Tuy nhiên, rất nhiều vấn đề được đặt ra, thậm chí có những lo ngại rất “tế nhị” như nội dung sách giáo khoa có thể bị thay đổi dễ dàng.
Trẻ sẽ học tốt hơn với sách giáo khoa số? |
Ngay từ trước năm 2011, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đưa ra chương trình “Hứa hẹn số hóa”, liên quan đến việc cải tiến công nghệ để hỗ trợ việc chuyển đổi dạy và học. Mục đích của chương trình là “chuyển đổi thị trường công nghệ giáo dục đang bị phân mảnh, mở đường cho việc sử dụng phổ biến các công nghệ học tập nhằm mang lại kết quả tốt nhất cho học sinh, phụ huynh và giáo viên”. Chương trình này có những mục tiêu như áp dụng công nghệ vào giáo dục, thay đổi cách dạy và cách học, xóa bỏ sách giáo khoa và sử dụng các thiết bị điện tử như laptop, tablet, phần mềm để hiển thị các nội dung sách giáo khoa, các chương trình dạy và học.
Tuy nhiên, chương trình “Hứa hẹn số hóa” của Mỹ vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. “Với hơn 14.000 trường học và một hệ thống quản lý lỗi thời, sẽ rất khó để các doanh nghiệp thâm nhập thị trường này, và cũng khó để chứng minh sản phẩm của họ có thể mang lại kết quả ý nghĩa”, Nhà Trắng từng nói về khó khăn của việc số hóa giáo dục tại Mỹ.
Một vấn đề được Mỹ đặt ra trong chương trình đổi mới giáo dục nhờ công nghệ là: công nghệ nào sẽ thực sự mang lại sự khác biệt trong giáo dục. Một nghiên cứu của Ban Nghiên cứu Giáo dục tại trường Đại học Lancaster đã phát hiện ra công nghệ kỹ thuật số trong lớp học có thể giúp học sinh hứng thú hơn và giúp nhà trường tiết kiệm tiền. Lại cũng có những ý kiến cho rằng hiệu quả của việc học tập đối với học sinh khi sử dụng các thiết bị như máy tính, bảng tương tác, phần mềm cũng không hơn gì so với việc dùng sách giấy, bảng gỗ.
Tuy nhiên, gót chân Asin lớn nhất của chương trình này lại là giáo viên. Các giáo viên nhận thấy họ cần được đào tạo hơn nữa trong việc tích hợp kiến thức, chương trình vào bài học. Thậm chí, một người đã phát biểu khá mỉa mai rằng một khi công nghệ được xem là cách tiết kiệm chi phí và hiệu quả, nhà trường có thể thay thế giáo viên bằng robot.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, chương trình số hóa giáo dục này cũng phải tính đến khoảng cách số hóa giữa học sinh ở nông thôn và thành thị.
Học sinh sẽ không phải mang theo chiếc cặp nặng nề mà chỉ cần mang theo một chiếc máy tính nhẹ nhàng, nhưng Mỹ lại lo ngại nội dung trên sách giáo khoa số có thể bị thay đổi |
Không chỉ có những lo ngại trên, nhiều người còn tính đến tình huống “tế nhị”, đó là một khi tất cả nội dung học tập được tích hợp trong các phần mềm và hiển thị trên màn hình máy tính, liệu những nội dung hiện ra trên màn hình thiết bị điện tử có giống như trong sách giáo khoa truyền thống? Bởi lẽ, học sinh có thể học ở bất kỳ đâu, bất kỳ khi nào, thì nội dung cũng có thể bị sửa đổi, sai lệch một cách dễ dàng bởi một chính phủ lũng đoạn.
“Trong một xã hội phi giấy tờ, chúng ta có thể tin tưởng công nghệ, nhưng vấn đề cần đặt ra là sự can thiệp của chính phủ như thế nào”, M Clifford, một học giả của Mỹ nói. “Nỗi lo sợ của tôi rất tinh tế. Một từ ngữ nào đó bị thay đổi ở một thời điểm nào đó, có thể làm thay đổi suy nghĩ của mọi người về sự thật”.
Cho đến nay, chương trình số hóa sách giáo khoa tại Mỹ vẫn chưa được triển khai sâu rộng, mà chỉ mới áp dụng ở một vài trường tư thục.
- 27/08/14 14:16 Bất ngờ vì máy tính bảng giáo dục AIC không tương tác với người đọc
- 27/08/14 09:50 Lộ máy tính bảng giáo dục AIC giá bèo