Nếu ở trong phim thường xuất hiện tình huống: kẻ phản diện lấy con mắt của nạn nhân đưa vào hệ thống quét bảo mật thì ở ngoài đời sẽ có những tình huống dở khóc dở cười là vạch mắt gã người yêu đang ngủ ra để mở khóa điện thoại đọc tin nhắn. Điều này liệu có thể xảy ra với tính năng bảo mật bằng mống mắt của Note 7?
Mống mắt là một cấu trúc mỏng, tròn nằm phía trước của mắt, đảm nhiệm việc điều khiển kích cỡ của con ngươi, điều tiết lượng ánh sáng đi vào trong võng mạc. Cụm từ “màu mắt” chính là chỉ màu của mống mắt.
Như vậy, với kỹ thuật bảo mật bằng mống mắt như thế này, một câu hỏi được đặt ra là: liệu người ta có thể sử dụng con mắt của một người đã chết để mở hệ thống bảo mật được không?
Để trả lời câu hỏi này, hãy tìm đến câu chuyện của Adam Czajka.
Nhà nghiên cứu sinh trắc học Adam Czajka đã tiến hành những thử nghiệm để ngăn chặn việc “sử dụng con mắt của một người đã chết để qua mặt hệ thống an ninh”.
Theo đó, anh đã chụp 3 bộ ảnh mắt của người đã chết, lần lượt theo tiêu chí: mắt 5 tiếng sau khi chết, tiếp theo là 16 và 27 tiếng. Tất cả được mang ra thử xem chúng còn khớp với thông số đã được đưa vào trước đó không. Và kết quả thật đáng ngạc nhiên: toàn bộ ảnh của 5 giờ sau khi chết được hệ thống quét chấp nhận dễ dàng, và nhiều trường hợp ảnh của 27 giờ sau khi chết cũng vẫn sử dụng được.
Chính vì vậy, anh Czajka cho rằng, việc xác định được “sự sống” của một mống mắt là cực kì quan trọng. Do đó, tháng 6 vừa rồi, Czajka đã tổ chức một cuộc thi về xác định “sự sống” trong một mống mắt. Thử thách rất đơn giản và cũng rất cơ bản: phân biệt một mống mắt thật với một mống mắt được in ra trên giấy hay được in trên một kính mắt áp tròng.
Kết quả của cuộc thi hiện nay chưa được công bố, tuy nhiên, điều đó có nghĩa là trước khi công nghệ này được áp dụng, bạn hãy cố gắng giữ con mắt của mình thật cẩn thận, nếu không, mọi sự bảo mật sẽ trở nên vô nghĩa.