Là một nhà khoa học máy tính người Anh, ông là một trong những người có vai trò quan trọng nhất trong việc khai sinh ra nền tảng của công nghệ thông tin hiện đại: World Wide Web (WWW), ba chữ cái mà ngày nay hiển hiện trong bất kỳ trang web nào trên toàn thế giới.
Sinh ra trong một gia đình với cả cha mẹ đều là những nhà khoa học máy tính, và tiếp cận với những chiếc máy tính đầu tiên trên thế giới, cậu bé Tim có điều kiện hơn so với những người đồng trang lứa. Những món đồ chơi đầu tiên của cậu bé là những mô hình xe lửa trong phòng ngủ của mình. Nhưng Tim bé bỏng không chơi theo cách “cả thèm chóng chán” của những đứa trẻ khác. Cậu tự tạo ra một số thiết bị để điều khiển những chiếc xe mô hình của mình, và từ đây khám phá ra một niềm vui mới: táy máy với những thiết bị điện tử.
Tài năng của cậu bé nhanh chóng phát triển, và khi lên đại học, cậu đã có thể làm ra máy tính từ một chiếc TV cũ. Lúc này, Tim Berners-Lee đang là một sinh viên của trường đại học Oxford danh giá.
Ngày nay, "internet" và "World Wide Web" thường bị đánh đồng, nói lên mức độ phổ biến của WWW.Sau khi ra trường, chàng sinh viên trẻ tuổi nhưng xuất sắc nhanh chóng trở thành một kỹ sư phần mềm ở CERN, phòng thí nghiệm vật lý hạt ở Thụy Sĩ. Tại đây, các nhà khoa học trên khắp thế giới tụ hội để khám phá những bí mật được giấu kín của vật chất bằng những máy gia tốc hạt của CERN. Nhưng ngay cả ở tuyến đầu của khoa học, chàng sinh viên trẻ vẫn thấy rằng họ còn thiếu một thứ gì đó rất quan trọng.
“Thời đó, những máy tính khác nhau chứa những thông tin khác nhau, nhưng bạn phải đăng nhập vào từng máy để biết được chúng. Thêm nữa, đôi khi bạn phải học một phần mềm khác nhau trên mỗi máy. Đi lòng vòng nhờ người khác giúp khi họ đang uống cà phê đơn giản hơn nhiều.”
Tim muốn giải quyết vấn đề này, và nhanh chóng nghĩ ra một phương thức không chỉ sẽ giải quyết vấn đề của CERN, mà còn có thể được ứng dụng trên phạm vi toàn thế giới. Lúc này, hàng triệu máy tính đã được kết nối với nhau qua internet, và ông nghĩ rằng chúng có thể chia sẻ thông tin với nhau bằng cách sử dụng Hypertext, một kỹ thuật đang trỗi dậy mạnh mẽ.
Chàng trai trẻ Tim Berners-Lee và tờ giấy ghi lại ý tưởng khai sinh World Wide Web.Chàng trai trẻ lao vào thử nghiệm trên máy tính của mình, và chỉ sau một thời gian ngắn, đến tháng 3/1989, Tim trình bày ý tưởng của mình thông qua một tài liệu có tên “Quản lý thông tin: Một lời đề nghị.” Nó không được chấp thuận ngay lập tức, mà chỉ nhận được lời đánh giá là “mơ hồ nhưng thú vị” của Mike Sendall, sếp của Tim. Phải mất một thời gian dài thuyết phục, Tim mới nhận được sự cho phép của Mike Sendall để biến ý tưởng của mình thành hiện thực. Đó là vào tháng 9/1990.
Chỉ một tháng sau đó, thiên tài Tim đã viết nên ba công nghệ trở thành nền tảng của mạng internet ngày nay, và là những thứ bạn thường xuyên thấy trên trình duyệt. Chúng là HTML, HTTP và URI (Uniform Resource Indentifier), nhưng sau này thường được biết đến với tên gọi phổ biến hơn là URL.
Chưa hết, Tim còn tạo nên trình thiết kế trang web đầu tiên trên thế giới là WorldWideWeb.app và server web đầu tiên, httpd. Tất cả những điều này diễn ra trong bốn tháng cuối cùng của năm 1990, và trang web đầu tiên được dựng lên ngay trong năm đó, tại địa chỉ http://info.cern.ch/hypertext/WWW/TheProject.html. Đến năm 1991, khi công nghệ mới có vẻ đã sẵn sàng, CERN gửi lời mời cho các nhà khoa học bên ngoài cùng tham dự vào một thời đại mới.
(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({}); Chiếc máy tính mà Sir Tim Berners-Lee sử dụng tại CERN đã trở thành server Web đầu tiên.Khi web bắt đầu phát triển, Tim nhận ra rằng nó chỉ có thể trở thành một bước tiến thực sự nếu bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu cũng có thể tham gia, mà không cần phải xin phép hay phải trả một đồng xu nào. “Nếu công nghệ này bị đăng ký (độc quyền), và tôi toàn quyền khống chế nó, nó có thể sẽ chẳng bao giờ phát triển. Bạn không thể đưa ra một thứ vừa là một không gian chung lại vừa nắm quyền khống chế nó được.”
Và thế là Tim cùng những người ủng hộ khác vận động để CERN đồng ý tung những dòng mã của mình ra thế giới miễn phí, vĩnh viễn. Quyết định này được công bố vào tháng 4/1993, và tạo ra một làn sóng web trên toàn cầu. Hàng triệu người bắt tay vào việc làm nên trang web của họ, công ty của họ, cộng đồng ủa họ, ở một mức độ chưa từng thấy trước đây. Cho đến lúc này, web đã ăn mừng sinh nhật thứ 29 của nó, và tối thiểu 51% dân số thế giới đang sử dụng nền tảng này.
Theo số liệu 2017, 51% dân số thế giới, tức 3,811 tỉ người đang sử dụng internet.Nhưng hãy trở lại với Tim Berners-Lee và CERN. Sau khi đưa nền tảng web ra thế giới cho tất cả mọi người, TIM rời khỏi CERN để đến với Học viện công nghệ Massachusetts vào năm 1994 để lập nên World Wide Web Consortium (W3C), một cộng đồng toàn cầu toàn tâm toàn ý phát triển các tiêu chuẩn web mã nguồn mở. Nhờ những đóng góp của mình cho sự phát triển của thế giới và ngành công nghệ thông tin, ông được nữ hoàng Elizabeth II phong tước hiệp sĩ vào năm 2004.
Đến năm 2009, Sir Tim thành lập World Wide Web Foundation, với mục tiêu đẩy mạnh Open Web như một phương tiện để tạo dựng nên một xã hội công bằng và thịnh vượng bằng cách kết nối tất cả mọi người, cho họ tiếng nói và nâng cao khả năng tham gia của họ vào các hoạt động xã hội. Cho đến lúc này, Tim vẫn là giám đốc của W3C, và là một trong những người quyết định tương lai của internet hiện đại.
Sir Tim Berners-Lee phát biểu tại buổi ra mắt World Wide Web Foundation.Khi nhìn lại sự thành công của internet, các chuyên gia nhận ra rằng có 5 yếu tố đặc biệt đã khiến nó thành công, và những yếu tố mang tính cách mạng này đã được áp dụng bên ngoài lĩnh vực công nghệ. Đó là sự phi tập trung, không phân biệt, thiết kế từ nền tảng, tính phổ dụng và sự đồng thuận.
Năm yếu tố này ngày nay xuất hiện trong những lĩnh vực hoàn toàn mới như thông tin (Open Data), chính trị (Open Government), nghiên cứu khoa học (Open Access), văn hóa (Free Culture) và giáo dục, nhưng theo các nhà khoa học, đó chưa phải là tất cả những gì mà năm yếu tố trên có thể tạo ra, và chúng hứa hẹn sẽ thay đổi cả xã hội con người một cách tốt đẹp hơn.
Chúng ta có được tất cả những điều đó nhờ Sir Tim Berners-Lee. Bài viết này xin được dành tặng cho ông nhân ngày sinh nhật thứ 63 (8/6/1955 - 8/6/2018).
Dòng tin nhắn "Điều này dành cho tất cả mọi người" của Sir Tim Berners-Lee tại Olympic London 2012.Những người trẻ trong làng công nghệ: cống hiến hết mình hay nghỉ hưu tuổi 30