Mạng xã hội – hay người ta đang gọi là quyền lực thứ 5 , một thứ quyền lực mềm đang được thể hiện rõ nét, sống động và ai ai cũng dễ dàng cảm nhận được ở thời điểm hiện nay. Cũng như những quyền lực khác, mạng xã hội cũng có hai mặt tốt và xấu cùng tồn tại song song.
Khái niệm Quyền lực mềm (Soft Power) được giáo sư người Mỹ Joseph Samuel Nye, Jr. ở đại học Harvard đưa ra lần đầu tiên trong một quyển sách xuất bản năm 1990, Bound to Lead: The Changing Nature of American Power.
Hiểu đơn giản quyền lực mềm là dùng sức ảnh hưởng, sự cuốn hút của một chủ thể (một người, một nhóm, một cộng đồng…) tác động tới tư duy, hành động, hệ giá trị nào của đối tượng khác, khiến họ bị lôi cuốn theo một cách tự nguyện.
Có rất nhiều minh chứng thể hiện rõ sức mạnh quyền lực trên thông qua các mạng xã hội như facebook, zalo, twiter... Nó bao trùm qua mọi lĩnh vực, từ giải trí, an sinh xã hội, văn hóa đến những câu chuyện phiếm vỉa hè mà người ta bàn ra tán mọi lúc mọi nơi, cũng dễ dàng tác động đến công chúng thông qua Quyền lực mềm- mạng xã hội.
|
Thông tin trên báo chính thống khi xuất bản ra trước công chúng, do đã được kiểm duyệt qua một “bộ lọc” rất chặt chẽ, qua những quy trình tác nghiệp, qua đạo đức nghề nghiệp nên hạn chế tối đa những thông tin gây “nhiễu”.
Còn mạng xã hội, thông tin như thác lũ, được đăng bởi bất kỳ ai, chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh hay một chiếc máy tính có kết nối với mạng internet là bạn đã trở thành một “người đưa tin” hữu hiệu. Những thông tin này lại dễ dàng lan tỏa thông qua các chức năng LIKE và SHARE. Chính yếu tố lan tỏa dễ dàng và rất khó kiểm chứng kia đã khiến cho chúng ta đôi khi vô tình tiếp tay cho những hành vi xấu, mục đích xấu, có ảnh hưởng tiêu cực đến các cá nhân và xã hội.
Mặt phải quyền lực mềm
Nếu như quyền lực thứ năm – Quyền lực mềm được sử dúng đúng mục đích, thì sẽ mang lại vô vàn lợi ích cho cá nhân, cho xã hội, hay rộng hơn là cho cả một quốc gia.
Như ngành công nghiệp giải trí của Hàn Quốc đã sử sụng triệt để và phát huy tối đa quyền lực mềm của mạng xã hội. Những siêu sao ca nhạc, điện ảnh không chỉ phủ được tính giải trí đến giới trẻ ở khắp Châu Á mà còn góp phần quảng bá văn hóa của xứ sở Kim Chi ra toàn thế giới.
Hay như nước Mỹ, thông qua quyền lực mềm (ca nhạc, điện ảnh, thể thao...), nước Mỹ đã khiến cho cả thế giới ngưỡng mộ và học tập.
Còn ở xã hội Việt Nam thì sao, hẳn chưa ai trong chúng ta quên câu chuyện BS. Nguyễn Ngọc Chung, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vị Xuyên (Hà Giang) là một ví dụ. Hình ảnh vị bác sĩ ra chợ kêu gọi quyên tiền ủng hộ để mổ cho một cặp song sinh đang nguy kịch tính mạng, chỉ trong vài phút đã làm lay động cộng đồng mạng khắp cả nước. Hàng trăm triệu đồng tiền mặt đã được gửi tới để điều trị cho các cháu. Nếu không có facebook thì không thể làm được điều này.
BS. Nguyễn Ngọc Chung, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vị Xuyên ra chợ kêu gọi quyên góp tiền để giúp đỡ 2 bé song sinh |
Hay mới nhất như việc kêu gọi giúp đỡ đồng bào bị ảnh hưởng và thiệt hại nặng nền do mưa, lũ ở Hà Giang và Yên Bái. Chỉ bằng những hình ảnh chân thực được truyền đi trên mạng xã hội đã làm lay động trái tim hàng triệu người trên mọi miền tổ quốc. Mạng xã hội đã trở thành cầu nối để chúng ta cùng nhau chia sẻ những nỗi đau và mất mát với những người đang phải trải qua những ngày sóng gió.
Những câu chuyện gần như cậu bé đánh đàn ở Bờ Hồ, câu chuyện thủ tục hành chính phường Văn Miếu (Hà Nội)… đã cho thấy sức mạnh của mạng xã hội lớn thế nào, và những người có lợi thế lôi cuốn; có ảnh hưởng lại càng phát huy được sức mạnh này. Những lợi ích của mạng xã hội sẽ đem lại cho chúng ta rất nhiều và tác động tích cực nếu chúng ta biết cách sử dụng chúng một cách hợp lí.
Mặt trái quyền lực mềm
Dù có rất nhiều lợi ích, nhưng người ta cũng không thể phủ nhận Quyền lực mềm- mạng xã hội cũng có không ít tác hại. Trước hết là về mặt thể chất của con người. Nếu dùng liên tục trong thời gian dài, ánh sáng nhân tạo và bức xạ từ màn hình vi tính, điện thoại sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực cho cả mắt và não bộ.
Không những gây hại về sức khỏe, mạng xã hội còn tác động tiêu cực về mặt tinh thần của con người, đặc biệt là giới trẻ. Do nguồn thông tin trên mạng không có ai giám sát, kiểm duyệt chặt chẽ nên còn tràn lan rất nhiều thông tin sai lệch, văn hóa phẩm đồi trụy, trong khi rất nhiều người còn chưa đủ nhận thức để sàng lọc thông tin, dễ dẫn đến nhận thức lệch lạc, kéo theo đó là hành động sai lầm như: giết người, nghiện hút, mại dâm...
Mạng xã hội luôn có cơ hội tạo ra những hệ lụy khó lường, tạo ra những đợt sóng thần, có tác dụng dẫn dắt đám đông theo cách người đăng tải thông tin mong muốn. Chẳng hạn như vụ một facebooker tung tin máy bay rơi ở sân bay nội bài, mục đích chỉ là câu like để bán hàng nhưng đã gây xôn xao dư luận, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh của ngành hàng không. Hay mới đây, là việc một số đối tượng tung tin bắt cóc trẻ em lên mạng xã hội, không kiểm chứng, không bằng chứng ở Hải Dương và Sóc Sơn (Hà Nội) đã khiến cả xã hội chao đảo, niềm tin vào pháp luật bị lung lay...
Một ví dụ minh họa điển hình cho 2 mặt xấu nữa của mạng xã hội là Vụ án “Tình – tiền” của đại gia Cao Toàn Mỹ và hoa hậu Trương Hồ Phương Nga. Số đông dư luận đều bị chi phối cảm xúc khi đua nhau lên tiếng xúc phạm và phỉ báng Cao Toàn Mỹ và sẵn sàng tha thứ những sai phạm, cả pháp luật và đạo đức, của bị cáo Trương Hồ Phương Nga.
Trương Hồ Phương Nga |
Về điểm này, quan điểm của ca sĩ Tóc Tiên rất đang để một số cư dân mạng xem xét. Theo đó, trên trang cá nhân, Tóc Tiên bày tỏ ủng hộ quan điểm trong một bài báo mang nội dung: Có thể thương xót Phương Nga nhưng để ca ngợi và đồng cảm thì không thể.
Tóc Tiên còn viết: "Không đẹp thì không có quà" mà cũng nên "không thông minh" nốt, càng ngu ngơ càng sống lâu. Giữa lùm xùm thông tin, rất cần những bài viết khách quan thế này, kẻo hỏng cả 1 thế hệ vốn đã quen thần tượng hóa chuyện "bánh- tiền”.
Chia sẻ của Tóc Tiên. Ảnh: chụp màn hình |
Trong vụ án này, dù chưa có phán quyết cuối cùng của cơ quan chức năng nhưng những làn sóng dư luận không chỉ khiến nhiều người lên tiếng bênh vực cô “hoa hậu – hậu họa” Trương Hồ Phương Nga mà còn có tác động ít nhiều đến phiên tòa; cũng như cách nó tác động đến vụ việc ở phường Văn Miếu (Hà Nội), vụ tung tin bắt cóc ở Hải Dương hay vụ cậu bé đánh đàn ở bờ hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội).
Quyền lực càng cao thì trách nhiệm càng lớn. Khi ta đăng một status, một câu chuyện nào đó hay khi ta “like” hoặc share một status hay một câu chuyện nào đó là chúng ta đã truyền đi một thông điệp tới cộng đồng. Có thể, chúng ta thực hiện những hành vi trên một cách vô thức, nhưng hậu quả đôi khi để lại rất nặng nề.
Quyền lực luôn là con dao hai lưỡi, quyền lực mềm cũng không ngoại lệ. Vì vậy, mỗi cá nhân hãy có trách nhiệm hơn, tỉnh táo hơn khi sử dụng nó.