Ngày 23/10, nhiều hãng truyền thông lớn trên thế giới đồng loạt đưa tin về một thử nghiệm mới của facebook mang tính chất "lịch sử" mà theo đó, có thể "giết chết" hàng loạt trang tin nhỏ cũng như những fan page đang hoạt động trên nền tảng này.
Cụ thể, Facebook sẽ ra mắt tới 2 News Feed (Bảng tin), một là News Feed bình thường như chúng ta vẫn sử dụng, hai là Explore - chuyên để hiển thị các tin liên quan mà người dùng có thể quan tâm. Điều này không có gì đáng nói nếu như Facebook đã quyết định... chuyển toàn bộ các bài đăng của fan page vào Explore, còn News Feed mặc định chỉ hiển thị nội dung từ bạn bè và các bài được tài trợ (sponsored).
Đây được xem như là một đòn đánh "chí mạng" vào cộng đồng phát triển Page trên Facebook, vốn đang ngày càng bị "bóp nghẹt" bởi những động thái giảm lượt tiếp cận (reach) bài viết của nền tảng này trong suốt những năm qua.
Tuy hiện nay, việc này chỉ được thử nghiệm tại 6 quốc gia có ít người sử dụng Facebook là Sri Lanka, Bolivia, Slovakia, Serbia, Guatemala và Campuchia; đồng thời Facebook cũng đã khẳng định "không có bất cứ kế hoạch nào để áp dụng việc này trên toàn cầu", thế nhưng, không ít người lo ngại về tham vọng tăng doanh thu quảng cáo một cách "dã man" như thế này từ gã khổng lồ mạng xã hội.
Nếu được thực hiện rộng rãi, đây sẽ thực sự là một cơn ác mộng đối với các Page Facebook, và nền tảng này sẽ trở thành một chiến trường "ai giàu hơn, kẻ đó thắng".
Hậu quả nhãn tiền là có thậtRất nhiều người dùng Facebook hiện nay không hề biết được tab Explore nằm ở đâu và thói quen của họ chỉ là lướt News Feed. Do đó, lượt tiếp cận của các bài đăng từ Page sụt giảm là chuyện chắc chắn. Thực tế, sau vài ngày thử nghiệm, các Page lớn nhất ở Slovakia đã ghi nhận tương tác giảm từ 60% đến 80% - một con số khổng lồ.
Ghi nhận sự sụt giảm về tương tác của các Page lớn ở Slovakia sau thử nghiệm của Facebook. Ảnh: CrowdTangleFilip Struhárik - một phóng viên công nghệ ở Slovakia cho biết, thử nghiệm này "có rất nhiều lỗi". Nhiều người không truy cập được Explore, một số vào được thì lại chỉ thấy các nội dung nổi tiếng mà không hề thấy các bài đăng từ những Page mà mình đã Like. Cách duy nhất để xem được các nội dung này là vào mục "Pages Feed" ẩn sâu trong menu của Facebook.
"Họ (Facebook - PV) vẫn còn rất nhiều việc phải làm từ thử nghiệm này" - anh viết trên trang cá nhân của mình.
Trong khi đó, Ziad Ramley - một cây bút từng làm việc ở kênh tin tức "Al Jazeera English" lại cho rằng, nếu thực sự việc này xảy ra trên toàn cầu thì 60% lượng traffic sụt giảm là một con số rất lớn, đủ để các hãng truyền thông - vốn phải bỏ ra hàng triệu USD cho việc sản xuất nội dung chất lượng - suy nghĩ lại và đầu tư sang một mô hình khác.
"Là Facebook, bạn sẽ không thích chuyện này chút nào" - anh chia sẻ suy nghĩ của mình, và hi vọng rằng thử nghiệm sẽ kết thúc sớm mà không phải trở thành chính thức.
Các chuyên gia nhận định, thay đổi này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới các Page và các đơn vị truyền thông nhỏ, khi traffic vào website của họ chủ yếu đến từ mạng xã hội. Đối với các website lớn, ngoài Facebook họ vẫn còn rất nhiều nguồn như độc giả trung thành, newsletter, những người đăng ký trả phí... nên nếu có ảnh hưởng sẽ không đáng kể.
Năm 2012, trang tin The Guardian cũng bị sụt giảm traffic khi Facebook áp dụng thiết kế mới cho "Trending Articles". Ảnh: AppDataĐối với Facebook, không có gì là bền vững mãi mãiNếu nhìn lại quá khứ, đây không phải là lần đầu tiên Facebook thay đổi thiết kế của họ dẫn đến mức đẩy một số doanh nghiệp phải "thoi thóp". Năm 2012, nhiều người than phiền về game nhan nhản trên News Feed, và Facebook đã giảm tần suất xuất hiện các thông tin này, khiến các nhà sản xuất game như Zynga chịu thiệt hại nặng nề.
Ứng dụng BandPage cho phép phát nhạc trực tuyến tại Page cũng bị Facebook chặn làm sụt giảm hơn 90% traffic. Các ứng dụng "rác" một thời làm mưa làm gió thị trường Facebook Việt Nam cũng bị chặn nhanh chóng. Chức năng Ticker - cập nhật liên tục bạn bè đang làm gì - một thời gian dài bị "ngập ngụa" trong thông tin từ trang web nghe nhạc Spotify, khiến dịch vụ này chịu chung số phận bị "bịt miệng".
Như vậy, có thể thấy, Facebook là một nền tảng tốt để tiếp cận người dùng và thực hiện được nhiều thứ, tuy nhiên, với tốc độ thay đổi "xoành xoạch" như hiện nay, không có gì đảm bảo những điều chúng ta đang làm ở hiện tại vẫn còn tốt trong tương lai, và chúng ta phải luôn có những phương án phòng bị cho riêng mình.
Tại Việt Nam, nơi có hơn 60 triệu người dùng Facebook, nền tảng này đã cung cấp một lượng traffic khổng lồ cho hầu hết các trang tin tức, cộng đồng fan page cũng phát triển rất tấp nập với hàng chục Page có trên 1 triệu lượt Like, chưa kể các nghệ sĩ nổi tiếng.
Do vậy, nếu điều này xảy ra, cộng đồng Facebook Việt sẽ có một cơn sóng gió "lớn chưa từng có"; các đơn vị ít chịu chi sẽ "bít cửa", hàng loạt cách chạy quảng cáo "bùng", tiêu cực lại có dịp lộng hành.
(Tham khảo: TechCrunch, The Guardian)