10h sáng 9/9 theo giờ Mỹ (tức rạng sáng 10/9 theo giờ Việt Nam), một trong số những sự kiện công nghệ được mong chờ nhất trong năm đã được tổ chức tại bill graham civic auditorium , San Francisco, Mỹ.
Trước thềm sự kiện, mọi sự chú ý đổ dồn vào những đồn đoán liên quan tới hai phiên bản iPhone mới với cái tên 6S (đã được xác nhận), cùng các kỳ vọng về cấu hình vượt trội, độ bền gia tăng, tính năng 3D Touch “lên đời” từ Force Touch và sắc vàng hồng thời thượng, song về cơ bản thiết kế không có quá nhiều đột phá.
Thế nhưng, sau khoảng 1 tiếng diễn ra, người ta đã có thể chắc chắn rằng, cái tên “sự kiện iPhone” không còn thỏa đáng nữa. Với ipad pro mới 12,9 inch bàn phím cơ học và bút cảm ứng apple Pencil, iPad Mini mới, Apple TV và phiên bản Apple Watch với dây da xa xỉ thương hiệu Hermès, Apple đã đem đến một thực đơn công nghệ đa dạng và khá “ngon lành”.
Thêm vào đó, quan khách cũng lờ mờ cảm nhận được rằng, iPhone không phải “món chính” trong đại tiệc năm nay, hoặc nó là món chính mờ nhạt hơn hẳn so với món khai vị quá ấn tượng mang tên iPad Pro. Giữa bối cảnh thị trường PC hoang mang, laptop giảm nhiệt và tablet sa sút phong độ do sự lên ngôi của smartphone hay phablet, Apple như thổi một luồng sinh khí mới vào địa hạt sản phẩm “không cầm tay”.
Sự kiện iPhone hay Sự kiện iPad Pro
Xét trong dòng tộc Apple thì hiện chiếc iPad Pro mới là thiết bị có màn hình lớn nhất với thông số 12,9 inch, tạo điều kiện hiển thị một bàn phím ảo trọn vẹn, đồng thời trở thành chiếc iPad đầu tiên “đính kèm” một bàn phím vật lý và bút cảm ứng.
Về cấu hình, iPad Pro sở hữu chip A9X, nhanh hơn 1,8 lần so với chip A8X trên iPad Air 2 và thậm chí nhanh hơn 80% so với hầu hết các mẫu laptop ra mắt trong vòng 6 tháng trở lại đây – Apple khẳng định. Pin chạy khỏe trong 10 tiếng, màn hình hiển thị 5,6 triệu điểm ảnh cùng hệ 4 loa giúp Pro “dư sức” cạnh tranh với bất cứ sản phẩm laptop, tablet nào khác trên thị trường. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ tin rằng sản phẩm này hướng đến một nhóm đối tượng khách hàng hoàn toàn mới và thậm chí có thể tạo ra một phân khúc người dùng công nghệ mới (khả năng là các đối tượng làm nghệ thuật, mỹ thuật, thiết kế hay freelancer nói chung) không chỉ có nhu cầu giải trí hay làm việc thông thường.
Có lẽ, cái bắt tay hợp tác giữa hai kình địch một thời Apple – Microsoft càng mở ra hi vọng về những bước đi chiến lược trong địa hạt PC. Xét cho cùng, ta cũng không nên đòi hỏi và buộc một thiết bị cầm tay tối ưu hóa các chức năng theo sát mọi nhu cầu trong đời sống con người được. Màn hình lớn, bàn phím cứng tháo rời và một chiếc bút giúp thao thác điều hướng hay lựa chọn dễ dàng hơn vẫn điều chúng ta cần, và thiếu.
Sản phẩm có hai phiên bản 32GB và 128GB với mức giá tương ứng 949 USD và 1079 USD trong 3 sắc màu bạc, vàng và xám không gian sẽ ra mắt tháng 11 tới. Một cái giá không hề rẻ, nhưng những gì mà hệ phần cứng - phần mềm iPad Pro hứa hẹn dường như khiến dân tình không quá đắn đo về giá.
Vậy nên, liệu có quá đáng nếu kết luận Apple đã có một “sự kiện iPad Pro” thành công?
Và câu trả lời cho Bill Graham?
Nhiều người đã ngay lập tức kết luận: ấn tượng nhất trong sự kiện sáng 9/9 hôm qua tại San Francisco là iPad Pro. Không phải iPhone, mà là iPad Pro. Thậm chí, đã chẳng còn những dòng người xếp hàng chầu chực chờ iPhone mới như các năm trước nữa. Apple đã lường trước được tình thế xoay chiều, hay họ đã ngấm ngầm thôi thúc sự “lạnh nhạt” này để có thể đột ngột khuấy động thế giới với một sản phẩm khác giúp hãng thoát mác “công ty iPhone”.
iPad Pro được xem như luồng gió mát lành thổi vào thị trường máy tính bảng – máy tính cá nhân đang tiu nghỉu trước cơn sóng thần smartphone. Cùng những ưu điểm cấu hình phần cứng, những món phụ kiện ấn tượng, iPad Pro đã tỏa sáng trước hàng nghìn quan khách ngồi trong khán phòng Bill Graham.
Nói đến đây, bạn có nhận ra điều gì lạ mà quen, tưởng như bất ngờ mà hóa ra quá dễ đoán?
Ngược dòng thời gian trở về ngày 10/6/1977, cũng tại Bill Graham Civic Auditorium, bộ ba Steve Jobs, Steve Wozniak và John Sculley đã cùng nhau công bố với thế giới chiếc Apple II – chiếc máy tính màn hình màu đầu tiên được hãng Táo khuyết sản xuất hàng loạt và đạt thành tựu đột phá về mặt thương mại, bán ra tới 6 triệu chiếc tính tới tháng 11 năm 1993.
Apple II gây sốt, bởi nhà sáng chế Wozniak đã giới thiệu hệ cấu hình mới lạ chưa từng có dành cho máy vi tính và ngay lập tức trở thành chuẩn mực của ngành công nghiệp tới tận hôm nay - Giao diện người dùng tích hợp (Integrated User Interface) giúp tích hợp các thiết bị đầu vào và đầu ra chuẩn hóa ngay trong chiếc máy tính cá nhân của bạn. Cùng năng lực hiển thị màu và đồ họa đột phá so với nền tảng công nghệ thời bấy giờ, Apple II xứng đáng là nhân tố tạo nên cuộc cách mạng cho địa hạt PC, giống như iPhone đã làm nên cuộc cách mạng thiết bị di động thông minh sau này.
Từ Apple II 1997 cho tới iPad Pro 2015, phải chăng là một sự nhắc nhủ và tiếp nối. Với việc ra mắt iPad Pro trên sân khấu huy hoàng của 38 năm về trước, Apple muốn tái lập mối quan tâm và định hướng chiến lược của mình với mảng máy tính cá nhân trong thời kỳ hiện đại? Liệu iPad Pro có thành công như bậc “cha chú” Apple II? iPad Pro sẽ giúp doanh nghiệp của ngài Tim Cook thoát mác “công ty iPhone”? Đồng thời, kỷ nguyên hợp tác mới – thay vì đối đầu – sẽ mở ra với nụ cười và cái bắt tay của Apple và Microsoft? Chúng ta hãy cùng chờ đợi!