Cơ quan hàng không vũ trụ Nga roscosmos hiện đang điều tra sự xuất hiện của cái lỗ bí ẩn trên con tàu không gian Soyuz, thứ đã khiến các phi hành gia trên trạm không gian iss được một phen hú vía vì nó liên tục xả không khí bên trong trạm gia ngoài không gian. Ban đầu, người ta nghĩ rằng một vụ va chạm với thiên thạch hay rác vũ trụ từ phía ngoài đã tạo ra cái lỗ đó, nhưng bây giờ, họ tin rằng nó được tạo ra từ bên trong, có thể là bằng một mũi khoan, và có thể là sai sót vô tình hoặc cố ý phá hoại.
Cận cảnh cái lỗ 2mm trên tàu không gian Soyuz.“Chúng tôi đang xem xét mọi giả thuyết,” Dmitry Rogozin, người đứng đầu cơ quan Roscosmos cho biết. “Lý thuyết về thiên thạch va chạm đã bị bác bỏ vì có bằng chứng cho thấy vỏ tàu bị chọc thủng từ bên trong. Tuy nhiên vẫn còn quá sớm để nói rằng điều gì đã xảy ra.” Ông cũng nói rằng nó trông như một lỗi kỹ thuật do một nhân viên “run tay” bởi “có dấu khoan trượt dài trên bề mặt.”
Theo ông Rogozin, đây là vấn đề danh dự quốc gia và các nhà điều tra sẽ tìm ra đáp án xem cái lỗ là do vô tình hay cố ý. “Điều quan trọng bây giờ là tìm ra cái tên chịu trách nhiệm cho vấn đề. Và chúng tôi sẽ tìm ra.”
Một bức ảnh khác chụp lỗ thủng trên tàu Soyuz do nasa đưa ra, nhưng nay đã bị xóa.Vụ việc xảy ra vào đêm thứ 5 tuần trước, khi trạm điều khiển mặt đất của ISS phát hiện ra áp suất không khí trên tàu đang liên tục sụt giảm dù không quá nguy hiểm. Khi các phi hành gia thức dậy, họ tìm kiếm vị trí bị hở trên tàu và xác định được rằng nó là một cái lỗ kích thước 2mm trên thân tàu Soyuz của Nga, vốn đã neo đậu tại ISS trong vài tháng qua sau khi đưa ba phi hành gia lên ISS. Nó được sửa tạm thời bằng epoxy và băng dán, và cho đến lúc này mọi thứ vẫn bình thường.
(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});Đây không phải là lần đầu tiên người ta xem xét khả năng phá hoại khi một tàu không gian gặp vấn đề. Hồi năm 2012, người đứng đầu Roscosmos khi đó là ông Vladimir Popovkin cũng ám chỉ rằng “một quốc gia khác có thể phải chịu trách nhiệm” cho sự thất bại của con tàu Phobos-Grunt. Nó vốn dự định sẽ khám phá một trong những mặt trăng của sao Hỏa, nhưng kẹt lại trong bầu khí quyển Trái đất và sau đó rơi trở lại mặt đất.
Hồi năm 2016 khi tên lửa Falcon 9 của SpaceX nổ tung, công ty này cũng nói rằng mình đang nghiêm túc xem xét khả năng bị phá hoại bởi những đối thủ cạnh tranh như United Launch Alliance. Cuối cùng, cả hai vụ việc trên đều được kết luận là lỗi kỹ thuật chứ không phải phá hoại.
Falcon 9 nổ vào năm 2016.
Vấn đề với tàu Soyuz lần này thực sự gây tò mò. Nếu cái lỗ đó được tạo ra trên Trái đất, tại sao đến giờ nó mới xuất hiện? Phải chăng một kỹ thuật viên nào đó lỡ tay khoan vào thân tàu, nhận ra lỗi và tạm bợ khắc phục? “Có thể họ đã trám nó lại bằng putty hay cố gắng sửa chữa nhưng không làm tốt và sau vài tháng trong không gian, thứ được dùng để trám bung ra hoặc tan ra,” Jonathan McDowell, một nhà vật lý thiên thể tại đại học Havard và chuyên gia về du hành không gian nói.
trạm không gian iss bị thủng? Phi hành gia bịt nó bằng... ngón tay và băng keo