Được đánh giá là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới về việc tiêu thụ các sản phẩm công nghệ cao nhưng người dùng Việt nam đang phải chịu những nỗi khổ mà chẳng biết phải kêu ai.
Có mức thu nhập đầu người thuộc hàng thấp nhưng luôn phải mua các sản phẩm công nghệ mới với mức giá cao hơn đang là nghịch lý trong việc sử dụng các thiết bị công nghệ tại Việt Nam. Vì thế nên các chuỗi cửa hàng bán các sản phẩm xách tay (mua từ các thị trường lân cận về bán lại ăn chênh lệch) đang phát triển hơn bao giờ hết.
Lấy ví dụ iPhone - sản phẩm công nghệ bán chạy nhất thế giới hiện nay. Người Mỹ có thu nhập trung bình khoảng 50.000 USD - khoảng 1.1 tỷ VNĐ mỗi năm, con số tương ứng ở Việt Nam là 2000 USD ~ 40 triệu đồng mỗi năm. Như vậy, làm một phép tính đơn giản sức mua của người Mỹ hơn Việt Nam 25 lần.
|
Thử xem giá iPhone, ngày hôm nay 18/6, một chiếc iphone World được bán trực tiếp trên website của apple giá 649 USD - (khoảng 13 triệu đồng) cho bản World - Free Sim 16 GB. Nếu là người dùng ở Mỹ, bạn chỉ cần ký hợp đồng viễn thông với nhà mạng, sẽ chỉ phải trả khoảng hơn 100 USD hoặc thậm chí còn miễn phí. Còn ở Việt Nam, mua chính hãng (không có hàng thường xuyên) bạn phải chi ít nhất 17 triệu đồng. Trung bình, ở thời điểm giữa vòng đời sản phẩm (khi chưa có sản phẩm mới hơn) để mua được một chiếc iPhone 6 bạn sẽ mất khoảng 20 triệu đồng.
Như vậy, dù cho thu nhập thấp hơn 25 lần nhưng người Việt đang phải mua iPhone với giá đắt hơn 25% so với người Mỹ. Mà thật ra cũng không mấy người Mỹ bỏ tiền ra mua iPhone sim free làm gì bởi các nhà mạng cung cấp các gói cước khiến họ chỉ phải bỏ 100 USD = 1/7 người Việt để sở hữu iPhone.
Hãy nhớ, iPhone là một sản phẩm được bán rất nhiều nên sức ép cạnh tranh việc phân phối rất lớn nên người dùng đang được mua rất sát giá. Còn với những sản phẩm mới hay có mức độ phổ biến kém hơn, chuyện người Việt phải bỏ gấp đôi hay gấp ba không phải là chuyện hiếm gặp.
Tại sao?
Tạm không nhắc đến các vấn đề liên quan đến thuế và những khoản phí khác. Vẫn còn rất nhiều lý do khiến các sản phẩm công nghệ bị đội giá lên cao.
Thứ nhất, chi phí phân phối. Với đa phần các nước có hệ thống logistic tốt sẵn, chi phí vận chuyển thấp và khả năng đáp ứng vận chuyển cao ổn định. Chính vì thế tuy chi phí cho bán hàng cao hơn nhưng các chi phí cho vận chuyển, rủi roi mất mát hàng hóa giảm dẫn đến tổng chi phí thậm chí thấp hơn Việt Nam.
Một phần nữa là do quy mô thị trường Việt Nam thấp hơn tổng các chi phí cố định khi đó chia cho các đầu sản phẩm sẽ cao hơn nhiều so với các thị trường lớn.
Thứ hai, bản quyền và sự thiếu cam kết. Nghe không liên quan nhưng tình trạng vi phạm bản quyền đang khiến cho người Việt phải mua phần cứng với giá cao. Một trong những lý do khiến các hãng có thể bán phần cứng nhưng cho không là để cung cấp phần mềm bù vào. Tình trạng vi phạm bản quyền khiến cho việc này không thể triển khai ở Việt Nam. Tương tự với việc cung cấp các hợp đồng viễn thông. Rõ ràng, chẳng ai đủ sử dụng chính sách tương tự ở Việt Nam.