Xài pin chơi, thương tật thật
Vụ việc một phụ nữ bị chiếc điện thoại Trung Quốc (TQ) phát nổ ngay trong túi quần gây bỏng phần đùi còn chưa tạm lắng, lại xuất hiện thêm vụ em Nguyễn Chí Tú, quê ở Ninh Thuận đang cầm chiếc điều khiển ô tô đồ chơi (có nguồn gốc TQ) trên tay thì bất ngờ vật này phát nổ. Hai ngón tay của Tú bị đứt rời, một ngón phải tháo bỏ, một mắt bị vỡ thủy tinh thể do mảnh pin văng vào.
Ông Nguyễn Văn Tiến, phụ huynh em Tú cho biết, bộ đồ chơi xe hơi điều khiển từ xa nói trên được mua cách đây khoảng năm tháng tại Phan Rang (Ninh Thuận) với giá 115.000đ, bộ điều khiển sử dụng loại pin kép, hết điện lại sạc. Hiện loại xe đồ chơi này, theo ông Tiến, vẫn bày bán rất nhiều ngoài thị trường. Hôm xảy ra tai nạn, Tú chơi chưa đầy 15 phút, đang xếp lại đồ chơi vào hộp thì xảy ra vụ nổ. Tiếng nổ đanh như mìn. Ông Tiến cho rằng, em Tú đang cầm bộ điều khiển ở tư thế ngồi, khoảng cách từ tay em đến sàn nhà khoảng 10cm, quá gần, nên không thể nói là bộ điều khiển rơi xuống nền nhà va chạm mạnh khiến nó phát nổ.
Một vụ việc khác, chị Thu, trú tại Q.10, TP.HCM kể có mua một loại đèn pin xuất xứ TQ với giá 40.000-60.000 đồng/chiếc. Theo mô tả của chị, đèn sử dụng loại pin vuông giống với pin điện thoại, hết pin lại sạc. Cách đây không lâu, đang sạc điện trong phòng ngủ, chiếc đèn pin bỗng dưng phát nổ rất lớn. Còn chưa định thần chuyện gì thì chị Thu đã thấy giường nệm lửa bốc ngùn ngụt. Sau khi dập lửa, chị phát hiện cục pin bị xé nát bươm, những chất liệu trong pin văng khắp nơi. May mắn không bị thương tích nhưng mỗi lần nghĩ lại chị Thu không khỏi khiếp sợ. “Thường loại đèn này có thể đeo trên trán khi đi cắm trại đêm, tôi không tưởng tượng nổi mình sẽ ra sao nếu nó phát nổ trên đầu mình lúc đang sử dụng…” chị Thu lo lắng.
Chị Thùy Dương (ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM), có hai con gái nhỏ thường chơi đồ chơi dùng pin. Một hôm ngủ dậy, chị thấy sàn nhà bám đầy bụi đen như bụi than, tìm nguyên nhân thì phát hiện cục pin trong rổ đồ chơi đã bị nổ tòe đầu, lòi cả dây kim loại bên trong lúc nào không hay, những tờ giấy bạc để chung trong rổ bị cháy sém. “Sợ nhất là pin đã được tháo rời khỏi đồ chơi, không bị kích điện mà vẫn phát nổ, không biết có phải do va chạm mạnh không, cả nhà ngủ nên không nghe tiếng nổ. May mà lúc đó bé không ở gần. Để an toàn, tôi dẹp bỏ hết pin, không cho con chơi đồ chơi dùng pin nữa”, chị Dương nói. Đáng nói, chị Dương mua loại pin có nhãn hiệu, nguồn gốc rõ ràng.
Loại pin phổ biến trong các bộ điều khiển trò chơi của trẻ nhỏ
Pin không được cảnh báo nguy hiểm
Khảo sát các mặt hàng đồ chơi trẻ em, thiết bị điện (đèn pin, vợt muỗi...) sử dụng pin và bộ sạc pin thì hầu hết đều có nguồn gốc TQ, Đài Loan, được bán rộng rãi tại các cửa hàng, chợ, nhà sách... Các loại xe, robot, tàu thuyền, xe tăng, xe tải đồ chơi đều dùng pin này... Tại các cửa hàng bán sỉ đồ chơi và pin kèm theo trên đường Phan Văn Khỏe, Q.6, nhiều sản phẩm còn không được dán nhãn tiếng Việt. Còn tại các cửa hàng, nhà sách như nhà sách Nguyễn Văn Cừ, đồ chơi chỉ có nhãn phụ tiếng Việt rất nhỏ, không có bất cứ hướng dẫn an toàn nào trong quá trình sử dụng, sạc pin. Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết các bộ đồ chơi TQ đều sử dụng các loại pin tiểu, pin AA công suất chừng 1-1,5V, mỗi mô hình sử dụng từ một-ba cục pin, còn bộ điều khiển sử dụng loại pin 9-12V (loại pin mà em Nguyễn Chí Tú sử dụng bị phát nổ), dạng pin kép, hình chữ nhật, có hai cực nhô cao. Bất cứ điểm bán đồ chơi nào cũng đều bán pin, sạc kèm theo với giá trung bình 8.000-20.000 đồng/cục.
Theo anh Cường, chủ cửa hàng trên đường Hai Bà Trưng, Q.3, hầu hết các bậc phụ huynh đều rất chủ quan, không mấy quan tâm đến chất lượng, an toàn của pin khi gắn vào đồ chơi cho trẻ. Thậm chí, những trẻ lớn hơn tự tháo, ráp pin mà thiếu sự giám sát của người lớn thì càng nguy hiểm. “Loại pin nằm trong bộ điều khiển có cường độ dòng điện mạnh hơn, từ 9-12V, trong khi hai cực trái dấu lại nhô ra nên nếu để pin lẫn với các miếng kim loại trong túi đồ chơi của trẻ thì cũng có thể gây chạm, chập mạch dẫn đến cháy nổ”, anh Cường cho biết.
Ngoài đồ chơi của trẻ em, trên thị trường còn có rất nhiều sản phẩm sử dụng pin có nguồn gốc TQ như điện thoại, đồng hồ, đèn ngủ, đèn đọc sách, quạt cầm tay… và cũng đa dạng chủng loại pin với nhiều xuất xứ, giá cả… Đáng nói, không chỉ các “cửa hàng” vỉa hè mà cả các shop bán thiết bị điện thoại cũng bán đủ loại pin, giá nào cũng có.
Tầm chiều, vỉa hè đường Nguyễn Kiệm, Phan Đăng Lưu (TP.HCM), xuất hiện “chợ trời” bán không thiếu thiết bị điện tử gì. Pin dùng cho điện thoại đủ các nhãn hiệu Sony, Philips... nhưng giá chỉ từ 200.000 - 500.000đ/cái. Đưa chúng tôi xem cục pin sạc dự phòng cho điện thoại hiệu Sony, người bán giới thiệu “hàng này xài cực tốt”, giá 400.000đ, không bảo hành. Xem sản phẩm, chúng tôi thấy ghi “made in China”. Trong khi đó, tại cửa hàng chính hãng, cục sạc dự phòng Sony giá từ một triệu đồng trở lên và bảo hành sáu tháng đến một năm. Thế nhưng, nhiều người vì ham rẻ nên vẫn chọn mua hàng trôi nổi.
Thư Hùng - Nguyễn Cẩm - Phunuonline
TS Huỳnh Khánh Duy - Khoa Kỹ thuật hóa học, ĐH Bách Khoa TP.HCM cho biết, thông thường có hai loại pin: pin Lithium-Ion và pin kẽm Amonium chloride. Tất cả các pin đều có thể nổ nếu không dùng đúng cách. Loại pin dùng trong đồ chơi thường là pin kẽm Amonium chloride, nguy cơ ít hơn so với pin Lithium-Ion (có đặc tính không ổn định) thường dùng trong điện thoại, máy tính. Khi sử dụng pin không đúng cách như: đấu pin sai cực, dùng quá công suất của pin hoặc dùng pin trôi nổi không rõ nguồn gốc, chất lượng… dễ dẫn đến nguy cơ pin phát nổ. Khi pin hoạt động sẽ sinh ra nhiệt, tích lũy năng lượng, dẫn tới dãn thể tích, sinh khí. “Pin trôi nổi thì thành phần nguyên liệu không rõ ràng, không tinh khiết và không qua kiểm định, đánh giá chất lượng, lẫn tạp chất nên không an toàn, nguy cơ phát nổ cao hơn so với pin chính hãng.
Pin kẽm Amonium-Ion kém chất lượng dễ bị hỏng, chảy nước. Khi đó, ngoài nguy cơ phát nổ cao thì dung dịch trong pin dễ gây ăn mòn quần áo, ăn mòn da và gây nhiễm độc kim loại nặng, nhiễm độc da. Nên dùng pin chính hãng có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và không để pin gần nguồn nhiệt cao, hóa chất hay va đập mạnh. Không dùng pin có dấu hiệu hư hỏng. Khi sạc pin không nên nghe, gọi điện thoại vì sẽ làm pin tỏa nhiệt nhiều hơn, cộng với pin không ổn định, sẽ gây nổ rất nguy hiểm. Tránh sạc pin lâu quá. Với loại pin sạc, phải sạc đúng cách theo hướng dẫn, dùng nguồn điện đúng công suất của pin”, TS Duy khuyến cáo.
Có thể bạn quan tâm: