khả năng cảm ứng. Để tham khảo các cách kiểm tra phần cứng điện thoại cũ, mời bạn đọc thêm bàitư vấn chọn mua điện thoại đã qua sử dụng.
Có thể bạn quan tâm: