Nên biết là trong 8 kỳ ra mắt sản phẩm trước đây, iPhone chỉ phô diễn tài năng của mình trước vài trăm cặp mắt là cùng, trong một không gian khiêm tốn, giản đơn, nhã nhặn. Vị CEO cũng bước ra sân khấu với trang phục nhẹ nhàng giản dị, cầm trên tay siêu phẩm làm nên tên tuổi Táo khuyết, và thực hiện những thao tác chạm, bấm, vuốt bình thường nhưng lại đầy ma lực hấp dẫn chỉ trong 10 – 15 phút đồng hồ. Thời lượng sau đó có thể được dành để giới thiệu một số phát minh hay cải tiến khác, cùng các thông số cần thiết liên quan đến việc sở hữu một chiếc iPhone.
Sản phẩm mỗi năm một khác và luôn được chờ đợi, song phải chăng Apple thấy rằng cách thức tổ chức sự kiện đã trở nên nhàm chán, kém vui. Liệu một không gian lớn hơn, hoành tráng hơn sẽ cho phép ông trùm công nghệ mở rộng phạm vi sáng tạo ra ngoài những giới hạn công nghệ thông thường. Ngoài siêu phẩm di động thông minh mang nhãn Táo khuyết sẽ ra lò ngày 9/9 này, Apple sẽ biến tấu những gì với một “sân chơi” to rộng hơn trước.
Giả thuyết thứ nhất: Apple Car
Phản ứng đầu tiên của các tín đồ công nghệ Táo khuyết khi biết sự kiện tháng 9 sẽ diễn ra tại bill graham Civic Auditorium, đó là cảm giác bất ngờ thú vị đi kèm cái giật mình đánh thót: vậy là sẽ có xe hơi Apple phải không?
Bên cạnh màn hình vô tuyến với logo trái táo cắn dở giờ vẫn ngập trong những đồn đoán và kỳ vọng, Apple Car cũng không là ngoại lệ. Dù đã được đội ngũ phát triển manh nha song rõ ràng Apple Car hiện “sống” chủ yếu trong trí tưởng tượng của công chúng và cũng là một đối tượng gây tranh cãi: nó sẽ là bộ phận điều khiển trung tâm có thể thiết đặt trên mọi mẫu xe hơi, hay một chiếc xe hơi của hãng Apple “bằng xương bằng thịt”.
Chưa biết thực hư thế nào song rõ ràng xét về tốc độ tấn công thị trường xe bốn bánh thì Apple đang đi sau đối thủ Google cả cây số. Google hiện đã có Android Auto – hệ điều hành dành riêng cho ôtô giúp đảm bảo trải nghiệm lái xe an toàn, tiện ích; đồng thời không ngừng thúc đẩy hoàn thiện mẫu xe tự hành Google Car thông minh và thân thiện với môi trường.
Đó là chưa kể xu hướng xe hơi thông minh, không chạy xăng và tận dụng tối đa các tiện ích công nghệ đang khiến thế giới say mê, chao đảo. Hãng Tesla Motors là một điển hình cho xu thế xe chạy năng lượng điện mặt trời với thiết kế và công năng không thua kém bất cứ mẫu xế hộp hạng sang nào khác.
Nói như vậy để thấy chính Apple cũng nên sốt ruột mà cho ra xe hơi sớm đi thôi. Chuyện cạnh tranh kỳ thực không quá đáng ngại, bởi với hàng loạt bằng sáng chế mà hãng này đang sở hữu cùng năng lực bứt phá của một kẻ đến sau “khó chịu”, Apple Car hoàn toàn có triển vọng thành công. Và một màn ra mắt hoành tráng dưới ánh hào quang của đàn anh iPhone và trước những cặp mắt trầm trồ của 7000 quan khách là điều hoàn toàn có thể!
Giả thuyết thứ hai: Apple TV
Nếu xe hơi Táo khuyết là giấc mơ có phần xa xỉ cho sự kiện tới đây, thì thôi, hãy dồn hy vọng vào màn hình TV Apple. Cách đây mấy ngày, một số nguồn tin trên chuyên trang công nghệ 9to5 Mac đã rò rỉ thông tin về phiên bản mới cho bộ đầu thu set top và điều khiển Apple với mức giá khá đắt đỏ gần 200 đô, nhưng màn hình thì vẫn chưa thấy có động tĩnh. Apple đã thực sự từ bỏ giấc mơ TV của mình, hay chỉ là kẻ giỏi giấu bí mật mà thôi?
Nếu bạn để ý tới những sự kiện giới thiệu công nghệ sản xuất cũng như những sản phẩm smartTV của các tên tuổi như Sony, LG hay Samsung, có thể thấy những tấm kính phẳng/ lồi/ cong trình chiếu những hình ảnh rực rỡ và sắc nét vô cùng xuất hiện với kích thước và vị trí thiết đặt khác nhau trong một khoảng không rộng lớn. Nghệ thuật phô diễn, giới thiệu trong thời hiện đại là đem tới những trải nghiệm choáng ngợp, đa chiều và bao quát. Mà rõ ràng, một đại sảnh hội nghị có thể tùy biến trở thành không gian mở rộng với trần vòm cao là địa điểm lý tưởng để treo lơ lửng những màn hình chiếu ảnh động siêu lớn, siêu nét.
Và thay vì vị CEO đứng ra trước sân khấu và biểu diễn các thao tác với chiếc iPhone trên tay, ý tưởng về một loạt hình ảnh chiếc điện thoại xoay tròn, zoom kỹ từng đường nét, từng điểm nhấn nhá đẹp đẽ và bóng bẩy đến ngạt thở… trên hàng chục, hàng trăm màn hình Apple TV cùng một lúc quả là ý tưởng không tồi chút nào. Chưa kể như thế thật một công đôi việc: vừa phô diễn từng chi tiết của smartphone phiên bản mới, vừa "test" độ căng nét của iTV.
Giả thuyết thứ 3: Mô hình “Hội chợ Táo khuyết” mới
Nếu dành riêng Bill Graham Auditorium 7000 chỗ cho riêng iPhone, Apple TV hay Apple Car là một quyết định đầu tư hơi xa xỉ, thì phải chăng nên tận dụng không gian này để lăng-xê cả một hệ sinh thái Táo khuyết, với các sản phẩm cũ mới đan xen.
Bên cạnh iPhone 6S cũng như hy vọng “mong manh” dành cho TV và xế hộp, nhiều nhà phân tích cho rằng sự kiện diễn ra ngày 9/9 tới đây sẽ xuất hiện thêm iPad Mini 4, iPad Pro, iMac 21 inch (đón đầu sự kiện “Back to school” thường niên), các thiết bị kết nối HomeKit tiếp nối và cả những cải tiến cũng như thiết bị đi kèm Apple Pay (nhằm cạnh tranh hiệu quả hơn với Google Pay và Samsung Pay đang thu hút sự chú ý trên thị trường).
Thêm vào đó, dự đoán về việc Apple Store “thay áo mới” càng được hâm nóng với quyết định chuyển đổi địa điểm sự kiện lần này. Có lẽ đã đến lúc không gian các điểm bán lẻ chính thức của Apple được làm lại để thu hút hơn, thân thiện với người mua hơn cũng như hiệu quả hơn. Bill Graham Auditorium là không gian đủ rộng để Apple tạo lập một mô hình Apple Store giả định, nơi khách tham quan được tận tay chạm và dùng thử những phiên bản sản phẩm mới nhất, bao gồm iPhone 6S.
Giả thuyết thứ 4: Đại hội âm thanh – ánh sáng đậm chất nghệ thuật
Nên nhớ là trong năm qua, Apple đã tung ra dịch vụ stream nhạc và radio trực tuyến gây xôn xao dư luận. Nếu như hệ radio Beats 1 của hãng chạy trên nền tảng băng thông Internet và phát 24/7 thì Apple Music là mô hình stream nhạc với một kho lưu trữ lên tới hàng chục triệu bài hát, ký kết bản quyền với các nghệ sỹ đình đám nhất hiện nay và đem đến chất lượng âm thanh vượt trội nhờ vào công nghệ tách dải âm của Beats (được Apple mua lại trước đó với giá hơn 3 tỷ đô).
Sự kiện WWDC diễn ra vào tháng 6 cũng chứng kiến sự xuất hiện của một số DJ tên tuổi trên sàn diễn công nghệ, hứa hẹn những cái bắt tay hợp tác mới giữa làng giải trí và Apple.
2015 cũng là một năm đáng nhớ trong mối quan hệ giữa Apple và giới nghệ sỹ. Sau những màn chê trách và đá thúng đụng nia của cô ca sỹ lắm tài nhưng đanh đá Taylor Swift, Apple chẳng những không mất bình tĩnh mà lại còn sốt sắng chiều theo ý cô nàng (tức là đồng ý trả tiền bản quyền nhạc cho các nghệ sỹ ngay trong ba tháng đầu miễn phí dịch vụ), khiến Swift nói riêng và dân làm nghệ thuật nói chung đều hả hê, phấn khởi.
Thêm vào đó, Bill Graham Auditorium từng có “kinh nghiệm” làm sân khấu cho hàng loạt music festival lớn nhỏ và luôn cực kỳ náo nhiệt bởi sự hòa nhịp giữa hàng nghìn khán giả nhiệt thành và các music band sôi động. Liệu lần này, Apple có “lăng xê” các sản phẩm mới với sự tham gia của nhiều ngôi sao cùng những màn biểu diễn âm thanh, ánh sáng độc nhất vô nhị hay không? Quả là một giả thuyết đáng kỳ vọng.