Smartphone nội địa xách tay từ Hàn Quốc (SKY, LG, Samsung,...) đang là lựa chọn của nhiều người dùng nhờ có mức giá tốt. Hiện đã có những cửa hàng điện thoại chuyên cung cấp mặt hàng này tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM với giá rẻ hơn hàng quốc tế chính hãng từ vài triệu đồng.
So với bản quốc tế, hầu hết các smartphone nội địa Hàn Quốc có cấu hình cao hơn, hỗ trợ mạng 4G và tặng kèm một viên pin dự phòng cùng với dock sạc rời. "Không chỉ riêng thị trường Việt Nam, điện thoại nội địa Hàn Quốc cũng được các thương lái Trung Quốc, Malaysia, Phillipines... thu gom để xách tay về nước bán với giá thấp", Nguyễn Thanh Hải, một "thợ săn " hàng ở Suwon (thuộc tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc), cho biết.
Một cửa hàng của Pantech tại Hàn Quốc, hãng sở hữu thương hiệu điện thoại SKY Vega được nhiều người Việt Nam biết đến. Ảnh: NVCC.
Theo Hải, người dân tại Hàn Quốc thường mua smartphone có kèm hợp đồng với các nhà mạng như SK Telekom, KT Corp, LG Uplus,... Đây là những chiếc điện thoại bị khóa mạng, có mức giá khởi điểm khá rẻ, người mua chỉ cần trả một khoản phí tượng trưng, sau đó cam kết sử dụng gói cước 4G có thời hạn 2 năm. "Dùng khoảng vài tháng người dùng có thể mang máy ra chính cửa hàng bán lại máy với giá thỏa thuận. Tiệm sẽ thâu lại và dùng thủ thuật cắt hợp đồng với nhà mạng, sau đó bán lại máy cho các thương lái. Các thương lái này gom hàng rồi phân phối cho các tiệm điện thoại ở Việt Nam", Hải tiết lộ.
Theo Hải, giới buôn điện thoại ở Hàn Quốc có nhiều "mánh" để cắt hợp đồng với nhà mạng. Điện thoại sau khi cắt hợp đồng vẫn có thể sử dụng được khi "đánh hàng" sang các nước khác. Nếu không làm "thủ thuật" lách luật, chiếc máy sẽ bị nhà mạng khóa vĩnh viễn từ xa và không thể sử dụng.
Tuy nhiên, cũng giống như iPhone cũ xách tay, điện thoại Hàn Quốc hiện cũng thuộc danh mục mặt hàng cấm nhập khẩu vào Việt Nam theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông vì là hàng đã qua sử dụng. Một chủ hàng ở TP HCM cho biết việc thu gom điện thoại Hàn Quốc thường diễn ra với số lượng nhỏ, mang theo hành lí xách tay nên dễ mang về Việt Nam. Với những cửa hàng có người quen chuyên gom hàng tại Hàn Quốc, cửa hàng sẽ tiết kiệm được một khoản phí trung gian cho các "đầu nậu", máy về Việt Nam sẽ có giá cạnh tranh hơn.
Điện thoại nội địa Hàn Quốc thường được tặng kèm thêm một viên pin và dock sạc rời. Ảnh: NVCC.
"Ngoài việc mua lại hàng từ các thương lái bản địa, mình cũng có thể chọn mua lại máy đã qua sử dụng trên các trang rao vặt ở Hàn Quốc. Nếu máy còn mới và giá tốt thì có thể mua ngay và cài ROM tiếng Việt để mang về nước bán", chủ hàng trên cho biết.
Hiện tại, các cửa hàng ở Việt Nam thường bán các mẫu điện thoại Hàn Quốc của các hãng như LG, Samsung, SKY. "Trong các hãng, SKY là thương hiệu có nhiều mẫu máy giá mềm và chất lượng tốt nên được nhiều người chọn mua", Trần Duy Khoa, chủ một cửa hàng ở quận Bình Thạnh, TP HCM cho biết. Mỗi ngày tiệm của anh bán được khoảng 10 máy, đa phần là các mẫu không mới nhưng có cấu hình tốt như LG G Pro, SKY A850, LG Optimus LTE 2,... "Chỉ một số ít khách hàng hỏi mua các mẫu máy nội địa của Samsung như Note 3, S4,... vì giá tương đối cao", Khoa chia sẻ.
Tuy có lợi thế về giá bán và chất lượng phần cứng, các smartphone Hàn Quốc vẫn có những nhược điểm nhỏ so với hàng quốc tế. "Đa số các smartphone nội địa Hàn Quốc thường bị giới hạn kí tự tin nhắn nhưng có thể khắc phục bằng các bản ROM tiếng Việt hoặc cài thêm ứng dụng nhắn tin khác. Máy cũng nhanh hao pin hơn so với bản quốc tế và đôi khi bị mất sóng", Phạm Thái Quang, một người dùng Galaxy S4 LTE tại TP.HCM cho biết.
Theo các chủ cửa hàng, hiện tượng này thường do các bản ROM chưa được "bào chế" kĩ lưỡng và chỉ xảy ra với những mẫu máy mới xuất hiện. Khách hàng có thể chờ các bản ROM hoàn thiện hơn từ cửa hàng sau một thời gian sử dụng máy. "Tiệm mình và đa số các cửa hàng đều chịu trách nhiệm bảo hành phần mềm trọn đời máy", một chủ cửa hàng ở Q.10, TP HCM, cho biết.
Theo Zing
Có thể bạn quan tâm: