Nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại, thị trường nhà đất "bất động", nợ đọng nặng nề, sàn chứng khoán Thượng Hải Composite dao động mạnh – tăng cao chót vót trong ngày thứ hai rồi rớt 6.5% chỉ 3 ngày sau đó.
Người dân lo lắng một thì chính quyền lo lắng mười. Hãy xem Trung Quốc đối phó với tình huống này như thế nào.
"Người trong nội bộ chính quyền" lên tiếng
Trước thời điểm sàn Thượng Hải Composite ghi nhận "đỉnh" mới sau nhiều tháng vào thứ hai tuần trước, tờ Nhật báo Nhân dân – cơ quan ngôn luận của Trung Quốc đã cho đăng tải bài phỏng vấn với một "đồng chí trong nội bộ chính quyền" và chỉ ra rằng dù có dấu hiệu chững lại, người dân nước này vẫn nên "tự tin" gửi tiền tiết kiệm để giúp thúc đẩy nền kinh tế.
"Xét trên bình diện hiện nay, việc biến các nguồn tiết kiệm trở thành những khoản đầu tư hiệu quả chính là chìa khóa cho bình ổn tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc." – dẫn lời vị quan chức.
Bên cạnh đó, vị này cũng tiếp tục bình luận về triển vọng của đất nước, về thế mạnh và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trên trường quốc tế hiện nay và những thách thức mà nhiều doanh nghiệp nhà nước có tỉ trọng vốn vay lớn sẽ phải đối mặt.
Rõ ràng, bài phỏng vấn này hàm chứa những thông điệp mà người dân Trung Quốc không nên bỏ qua, và lời tựa ở đầu bài phỏng vấn đã tô đậm (theo đúng nghĩa đen) điểm này:
"Nhân dân Nhật báo mới đây đã phỏng vấn một quan chức giấu tên trong ‘nội bộ chính quyền’ về 5 vấn đề nóng hổi liên quan đến kinh tế Trung Quốc. Trong phần trả lời của mình, vị này kêu gọi những động thái đối mặt trực tiếp với khó khăn thách thức, duy trì trọng tâm chiến lược tái cấu trúc nền kinh tế và thể hiện niềm tin tưởng vào triển vọng kinh tế nước nhà.
Bài phỏng vấn hiện rất được quan tâm, bởi người ta tin rằng nó gửi gắm một thông điệp quan trọng từ phía các nhà lãnh đạo cao cấp.” (phần được in đậm trong bài báo)
Và thế là, thị trường náo loạn
Với nhiều người thì "thông điệp" kiểu này mang ý nghĩa quá rõ ràng: chính quyền muốn nhân dân đổ tiền vào các kênh chứng khoán.
Điều này lý giải cho hiện tượng nhảy vọt của sàn Thượng Hải vào thứ 2. Tiếp sau sự kiện này, Nhật báo Nhân dân tiếp tục cho đăng bài "Người trong nội bộ chính quyền là ai?" dưới bút danh Xiakedao.
"Chứng khoán tăng điểm mạnh trong hai ngày gần đây khiến các nhà đầu tư hết sức phấn khởi." Bài viết khẳng định và sau đó, bắt đầu bàn luận về nhân vật bí ẩn "trong nội bộ chính quyền" – một người mà Xiakedao tin rằng "không xa lạ gì với chúng ta".
Sàn Shanghai Composite tăng điểm vào thứ 2, sụt điểm 3 ngày sau đó.
Nhân dân Nhật báo đã "thả" những bài viết kiểu này trong mấy tháng liền, hướng người đọc đến việc mua chứng khoán, cố gắng diễn giải tình trạng suy thoái trong thời gian trở lại đây là một biểu hiện của "bình thường mới" tại Trung Quốc và khác với cú sụp đổ hồi năm 2009, giới chức cầm quyền sẽ không bơm cho nền kinh tế bất kỳ "gói kích thích khổng lồ" nào.
Một phong cách đối thoại kinh điển
Nhân vật thuộc "nội bộ chính quyền", thực chất, đã từng xuất hiện từ thời Mao Trạch Đông – khi ông này tự mình viết các bài xã luận dưới danh xưng như trên để chuyển tải các quan điểm của mình.
Và trong bối cảnh hiện nay, "nhân vật bí ẩn" này đang muốn nói với người dân:
"Trung Quốc cần tập trung tái cấu trúc nền kinh tế, tránh những lo lắng không cần thiết về việc tốc độ tăng trưởng dao động, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không nên kích động và trông chờ vào một gói kích thích."
Vậy là sẽ chẳng có gói kích thích nào hết. Chính quyền nước này đang ngập đầu trong nợ và thấy rằng đã đến lúc tái cấu trúc các ngành công nghiệp có tỷ trọng vay lớn như bất động sản và xây dựng.
Cũng có nghĩa rằng tình trạng hoang mang của nhân dân sẽ còn kéo dài và họ cần học cách thích ứng với sự "bình thường mới". Đúng chất "vừa đấm vừa xoa", Nhân dân Nhật báo số ra ngày thứ 3 cho đăng bài: "Đáp trả những kẻ hoài nghi: Kinh tế Trung Quốc sẽ không sụp đổ."
"Nền kinh tế Trung Quốc đã bước sang một giai đoạn bình thường mới và chính quyền hoàn toàn tự tin vào khả năng dẫn dắt nền kinh tế vượt qua mọi trở lực, duy trì tăng trưởng ổn định và bền vững, trở thành cường quốc thúc đẩy kinh tế toàn cầu. Niềm tin này đến tự sự đánh giá khách quan vị thế của Trung Quốc hiện nay.
Dù tăng trưởng chậm lại song mức tăng trưởng vẫn ổn định và các vấn đề như thất nghiệp, siêu lạm phát và khủng hoảng nợ cũng chưa trở nên đáng ngại."
Ý đồ trấn an dư luận đã quá rõ ràng.
Thích ứng với thời kỳ "bình thường mới"
Hẳn các nhà đầu tư không vui vẻ gì, vì sau khi chứng kiến giá trị cổ phiếu tăng vọt tới 50% kể từ tháng 3 trong ngày thứ hai thì sang đến thứ năm, sàn Thượng Hải Composite lại giảm 6.5%.
Trước tình thế này, đích thân Chủ tịch Tập Cận Bình đã lên tiếng trên Tân Hoa Xã:
"Những nhận thức và động thái tiếp nhận của chúng ta trước giai đoạn 'bình thường mới' chỉ vừa bắt đầu", ông nói, và cho biết thêm rằng Trung Quốc cần nỗ lực nhiều hơn để tìm ra các giải pháp thích ứng với giai đoạn phát triển mới này, hướng tới tăng trưởng an toàn và chất lượng hơn.
Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình.
Rõ ràng với giới cầm quyền Trung Quốc, "màn kịch chính trị" này có ý nghĩa rất quan trọng. Từ trước đến giờ, các nhà lãnh đạo nước này vẫn cam kết với người dân rằng họ sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và gắn tăng trưởng với chủ nghĩa ái quốc. Một khi nhân dân cảm thấy họ không còn đủ năng lực thực hiện lời hứa của mình, thì tất cả những gì họ đang làm – bao gồm các động thái kiểm duyệt, bài trừ tham nhũng gắt gao và triệt tiêu tự do chính trị - sẽ trở thành vô nghĩa. Đó là lúc mâu thuẫn phát sinh.
Lời hứa không còn, trật tự xã hội cũng mất.