Những năm gần đây, chuyện đi bar, club trong giới trẻ đã trở nên rất phổ biến. Cuối tuần đi bar giải khuây, đi sinh nhật, vui thì lên bar, buồn tụ tập cũng lên bar… đã là chuyện như cơm bữa. Cũng từ chuyện đi bar mà giới trẻ Hà Nội yêu nhiếp ảnh có thêm một lựa chọn nghề nghiệp cho mình, ấy là chụp ảnh trên bar/club. Du nhập từ Sài Gòn cách đây khoảng 2-3 năm, nghề nhiếp ảnh chụp club ban đầu chỉ manh nha với một vài nhóm nhỏ, cho đến nay, số lượng các nhóm chụp tại các club và các party đã phát triển nhanh chóng.
1. Chụp ảnh trên bar là gì?
Nghề chụp ảnh trên bar nói nôm na đơn giản là bạn sẽ thực hiện nhiệm vụ của một nhiếp ảnh gia bình thường, nhưng thay vì chụp người mẫu, chụp phong cảnh hay chụp cô dâu chú rể, bạn sẽ chụp các khách hàng trong những quán bar mình nhận chụp. Nghe rất vui phải không? Ai chẳng muốn mình vừa được làm công việc yêu thích, vừa được thoải mái lắc lư trong một môi trường… vui hết mình như thế cơ chứ. Và đúng vậy đấy, thật sự thì công việc của các nhiếp ảnh gia club cực kỳ vui vẻ và phóng khoáng. Nhu cầu chụp ảnh ở bar là rất lớn, song không phải thiết bị nào cũng có khả năng chụp được ở đk như vậy
Quỳnh Candii, một nữ nhiếp ảnh gia chụp club khá nổi tại Hà Nội chia sẻ, điều khiến cô bạn thích nhất ở nghề này chính là: “Những bức ảnh ưng ý của chính mình, sự vui vẻ và năng động của nghề, được chiều chuộng đam mê của bản thân (chụp ảnh và nghe nhạc EDM, tổ chức sự kiện).”
Quỳnh Candii: "Chính sự vui vẻ và năng động của nghề là điều khiến mình yêu thích nhất".
Còn với Mạnh Bi, nhiếp ảnh gia thời trang khá nổi cũng từng là một trong những nhiếp ảnh chụp club đầu tiên tại Hà Nội, thì điều thu hút cậu ấy khi đi chụp club chính là: “Được làm việc ở những nơi vui nhất Hà Nội vào buổi tối, có những phút giây cháy và phiêu hết mình với âm nhạc và công việc”.
Hoàng, một nhiếp ảnh chụp club cũng hào hứng chia sẻ: “Công việc này hội tụ đủ 2 thứ mà mình yêu thích là âm nhạc và nhiếp ảnh. Ngoài ra nó còn giúp mình có thêm nhiều mối quan hệ bạn bè cũng như công việc nữa”.
Nghe thì thật hào nhoáng phải không? Âm nhạc, không khí sôi động hội tụ cùng niềm đam mê chụp ảnh thật sự là một sự kết hợp khó cưỡng với bất cứ bạn trẻ nào. Nhưng đừng vội mừng, bởi đâu có gì là dễ dàng. Chụp ảnh trên bar vui thì rất vui, nhưng đã khổ thì cũng khổ theo những cách rất riêng.
“Chụp ảnh ở Bar-club yêu cầu bạn phải có kĩ năng nhạy bén trong việc sử dụng thiết bị, phải đầu tư một bộ máy ảnh không hề rẻ và phải có kĩ năng phục vụ và giao tiếp với khách hàng. Đối với mình thì việc đi làm và đi chơi hoàn toàn khác nhau và mình cũng tuyệt đối không để ảnh hưởng tới công việc. Hơn nữa, chụp ảnh ở bar/club có giờ giấc đi làm ngược hẳn với các công việc bình thường. Bọn mình phải đi làm lúc 9h tối và về nhà vào lúc từ 0 - 2h sáng”. Hoàng chia sẻ.
Cũng giống với quan điểm của Hoàng, Quỳnh Candii cho biết: "Với những người đầu tiên mang công việc này về HN như bọn mình thì quả thật không hề dễ dàng như các bạn nghĩ. Sử dụng máy móc như thế nào, cách chụp ra sao để ra được một bức ảnh với hiệu ứng ánh sáng ưng ý. Bọn mình đã phải ngồi họp với nhau, bàn luận và đi chụp thử rất nhiều lần ở nhiều nơi vì mỗi nơi lại phải điều chỉnh lại cách chụp một chút do ánh sáng các bên là hoàn toàn khác nhau. Bọn mình đã mất rất nhiều công sức và cũng hỏi ý kiến nhiều người, xem nhiều chỗ mới thống nhất được cách chụp. Với các bạn làm nghề sau mình thì dễ dàng hơn, vì các bạn không phải nghiên cứu nữa mà được training lại.”
