Khi nhiếp ảnh chưa phổ biến, tranh truyền thần chính là cách để lưu giữ hình ảnh tốt nhất. Nhắc đến tranh truyền thần, những người sống lâu năm ở Nha Trang vẫn nhớ tới các tiệm vẽ như: Sáng, Việt Nam (đường Độc Lập, nay là đường Thống Nhất), Hoàn Kiếm (đường Ngô Gia Tự)... Những năm 60, 70 của thế kỷ trước, nhiều gia đình vẫn thường mang ảnh cũ, rách đến nhờ các họa sĩ vẽ lại để làm ảnh thờ. Thậm chí, nhiều người còn sống cũng nhờ các họa sĩ vẽ tranh truyền thần bởi yêu thích sắc màu đen trắng rất có hồn của nó. Nhiều người thích tranh truyền thần bởi giữ được lâu hơn ảnh, không hoen ố khi khí hậu ẩm thấp. “Hồi đó, khách hàng đến các tiệm vẽ tranh truyền thần rất đông. Ngoài khách ở Nha Trang, khách từ Cam Ranh, Ninh Hòa, Tuy Hòa, Phan Rang... cũng thường đến đặt vẽ tranh”, họa sĩ Lê Vũ nhớ lại.
Họa sĩ Nguyễn Bảo Nguyên
Theo thời gian, người có nhu cầu vẽ tranh truyền thần ngày càng ít, số họa sĩ biết vẽ truyền thần người thì qua đời, người thì tuổi cao nên lui về ở ẩn. Một số tiệm vẽ có nhận vẽ tranh truyền thần như: Lê Tình (đường Lê Thành Phương), Sao Hỏa (đường Thống Nhất)... cũng đã đóng cửa. Duy chỉ tiệm vẽ của họa sĩ Lê Vũ (160 đường Tôn Thất Tùng) là còn đề chữ “nhận vẽ truyền thần”. Họa sĩ Phạm Sanh (chủ tiệm vẽ Sao Hỏa ngày trước) cho biết: “Những năm gần đây, số lượng khách đến vẽ truyền thần ngày càng ít trong khi tiền thuê mặt bằng ngày càng cao, vì thế tôi đóng cửa tiệm, về vẽ ở nhà riêng đã mấy năm nay”. Theo họa sĩ Phạm Sanh, nếu như trước đây, để phục dựng chân dung người quá cố, người ta thường tìm đến họa sĩ vẽ truyền thần, còn bây giờ, với kỹ thuật photoshop, người ta có thể tái hiện bức ảnh một cách nhanh chóng với giá thành rẻ hơn nhiều nên nghề vẽ truyền thần không còn đất sống. “Lớp họa sĩ trẻ bây giờ không mấy ai học vẽ truyền thần. Ngay trong nhà tôi, con cháu theo nghề vẽ cũng chỉ vẽ tranh sơn dầu, làm quảng cáo...”, họa sĩ Phạm Sanh bày tỏ.
Họa sĩ Lê Vũ bên một số bức vẽ truyền thần.
Khi hỏi chuyện về tranh truyền thần, họa sĩ Lê Vũ lấy từ trong góc ra một số bức truyền thần rất đẹp vẽ nhà thơ Nguyễn Khuyến, nhà cách mạng Nguyễn Thái Học, danh ca Elvis Presley, diễn viên Marilyn Monroe... Tất cả đều toát lên thần thái của nhân vật khiến người xem không thể không thích. Hỏi về nghề vẽ truyền thần, người họa sĩ già đem ra bộ đồ nghề đựng trong chiếc hộp gỗ nhỏ, trong đó chỉ có vài cái bút vẽ khá giản đơn... rồi giải thích vài nét cơ bản về cách vẽ tranh. Theo họa sĩ Lê Vũ, để có thể vẽ được tranh truyền thần, người ta phải học nghề ít nhất vài năm, còn để điêu luyện thì phải luyện cả một đời. Nghề này đòi hỏi phải kiên trì, tỉ mỉ, nhất là vẽ râu, mắt... “Thông thường, một bức chân dung truyền thần đơn giản phải mất một ngày, những bức phức tạp thì thời gian vẽ lâu hơn. Nhiều khi khách hàng chỉ đưa một tấm ảnh nhỏ xíu chụp chung cả gia đình, rồi yêu cầu mình dựa vào đó để vẽ chân dung một người. Có người còn không có ảnh mẫu, chỉ kể lại theo trí nhớ để mình vẽ rồi chỉnh sửa dần, phải vài ba lần khách mới ưng ý”, họa sĩ Lê Vũ nói. Theo các họa sĩ, khi vẽ tranh truyền thần, ngoài việc vẽ cho giống với ảnh mẫu, người họa sĩ còn phải thể hiện được thần thái của nhân vật, chính vì vậy mới có cái tên là “truyền thần”.
Gắn với nghiệp vẽ, các họa sĩ cũng có rất nhiều kỷ niệm vui buồn với nghề. “Cách đây mười mấy năm, một bà cụ người Ninh Hòa đến đặt tôi vẽ bức truyền thần người chồng đã tử trận nhưng không có ảnh mẫu. Bà ấy đem theo tấm ảnh của người con trai, rồi nói thêm các chi tiết ấn tượng về người chồng để tôi vẽ... Sau vài lần chỉnh sửa, đến một ngày bà ấy thốt lên “chồng tôi đây rồi” và ôm lấy bức tranh òa khóc”, họa sĩ Phạm Sanh kể.
Vẫn biết, không có gì là mãi mãi, nhưng những ai có lòng hoài cổ khi nghĩ về nghề vẽ truyền thần đang dần rơi vào quên lãng sẽ không khỏi luyến tiếc cho một nét đẹp văn hóa đang dần mất đi.
THÀNH NGUYỄN
Có thể bạn quan tâm: