So về thiết kế thì ZenFone 4 được đánh giá là mỏng hơn và nhẹ hơn so với Lumia 520. ZenFone 4 với kích thước 124.42 x 61.44 x 11.5 mm (LxWxH) và nặng chỉ 115g trong khi Lumia 520 có kích thước 119.9 x 64 x 9.9 mm (LxWxH) và nặng 124g.
ZenFone 4 thiết kế với mặt trước là phần họa tiết tròn đồng tâm đã trở thành đặc trưng trên các sản phẩm của Asus, hệ thống 3 nút cảm ứng của Android, loa thoại và camera. Cạnh bên phải là 2 phím cứng là phím nguồn, phím tăng giảm âm lượng. Cạnh bên trái là cổng kết nối Micro-USB
Mặt lưng của Zenfone 4 được thiết kế bằng nhựa có thể tháo rời, hai khe cắm sim và thẻ nhớ microSD được thiết kế bên trong. ZenFone 4 có 5 màu sắc để bạn lựa chọn và thỏa sức thể hiện cá tính của mình, bao gồm xanh, vàng đỏ, đen và xám bạc.
Nokia Lumia 520 được thiết kế khá đẹp mắt, được trang bị bộ 3 phím cảm ứng ở mặt trước màn hình bao gồm phím mũi tên back, phím thoát ra màn hình chính với biểu tượng của Windows Phone và phím tìm kiếm kết nối trực tiếp tới Bing. Ở cạnh bên của máy cũng được bố trí ba phím cứng với 2 phím tăng giảm âm lượng được thiết kế liền, tiếp theo đó là phím nguồn và phím chụp hình với khả năng khởi động nhanh camera chỉ bằng động tác ấn và giữ nút. Cổng kết nối Micro-USB được thiết kế cạnh dưới của máy
Lớp vỏ sau của lumia 520 được làm bằng nhựa nhám và bạn cũng có thể tháo nó ra để thay đổi màu sắc cho máy một cách dễ dàng. Nokia cũng cho bạn 5 sự lựa chọn về màu sắc của chiếc điện thoại này với 5 màu vàng đen, trắng, đỏ, và xanh.
Màn hình
Về màn hình thì Lumia 520 nỗi bật hơn, mặc dù đều sở hữu màn hình có kích thước 4 inch với độ phân giải 800x480 nhưng Lumia 520 sử dụng màn hình IPS với mật độ điểm ảnh là 235ppi trong khi ZenFone 4 chỉ sử dụng màn hình TFT với mật độ điểm ảnh là 233ppi.
Lumia 520 được trang bị công nghệ cảm ứng siêu nhạy, có thể điều chỉnh bật hoặc tắt trong phần cài đặt. Với công nghệ này, người dùng có thể điều khiển màn hình cảm ứng kể cả khi đang đeo găng tay dày, hoặc thậm chí sử dụng cả những vật cứng như thìa hay chìa khóa. Tuy nhiên Lumia 520 có màn hình hơi tối, góc nhìn kém và khó quan sát dưới nắng (do không hỗ trợ công nghệ Clearblack)
Điểm lợi thế cùa ZenFone 4 về màn hình đó là ZenFone 4 được trang bị kính cường lực Corning Gorilla Glass 3 giúp bảo vệ và chống trầy tốt hơn, điều này chỉ có trên các smartphone đắt tiền.
Cấu hình và hệ điều hành
Về cấu hình thì ZenFone 4 thể hiện sự vượt trội của mình khi sở hữu chip Intel Atom Z2520 1.2Ghz, Ram 1GB, bộ nhớ trong 8GB, lưu trữ đám mây 5GB và hỗ trợ thẻ nhớ Micro-SD lên tới 64GB. Với cấu hình này Zenfone 4 có thể chạy mượt mà trên nền tản Android 4.3( có thể nâng cấp lên Android 4.4) với giao diện ZenUI của Asus hỗ trợ nhiều ứng dụng và game đáp ứng đủ nhu cầu giải trí cho người dùng.
Windows Phone 8.1 Developer Preview của Lumia 520 và Android 4.3 giao diện ZenUI của ZenFone 4
Trong khi đó Lumia 520 sở hữu chip Qualcomm Snapdragon S4 1.0Ghz, ram 512MB, bộ nhớ trong 8GB, lưu trữ đám mây 7GB miễn phí và hỗ trợ thẻ nhớ Micro-SD lên tới 64GB. Lumia 520 sử dụng hệ điều hành Windows Phone 8 có thể nâng cấp lên Windows Phone 8.1. Lumia 520 với ram 512MB có thể chạy tốt trên hệ điều hành Windows Phone. Tuy nhiên Windows Phone là 1 hệ điều hành mới phát triển nên có ít ứng dụng và game hơn so với Android.
Camera
ZenFone 4 được trang bị camera sau 5 MP, camera trước 0.3MP, hỗ trợ chụp ảnh tối đa đến 2.592 х 1.944 pixel, hỗ trợ rất đầy đủ các tính năng cần thiết cho việc chụp ảnh. Chẳng hạn, máy hỗ trợ rất nhiều chế độ tự động tối ưu để phù hợp với điều kiện môi trường và mục đích chụp như Panorama, ban đêm, chụp ảnh có độ sâu trường ảnh, xoá đối tượng không mong muốn... Máy còn hỗ trợ cả chức năng chụp ảnh HDR. Đặc biệt hơn, camera của sản phẩm này hỗ trợ quay phim với độ phân giải Full HD 1080p.
Nhìn chung, camera của máy đủ dùng với những nhu cầu chụp ảnh để chia sẻ trên các mạng xã hội hoặc lưu giữ lại những khoảnh khắc trong đời sống thường nhật. Nhưng phải thừa nhận một điều là Asus khá kỹ lưỡng trong việc trang bị cho người dùng các tính năng cho chụp ảnh và quay phim
Lumia 520 được trang bị máy ảnh với độ phân giải 5 megapixel, ống kính khẩu độ F/2.4 và cảm biến 1/4 inch, không có camera trước. Ở chế độ mặc định, máy chụp ảnh với tỉ lệ hình 16:9 và độ phân giải chỉ là 3.8 megapixel. Để chụp ảnh với độ phân giải tối đa, người dùng cần chỉnh lại tỉ lệ khung hình là 4:3 (trong các điều chỉnh chụp ảnh không hề nói tới độ phân giải). Lumia 520 hỗ trợ quay phim ở độ phân giải tối đa HD 720p.
Do thiếu đèn flash, nên trong một số tình huống Lumia 520 lấy nét khá chậm. Lumia 520 cũng không có camera ở mặt trước, do vậy không tiện dùng cho các ứng dụng gọi điện thấy hình như Skype hay chụp ảnh "tự sướng". Tuy nhiên Camera của Lumia 520 cho hình ảnh sắc nét, trung thực và độ chi tiết tốt hơn so với ZenFone 4 trong điều kiện ánh sáng tốt.
Pin
Lumia 520 sở hữu dung lượng pin 1430mAh với sự hỗ trợ của lõi Krait và kích thước màn hình nhỏ, đã phần nào giúp thiết bị tiết kiệm được rất nhiều điện năng trong quá trình sử dụng, Tuy nhiên khi kết nối 3G liên tục máy mau hết pin. Thêm 1 điều nữa là do Windows Phone chạy khá nhiều ứng dụng ngầm nên thường lượng pin của Lumia 520 cũng giảm đáng kể, đặc biệt là khi update lên bản Windows Phone 8.1 Developer Preview( phiên bản dành cho lập trình viên) rất mau hết pin. Sau này Microsoft tung ra bản update 1 nên thời lượng pin cũng đỡ hơn phần nào.
Còn với ZenFone 4 dung lượng pin chỉ có 1200mAh, tuy nhiên Asus đã tặng kèm 1 pin chính hãng khi khách hàng mua ZenFone 4 nên có thể đảm bảo việc sử dụng máy liên tục. Bên cạnh đó ta có thể sử dụng chức năng tiết kiệm pin tích hợp của máy khi kích hoạt giúp máy có thể tăng thời gian sử dụng lên khoảng hơn 1 giờ
Kết luận
Với những người cần một smartphone giá rẻ có thương hiệu lâu đời, thiết kế cứng cáp, màn hình cảm ứng cực nhạy thì Nokia Lumia 520 là 1 sự lựa chọn hợp lý. Còn với những người không dư dã về tài chính lắm mà cần smartphone giá rẻ có cấu hình tốt, gọn nhẹ, camera có nhiều tính năng nổi bật và có camera trước thì ZenFone 4 sẽ là sự lựa chọn tốt nhất trong tầm giá
Có thể bạn quan tâm: