Những tay máy đã chịu chơi dùng máy ảnh DSLR thì thường đã có hiểu biết tương đối về máy ảnh. Tuy nhiên, cách bảo quản máy không phải ai cũng quan tâm. Do vậy, số lượng máy ảnh DSLR bị hỏng hóc không phải là ít, cho dù phần lớn những chiếc DSLR đều là “hàng xịn” và tương đối đắt tiền.
Tránh "sốc" cho ống kính
Ngoài những hỏng hóc thường thấy ở máy ảnh do va chạm, do nhiệt độ cao hay do ngấm nước, một lỗi tương đối phổ biến ở máy DSLR nhưng ít người chú ý là hỏng ống kính do thực hiện chế độ zoom không đúng cách. Thường thì để tận dụng khả năng của ống kính, các tay máy có thói quen thay đổi chế độ zoom liên tục để chọn được góc chuẩn nhất. Tuy nhiên, mỗi khi thay đổi chế độ zoom thì ống kính phải làm việc liên tục. Nếu việc thay đổi này quá đột ngột thì sẽ khiến cho những sợi cáp mềm ở ống kính căng ra, có khả năng làm đứt những sợi cáp này.
Xử lý bụi bẩn và mốc trong ống kính và máy
Ống kính cũng là nơi rất nhạy cảm với độ ẩm cao. Bộ phận là cảm biến hình (low pass filter), một tấm kính có màng lọc nằm bên trong ống kính, rất dễ bị ẩm mốc khi chịu độ ẩm cao. Trong trường hợp ống kính bị mốc, tự ý tháo lắp ống kính để lau chùi là việc làm mạo hiểm. Thậm chí, một số trường hợp vết mốc chưa lan rộng, cửa hàng máy ảnh còn đề nghị không sửa chữa, vì việc mở ống kính, lau chùi khiến chất lượng quang học bị giảm xuống do bụi và sự lắp đặt các thấu kính một cách thủ công. Máy ảnh DSLR còn một bộ phận rất nhạy cảm, đó là các cảm biến hình ảnh (sensor). Trừ những máy ảnh cao cấp có khả năng khử bụi bằng sóng siêu âm, hầu hết máy ảnh DSLR vẫn chưa có tính năng này. Tuy nhiên, không vì thế mà người dùng mạo hiểm lau chùi nếu sensor, bộ phận được ví như võng mạc của mắt người đối với máy ảnh. Chỉ một sơ suất nhỏ khi lau chùi sensor không đúng cách có thể dẫn tới tốn kém hàng triệu đồng thay thế, thậm chí phải mua máy mới hoàn toàn. Đối với những lỗi trên, người dùng nên mang ống kính và máy đến các cửa hàng sửa chữa uy tín.
Tránh mốc bằng tủ hút ẩm
Cách đơn giản nhất để chống ẩm mốc cho ống kính và máy ảnh là bạn nên dùng máy ảnh của mình thường xuyên. Khi đó ống kính sẽ được “hâm nóng” định kỳ và giảm bớt khả năng bị ẩm mốc. Tuy nhiên, trong môi trường khí hậu nóng ẩm nhiệt đới Việt Nam, biện pháp này sẽ trở nên vô nghĩa. Một cách khác để hạn chế ẩm mốc là bạn có thể sử dụng hộp chống ẩm hoặc tủ chống ẩm. Theo lời khuyên từ các chuyên gia, dụng cụ chống ẩm vì hiệu quả cao hơn vì tủ có hệ thống đo độ ẩm và tự động điều chỉnh công suất của máy hút ẩm thích hợp. Thông số bảo quản cho phép tối thiểu là độ ẩm trong tủ đạt từ 40% đến 45%. Tủ hút ẩm cũng hết sức đa dạng, thường được chia theo dung lượng chứa đồ, tíanh bằng lit có giá từ hai triệu tới trên chục triệu, tùy vào khả năng chứa đồ. Ngoài việc bảo quản máy ảnh, ống kính, người dùng có thể sử dụng tủ hút ẩm để bảo quản laptop, các thiết bị điện tử cầm tay khi không khí có độ ẩm cao.
Những lỗi liên quan đến thẻ nhớ
Bên cạnh những lỗi trên thì khi kết nối máy ảnh với máy tính cũng có khả năng gặp trục trặc, thậm chí là những hỏng hóc về điện tử. Thường gặp nhất là khi kết nối trực tiếp máy ảnh với máy tính, máy ảnh bị chập điện do xung điện dẫn đến "sụt mát" hoặc máy ảnh bị lỗi do virus từ máy tính vào máy ảnh. Ngoài ra, nếu cắm ngược thẻ vào đầu đọc thẻ trong máy ảnh cũng có thể khiến cho cháy thẻ và các vi mạch trong máy.
Để tránh trường hợp trên, người dùng nên hạn chế kết nối trực tiếp máy ảnh vào máy tính mà nên sử dụng đầu đọc thẻ để tải ảnh về máy tính. Sử dụng đầu đọc thẻ không chỉ hạn chế tối đa sự phát sinh xung điện mà còn giúp ngăn chặn virus xâm nhập trực tiếp từ máy tính vào máy ảnh. Để khắc phục việc máy tính không nhận thẻ, khi dùng thẻ mới, người dùng nên sử dụng chức năng format thẻ nhớ trên máy ảnh, không nên thực hiện thao tác này bằng máy tính.
Còn để tránh cắm ngược thẻ, bí quyết đơn giản là: hãy dừng lại một giây trước khi cắm thẻ nhớ vào máy để có thời gian quan sát, xoay chiều thẻ đúng với hướng dẫn in trên thân máy.
Có thể bạn quan tâm: