“Mua smartphone chính hãng hay hàng xách tay?” là câu hỏi gây đau đầu cho nhiều người. Dù chọn lựa ra sao, người dùng cũng cần hiểu rõ sự khác biệt giữa chế độ hậu mãi, để tránh “tiền mất tật mang” đối với hàng xách tay.
Hàng xách tay: Rủi ro cao
Đây là điều mà ai cũng biết nhưng lại mặc nhiên bỏ qua vì mức giá hời khi chọn mua hàng xách tay, từ vài trăm cho tới vài triệu đồng. Theo đó, sẽ không ai mua hàng xách tay khi mà nó có giá cao hơn cả sản phẩm chính hãng trong nước, trừ những trường hợp đặc biệt như iPhone mới ra gây “sốt”. Tuy nhiên, với mức giá hời đó, người dùng sẽ gặp vô vàn rủi ro.
Đầu tiên là tính toàn vẹn của sản phẩm khi mua. Hầu hết các của hàng đều sẽ rao bán sản phẩm với từ khóa “fullbox” (đầy đủ phụ kiện, có hộp) hoặc nguyên “seal”, thế nhưng phụ kiện hoàn toàn có thể bị tráo đổi, còn công nghệ đóng hộp, làm lại seal không phải là không có.
Những thông tin người dùng cần đặc biệt chú ý và kiểm tra, xác thực trước khi mua điện thoại xách tay. (Ảnh chụp màn hình)
Một lưu ý khác, hàng xách tay có thể được xuất kho từ một nhà bán lẻ nào đó ở nước ngoài, trong đó có một loại sản phẩm đặc trưng dành riêng cho nhà mạng, như T-Mobile, Verizon,… Và việc sản phẩm có được bảo hành toàn cầu hay không, thậm chí chỉ đơn giản là sản phẩm đó có được các đại lý ủy quyền ở Việt Nam nhận sửa chữa khi đã hết hạn bảo hành hay không cũng là một vấn đề.
Chẳng hạn như mới đây, trường hợp anh T.L mua chiếc điện thoại HTC 8X xách tay tại một cửa hàng trên đường Cách Mạng Tháng 8, TP.HCM với giá chưa tới 3 triệu đồng. Theo anh T.L, “Thật ra tôi sẵn sàng mua hàng chính hãng với giá khoảng 4 triệu đồng, nhưng vì không nơi nào còn hàng và tôi muốn dùng HTC 8X thay cho chiếc HTC 8S đã hư nên mới mua ở đây. Trong lúc kiểm tra máy, tôi đã hỏi rõ nhân viên về chế độ “bảo hành 12 tháng chính hãng” như quảng cáo, nhưng họ trả lời mập mờ: một người thì nói có bảo hành chính hãng, một người thì nói chỉ bảo hành ở cửa hàng. Ngoài ra, các linh kiện tôi không thể kiểm tra ngay được”.
HTC 8X của nhà mạng Verizon. (Ảnh minh họa: Engadget)
Cũng theo anh T.L, anh đã phát hiện máy có một số bức ảnh, đoạn phim “rác” trong bộ nhớ, và tin nhắn từ tổng đài Windows Phone chào mừng sử dụng Windows Phone đã lưu trữ từ cách đây khá lâu (trong khi máy chính hãng thì tin nhắn này chỉ trả về khi vừa mở máy). Song anh vẫn quyết định mua vì đang cần gấp để sử dụng.
Sau đó, đưa sản phẩm vào trung tâm bảo hành ủy quyền của HTC để nhờ kiểm tra, thì anh được báo, sản phẩm này không có linh kiện thay thế ở Việt Nam. Ngoài ra, “củ sạc” theo máy có tốc độ sạc rất chậm, “phải mất 8 tiếng mới đầy pin, trong khi với “củ sạc” HTC 8S chính hãng cũ thì thời gian sạc chỉ khoảng 1 giờ 30 phút, tai nghe theo máy cũng có nhiều dấu hiệu của “hàng lô”. Mang tới cửa hàng đổi lại sạc khác thì nhân viên tỏ ra bối rối và nói nặng giọng, rồi cũng đổi nhưng linh kiện không có gì tốt hơn”, anh T.L chia sẻ thêm.
Điện thoại xách tay chứa đựng nhiều rủi ro. (Ảnh minh họa)
Trường hợp của anh T.L là đối với mặt hàng được sản xuất bởi một hãng nổi tiếng; còn trường hợp chị Tú Anh (Q.12, TP.HCM) mới đây là mua phải chiếc điện thoại nhái Nokia không rõ nguồn gốc và đã bị cháy nổ, gây thương tích.
Trong một số trường hợp, hàng xách tay vẫn được đánh giá cao nếu thị trường gốc của chiếc điện thoại đó có cơ chế kiểm duyệt chất lượng gắt gao.
Hàng chính hãng: Yên tâm bảo hành
Tất nhiên, hàng chính hãng sẽ có giá cao hơn hàng xách tay, nhưng bù lại là chế độ bảo hành rất an toàn cho người dùng. Có thể so sánh dễ dàng thông qua các tình huống cụ thể sau: Khi tai nghe bỗng nhiên bị hư, nút nguồn, nút âm lượng bị cấn hay đơn giản là muốn vệ sinh máy,… thì dịch vụ bảo hành chính hãng sẵn sàng nhận và làm giúp người dùng. Thế nhưng, khi mua hàng xách tay và mang tới cửa hàng, rất có thể khách hàng sẽ nhận được muôn vàn lý do từ chối trách nhiệm.
Mua điện thoại chính hãng sẽ nhận được chế độ bảo hành tốt hơn. (Ảnh minh họa: Internet)
Như trường hợp của anh T.L ở trên, khi được nhờ sửa lại nút nguồn bị cấn thì câu trả lời anh nhận được là “Tụi em không dám bung máy, sợ mất bảo hành”, trong khi cửa hàng cam kết bảo hành tại đó, đồng nghĩa với việc không thể mất bảo hành khi sửa tại cửa hàng. Thực tế, khi bảo hành điện thoại trong trung tâm chính hãng, kỹ thuật viên sẽ dán lại tem mới sau khi sửa, nhằm giữ tính “bảo hành” cho sản phẩm về sau cho khách hàng.
Ngoài ra, một nhân viên bảo hành điện thoại chính hãng tại Việt Nam chia sẻ: “Các cửa hàng nhỏ, lẻ không đủ trang thiết bị và linh kiện để thay thế tất cả các sản phẩm đang có trên thị trường đâu. Nhiều trường hợp, người sửa máy có kinh nghiệm đó, nhưng thiếu linh kiện thì chịu”.
Còn theo tìm hiểu của PV, hầu như tất cả các cửa hàng bảo hành hàng xách tay đều không bảo hành màn hình, hoặc tối đa chỉ 10 ngày. Trong khi đó, chế độ bảo hành chính hãng chấp nhận bảo hành đầy đủ, kể cả tai nghe, sạc.
Tạm kết, mua điện thoại xách tay hay chính hãng là tùy vào khả năng tài chính và nhu cầu của từng người, nhưng trên hết người dùng cần thận trọng khi chọn mua hàng xách tay. Nếu mua hàng xách tay, nên mua tại các cửa hàng uy tín được cộng đồng công nghệ, các diễn đàn đánh giá cao.
Ngọc Phạm - khampha.vn
Có thể bạn quan tâm: