1. Nokia
Trong quá khứ, ông hoàng di động nokia từng là tên tuổi vô cùng nổi tiếng được nhiều người biết tới. Từ chiếc điện thoại cục gạch Nokia 1100 cho đến Nokia 7610, Nokia 7260 cho đến dòng N-series, tất cả đều khiến người dùng tưởng thưởng và thán phục vì tính dẫn đầu và sự sáng tạo của Nokia.
Tuy nhiên, có lên thì cũng có xuống và Nokia bây giờ đã không còn được như xưa. Trong kỷ nguyên của smartphone ngày nay mà mở đầu bằng sự xuất hiện của iPhone, chính sự bảo thủ, trì trệ cũng như những chiến lược sai lầm đã dẫn đến sự xuống dốc của ông vua di động một thời.
Thay vì gắn bó với Android của Google thì Nokia lại chọn sát cánh với Microsoft để xây dựng Windows Phone vốn sinh sau đẻ muộn so với Android, iOS cũng như thiếu thốn rất nhiều tính năng. Bởi thế mà những chiếc Lumia tuy thiết kế ấn tượng, camera tốt nhưng vẫn không thể hấp dẫn được người dùng phổ thông.
Cuối cùng, cơn giông bão đã nhấn chìm con thuyền Nokia bằng thương vụ bán lại mảng di động cho Microsoft vào tháng 8/2014. Kể từ đó, cái tên Nokia dường như chỉ còn trong tâm trí của người dùng và trên những chiếc điện thoại cục gạch “nồi đồng cối đá” một thời.
Mặc dù vậy, Nokia chưa chết và những con người cũ của Nokia vẫn đang tiếp tục chèo chống với những khó khăn. Sau khi bị mua lại mảng thiết bị di động, Nokia chỉ hoạt động trong mảng dịch vụ viễn thông nhưng tham vọng quay trở lại của hãng vẫn còn đó.
Cuối năm ngoái vào tháng 11/2014 Nokia đã kết hợp với nhà máy Foxconn để ra mắt máy tính bảng Nokia N9. Ngay lập tức, cái tên Nokia, sự hấp dẫn về cấu hình so với giá bán đã khiến Nokia N9 nhanh chóng được chú ý và bán sạch như tôm tươi sau những đợt bán đầu tiên.
Đó được coi là tín hiệu rất tốt với Nokia và những người dùng yêu thích thương hiệu này, đặc biệt là thế hệ 8X của Việt Nam vẫn luôn mong mỏi Nokia sẽ trở lại thị trường di động.
2. RIM
Một số người có thể thấy lạ lẫm khi nghe tới cái tên này. Thực ra đó chính là hãng BlackBerry ngày nay đổi tên từ RIM (tháng 1/2013) với biểu tượng “dâu đen” huyền thoại. Trong quá khứ, RIM cũng nổi tiếng không kém Nokia với những mẫu điện thoại sở hữu bàn phím QWERTY đi vào lịch sử. Bên cạnh đó là phím con lăn “huyền thoại” vô cùng độc đáo và sáng tạo.
Chính những điểm đó đã làm nên một phong cách thiết kế điện thoại BlackBerry nam tính cực chất rất hợp với đấng mày râu 8X Việt Nam nói riêng và người dùng điện thoại trên toàn thế giới nói chung…
Ngoài ra, cũng không thể bỏ qua các tính năng bảo mật cũng như các ứng dụng tiện dụng được nhà sản xuất tích hợp bên trong. Ở thời điểm hoàng kim, RIM đã hút hồn các 8X ở Việt Nam bằng các mẫu BlackBerry 8700, Bold 9700 hay Bold 9900.
Khi iPhone ra đời, chính Nokia và RIM là những kẻ tỏ rõ thái độ coi thường. Hậu quả đã quá rõ ràng, Nokia dần bị mất hết sức mạnh còn BlackBerry thì gặp vô vàn khó khăn. Bởi ra mắt quá muộn khi hai nền tảng đối thủ iOS và Android quá lớn mạnh mà các sản phẩm của RIM đã không thể thu hút người dùng ngay.
Bàn phím QWERTY cũng không còn là thế mạnh nổi trội trên điện thoại của hãng bởi người dùng có xu hướng sử dụng màn hình cảm ứng kích thước lớn, tiện cho việc nhắn tin, lướt web, xem phim.
Lần lượt là BlackBerry Z10, Q10 đều mang doanh số èo ọt còn BlackBerry Passport thì cũng chỉ là hiện tượng èo ọt cho thấy vẫn còn quá nhiều vấn đề với RIM.
Hiện tại, đám mây đen vẫn đang bủa vây lấy BlackBerry đến nỗi giới công nghệ đã từng đồn đoán BlackBerry sắp sửa bị bán lại cho một ông lớn nào đó. Thật may, BlackBerry vẫn quyết tâm bám trụ mảng di động và chúng ta hãy cùng hy vọng một ngày nào đó, ánh hào quang của RIM ngày xưa sẽ trở lại với BlackBerry.
3. Motorola
Các 8X hẳn không thể quên khẩu hiệu đặc trưng “cho thế giới biết bạn là ai” của Motorola, ông tổ di động của thế giới. Trong quá khứ, motorola là cái tên đi đầu qua những lần đầu tiên của thế giới di động.
Cùng RIM, hãng điện thoại Mỹ cũng sở hữu lượng bằng sáng chế khổng lồ của thế giới. Các sản phẩm của Motorola cũng mang dáng vẻ đẳng cấp không hề thua kém Nokia hay RIM như RAZR V3 siêu mỏng, Motorola Droid đa tính năng. Không như Nokia hay RIM, trong kỷ nguyên smartphone, Motorola cũng đã đạt được những thành tựu đáng nể với chiếc Motorola Droid thế hệ đầu tiên được ca ngợi iPhone killer.
Tuy nhiên, sau những thăng trầm phát triển, Motorola dần trở nên hụt hơi và bị Google mua lại vào năm 2012. Về tay Google nhưng có vẻ như gã khổng lồ tìm kiếm chỉ muốn sở hữu số lượng bằng sáng chế của Motorola để bảo vệ Androd thay vì đưa ra con đường sáng cho Motorola. Cuối cùng, Motorla lại bị bán qua tay của Lenovo, thương hiệu công nghệ của Trung Quốc vào tháng 2/2014.
Tuy không còn là thế lực lớn của làng công nghệ nhưng những đóng góp của Motorola từ quá khứ cho đến hiện tại thì khó ai có thể phủ nhận. Motorla chính là người đã khai sinh ra điện thoại di động đầu tiên của thế giới và cũng chính hãng là người mở đầu cho ý tưởng “điện thoại xếp hình” Ara, ý tưởng điện thoại có thể nâng cấp được phần cứng bằng cách tối ưu hóa các thành phần linh kiện thành một block để lắp vào khung xương màn hình. Hiện tại, Ara đang được Google phát triển và sẽ sớm ra mắt trong nay mai còn Motorola vẫn hiện diện trên trường di động với những dòng máy Moto X hay Droid.
4. Sony Ericsson
Nghe nhạc số đã từng là trào lưu hot của thế giới trong những năm đầu thập niên 2000. Liên minh Sony Ericsson đã nổi lên từ đó bằng dòng điện thoại W trong đó nổi bật là W800i sở hữu biệt danh là “nữ hoàng nhạc số”. Không chỉ là khả năng chơi nhạc, điện thoại của Sony Erricson còn gây ấn tượng mạnh với người dùng nhờ khả năng chụp ảnh tốt, chất lượng như K750i, K790i, K810i.
Lịch sử phát trển của Sony Ericsson có thể chia làm 2 giai đoạn chính. Giai đoạn đầu tiên được tính từ khi liên minh này được thành lập cho tới năm 2007 còn giai đoạn thứ hai bắt đầu từ sau năm 2007. Giai đoạn này được coi là thời kỳ suy thoái của Sony Ericsson khi Apple bắt đầu cho ra mắt iPhone.
Thật đáng tiếc các phiên bản điện thoại Sony Ericsson về sau giá vẫn tương đối cao và thẻ nhớ chính hãng không phải lúc nào cũng dễ tìm. Bên cạnh đó là sự chậm chạp trong việc bắt kịp xu hướng smartphone khiến người dùng dần xa rời các sản phẩm của liên minh điện thoại này. Những đám mây đen chỉ thực sự bao trùm lấy Sony Ericsson khi người khổng lồ iPhone sừng sững bước ra từ bóng tối.
5. Siemens
Bạn có biết đến trào lưu độ điện thoại Siemens SL45 một thời ở những năm 2004, 2005? Khi đó, giới sành chơi di động bỗng dưng rộ lên mốt săn máy Siemens SL45 để về nghe nhạc. Mặc dù là model có xuất xứ từ năm 2000 và đã ngưng sản xuất, nhưng với tính năng nghe nhạc chất lượng cao cùng thời lượng pin tốt đã khiến chú dế này trở thành mục tiêu săn tìm của những dân chơi.
Chưa dừng ở đó, SL45 trở thành một trào lưu với những bản mod trứ danh. Từ việc mod phần mềm firmware với những tính năng mới như FM không cần tai nghe, hỗ trợ thẻ nhớ dung lượng lớn, MP3 Player thêm bộ điều hợp âm hay các tính năng ghi âm cuộc gọi không giới hạn… thì siêu phẩm này còn được dân chơi “độ” lại hình dáng bằng những bộ cánh bóng bẩy, không thua gì một chiếc điện thoại xa xỉ.
Lần lượt những bộ vỏ gỗ hay pin extra… ra đời và khoác lên Siemens SL45, biến nó thành một điện thoại nghe nhạc thời thượng với dung lượng pin khủng. Ngoài ra, nhiều dân chơi còn dày công kiếm đủ các loại tai nghe để chế vào thay cho tai nghe với chân chuyên dụng của dòng máy này từ các thương hiệu Audio Technica, Sennheiser, AKG… để từ đó chiếc điện thoại này được bình chọn là “Nghe nhạc hận đời không đối thủ”.
Sau thời điểm 2005, cuộc chơi cũng sớm tàn canh bởi sự ra mắt hàng loạt điện thoại nghe nhạc giá rẻ xấp xỉ 2 triệu, hỗ trợ thẻ nhớ, chân cắm tai nghe 2.5mm thậm chí là 3.5mm thông dụng. Siemens SL45 đã có những ngày huy hoàng và rồi cũng chìm dần vào dĩ vãng, nhường chỗ cho những cuộc độ dế cao siêu hơn.
Vào tháng 6/2005, Siemens bỏ cuộc và bán mảng di động cho hãng BenQ, từ đó cái tên BenQ Siemens ra đời. Chiếc điện thoại cuối cùng còn cộp mác Siemens là chiếc Siemens SXG75, một chiếc điện thoại sở hữu chíp GPS nhưng có thiết kế thua xa những người tiền nhiệm. Hãng BenQ, Đài Loan đồng ý tiếp tục sản xuất các sản phẩm dưới tên BenQ-Siemens trong vòng 5 năm tiếp theo, tức là đến giữa năm 2005.
Thế nhưng cuộc hành trình cùng BenQ cũng chẳng mang lại lợi ích như trông đợi. Các thiết bị mới có thiết kế khá xấu và không hề cải thiện được giá trị cũng như tính năng sử dụng của phần mềm. BenQ mất tới 40% thị phần.
Chính điều này đã khiến nội bộ BenQ nổ ra một cuộc khung hoảng với một chiều hướng phản đối việc tiếp tục sản xuất. Ngày 29/9/2006, BenQ Mobile tuyên bố phá sản, hoạt động sản xuất tê liệt. Đến ngày 31/12/2006, tất cả các hoạt động sản xuất đều bị chấm dứt. Ngày cuối năm 2006 ấy chính là ngày Siemens Mobile bị “kết liễu”.