2. Những tình huống oái oăm
Vì chụp ảnh ở bar, tiếp xúc với những người trẻ có, già có, vui tính có mà khó tính… có rất nhiều, thế nên không ít các nhiếp ảnh gia rơi vào những tình huống vô cùng oái oăm. Thời gian đầu, người ta chưa quen với việc bị đưa máy ảnh lên chụp khi đang say sưa cùng bạn bè, vậy nên những vụ ẩu đả xảy ra không hề ít, chủ yếu là do khách dọa… xử nhiếp ảnh vì... “dám chụp” mình. Hoặc oái oăm hơn, ấy là khi các nhiếp ảnh nam chụp trong những quán bar đồng tính và không ít lần bị gạ tình một cách công khai.“Mình cũng có nhiều lần bị dọa đánh, nhưng may mắn là mình cũng biết cách giao tiếp với khách nên sự việc cũng không đi quá xa. Có một vài lần thì bị khách đồng tính không lịch sự trêu, lúc đó thì mình cũng chỉ biết im lặng và cười trừ. Còn lại đa số khách đồng tính trên bar họ cũng đều rất vui vẻ, văn minh lịch sự nên mình cũng rất vui vẻ và hòa đồng giao tiếp với họ.” Hoàng chia sẻ.
“Thời gian đầu rất khó cho mọi người làm ở bar. Vì thứ nhất ở đấy rất ồn ào và đông đúc, không gian chụp thì hạn hẹp. Thứ 2 là do dịch vụ mới nên khách hàng không quen tưởng bọn mình chụp để đưa lên báo. Nhưng sau 1 hồi giải thích và đưa card thì họ mới tin là mình đang làm cho 1 công ty về hình ảnh giải trí.” Mạnh Bi cho biết.
Mạnh Bi: "Phải mất thời gian giải thích thì khách hàng mới tin và để chúng mình chụp".
“Còn 1 kỉ niệm không vui cho lắm là hôm mình chụp ở 1 quán bar, khách ở đây khá phức tạp và khi mình đang chụp không gian cho quán thì có 1 anh lớn tuổi đến lại gần nhìn mình ánh mắt hằm hè, giật máy của mình và quát lên "Mày chụp cái gì? Xóa ảnh tao ngay đi! Không được chụp tao!" kèm theo thái độ như chuẩn bị đập máy. Tuy nhiên mình đã xác định làm nghề này thì phải lường trước tất cả những tình huống với những kiểu người mình sẽ phải gặp rồi nên mình cũng giải quyết xong xuôi rất nhanh.”
“Múi giờ” làm việc khác biệt, gặp nhiều trở ngại khi tiếp cận khách hàng, thậm chí là nguy hiểm. Ấy thế nhưng nhiếp ảnh quán bar không hề có được thu nhập cao như nhiều người nghĩ đâu nhé. “Mức thu nhập ở bar của tất cả mọi người cao nhất cũng chỉ đến 8 triệu/tháng và rất ít khi được như vậy. Về tips thì văn hóa tips ở Việt Nam chưa phổ biến, bọn mình đi làm 10 buổi mới có 3 buổi được tips thôi và cũng chỉ có 1-2 khách tips chứ không hề dễ dàng đâu.” Hoàng cho biết.
"Không phải khách đi bar nào cũng để nhiếp ảnh chụp thoải mái đâu"
3. Cám dỗ và mong muốn chứng tỏ bản thân
“Cám dỗ dĩ nhiên sẽ tồn tại, quan trọng là bản thân mình sẽ muốn mình trở thành người như thế nào. Mình luôn nghĩ đến bố mẹ và cũng muốn bản thân tránh ra khỏi những điều không đáng có nên khi làm việc mình vừa vui vẻ vừa giữ khoảng cách, cũng không bao giờ uống rượu say. Với mình làm cho ra làm, chơi ra chơi nên mình luôn tỉnh táo để làm việc, cũng để bảo vệ bản thân. Bên cạnh đó, 2 năm làm việc và chứng kiến nhiều bạn trẻ vượt quá giới hạn của bản thân cũng khiến mình suy nghĩ rất nhiều và rút kinh nghiệm cho chính mình.” Quỳnh Candii cho biết. "Đây là công việc có nhiều cám dỗ"
Mạnh Bi thì thẳng thắn chia sẻ, mình đã từng bị bố hoài nghi rất nhiều khi đi chụp: “Mới đầu có nói với bố là công việc hiện tại của mình là làm ở bar. Thấy bố không hài lòng lắm nhưng đã là công việc mình nhận thì phải hoàn thành nó. Ngày nào đi chụp thì ngày nào bố cũng gọi điện hỏi thăm xem có uống rượu trên bar không, có say không và công việc có ổn không. Sau một thời gian làm thì cuối cùng bố cũng tin tưởng và cho nó là 1 công việc chứ không phải là suy nghĩ mình lấy lý do đi làm để lên đấy chơi nữa.”
Đi chơi ở bar nghe đã đầy cám dỗ và nguy hiểm, thậm chí phải mất nhiều năm liền cái mác “đi bar” mới bớt đi tiếng xấu. Còn đi làm ở bar? Chẳng có bố mẹ nào lại yên tâm khi nghe thấy cụm từ ấy ở con mình, cũng như bản thân chính bạn cũng sẽ phải tự đặt mình vào nhiều nguy hiểm, cám dỗ ở môi trường… vui hết mình này. Ấy thế nhưng, không phải nhiếp ảnh gia nào cũng có đủ mạnh mẽ để giữ mình trong môi trường làm việc đầy hấp dẫn như vậy. Nhưng một khi họ đã làm được, thì họ đã chứng tỏ mình không chỉ là một nhiếp ảnh gia giỏi mà còn là một người lớn đã trưởng thành và có trách nhiệm với quyết định của chính mình.
Theo Thí Thức Trẻ
Có thể bạn quan tâm: