Kỷ lục về lặn không bình dưỡng khí sâu nhất của những người ở ngôi làng Bajau, Indonesia là 79 mét, và thời gian lặn dưới nước của họ lên đến trên ba phút. Dù còn thấp hơn kỷ lục thế giới, và cư dân nơi đây cũng không thường xuyên lặn sâu và lâu đến vậy trong sinh hoạt hàng ngày, họ bỏ ra ít nhất 60% thời gian làm việc của mình bên dưới mặt nước.
Việc ngụp lặn dưới nước để bắt hải sản qua nhiều thế hệ đã dẫn đến một thay đổi bất ngờ. Theo một nghiên cứu mới được đăng tải trên tờ Cell (Tế Bào), người dân nơi đây đã tiến hóa để giúp họ thực hiện được những cuộc lặn đó.
Một người dân bajau nín thở hai phút rưỡi trên phim của BBC.
Cụ thể, một nhóm các nhà nghiên cứu từ nhiều quốc gia đã nghiên cứu cư dân nơi đây, và nhận thấy rằng họ có lá lách lớn hơn rất nhiều so với những người làm nông nghiệp, trồng trọt ở các ngôi làng xung quanh. Ngay cả những người dân Bajau không sống bằng nghề lặn cũng có đặc điểm này, cho thấy nó là một đặc tính di truyền chứ không phải là thay đổi trên từng cá nhân trong cuộc đời của họ.
Kích thước của lá lách quan trọng bởi nó là nơi chứa các tế bào hồng cầu. Khi lặn, lách sẽ đẩy thêm hồng cầu vào máu, tăng khả năng chứa oxy của máu. Điều này cũng xảy ra trong những loài có vú biết lặn chẳng hạn như hải cẩu.
Thêm vào đó, phân tích DNA cho thấy một thay đổi khác xuất hiện rất thường xuyên trong cư dân Bajau: họ có thể kiểm soát mức độ hormone T4 được sản xuất bởi tuyến giáp. Hormone này có thể tăng tốc độ trao đổi chất (lượng năng lượng mà cơ thể có thể dùng trong một khoảng thời gian nhất định) và chống lại tác dụng của việc thiếu oxy, và cũng là nhân tố gây tăng kích thước lá lách ở chuột.
Cư dân Bajau sống bằng nghề lặn và bắt cá.Một vài đột biến gene khác cũng được khám phá trong cư dân Bajau, dù chúng không xuất hiện một cách phổ biến. Một trong số đó khiến máu có thể bị rút bớt khỏi các chi và những hần không quan trọng để não, tim và phổi tiếp tục nhận được oxy, trong khi một gene khác khiến nồng độ CO2 không thể lên quá cao trong máu. Tất cả những điều này chỉ ra rằng chọn lọc tự nhiên đã khiến người Bajau có thể lặn sâu hơn và lâu hơn.
Đây không phải là lần đầu tiên khoa học tìm ra bằng chứng rằng con người vẫn tiếp tục tiến hóa . Hồi năm 2010, các nhà khoa học đã nhận ra rằng người Tây Tạng có khả năng sản xuất nhiều hồng cầu hơn để chống lại nồng độ oxy thấp trong môi trường sinh sống của họ. Một nhóm người Inuit ở Greenland đã trở nên thích nghi với khẩu phần nhiều mỡ để giảm khả năng bị bệnh tim.
Khoa học tìm ra bằng chứng cho thấy một hành tinh trong hệ Mặt trời đã bị phá hủy