Không thể nói nền nghệ thuật Việt Nam yếu kém, chậm phát triển hay không tiến bộ, không bám sát với đời sống và tâm hồn Việt. Việc các tác phẩm tranh được người mua quốc tế giành giật với giá cao, những bức ảnh đoạt giải đặc biệt trong các cuộc bình chọn uy tín, những tài năng trẻ được trao học bổng và tạo điều kiện để theo đuổi đam mê của mình ở …nước ngoài, khẳng định một điều rằng người Việt Nam mang trong mình phẩm chất nghệ thuật và hoàn toàn có thể thành công với lựa chọn nghệ thuật của mình.
Bức "Nhìn từ đỉnh đồi" của họa sỹ Lê Phổ, lập kỷ lục bức tranh Việt đắt giá nhất trên sàn đấu giá quốc tế (với số tiền thu về lên tới 840.000 USD vào cuối năm 2014). |
Song, dạo qua các bảo tàng, các phòng tranh, các phòng hòa nhạc, các triển lãm văn hóa …sao vẫn thấy vắng bóng người Việt. Họa chăng chỉ là các hướng dẫn viên du lịch miệt mài đưa khách Tây đi tìm hiểu cội nguồn văn hóa bản địa; vài cô cậu học sinh sinh viên đến ghi chép, cóp nhặt chút thông tin và chụp đôi kiểu ảnh cho bài luận trên lớp; hoặc lác đác những cụ già chậm chạp đừng rất lâu bên những khung ảnh cũ, cố tìm lại những gì của một thời oanh liệt xa xăm.
Nghệ thuật ở Việt Nam, vì đâu ế khách?
Thôi thì đổ tại cho giáo dục
Điểm qua các nội dung đào tạo phổ thông của Việt Nam, các phân môn nghệ thuật đâu có thiếu. Cũng như trẻ em nước khác, các cô cậu bé nước ta đã được tập tành sờ nắm cục đất nặn, cây bút lông, chạm vào phím đàn mặt trống từ cái thời mầm non mẫu giáo. Khoa học đã chứng minh 6 năm đầu rất quan trọng trong việc định hình thiên hướng phát triển của một đứa trẻ, và việc cho chúng tiếp xúc với nghệ thuật càng sớm bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Thế thì từ thời bao cấp đói kém cho đến những ngày hiện đại chẳng thiếu cơm ăn áo mặc hôm nay, khó có thể nói trẻ em Việt Nam thiệt thòi vì …đói “nghệ thuật”. Anh tôi, một người sinh ra trong giai đoạn bao cấp vẫn nhớ những ngày cơm chưa đủ no, nhưng vẫn háo hức đợi mẹ dắt sang Nhạc viện học ký xướng âm, rồi bỏ buổi hẹn đá bóng chiều với đám bạn để chạy sang lớp vẽ.
Bộ phim Em bé Hà Nội khắc họa hình ảnh một cô bé Việt Nam đam mê âm nhạc, mặc cho những khó khăn, gian khổ của thời chiến.Ảnh minh họa (Internet). |
Nhưng rồi, dù được khen là có năng khiếu đến đâu, anh cũng bỏ ngang những bản nhạc để quay về với những tri thức “thiết thực hơn” như Toán hay Ngoại ngữ. Biết bao đứa trẻ cũng như thế, cũng đã từng tưởng tượng mình thành họa sỹ, nhạc sỹ, nhà thơ …để rồi ngáp vặt trong những tiết mỹ thuật không màu, giấy, bút và chút cảm hứng hội họa nào; căng thẳng trong giờ nhạc cố thuộc lòng “Đồ mi rê pha son” để lên bảng đọc …gỡ điểm hay gục ngã trong biết bao ca Ngữ văn thuần “nghe – chép”.
Không nói đến những trường điểm, trường quốc tế hay các lớp đào tạo ngoại khóa chuyên sâu, tôi muốn nhấn mạnh thực trạng tại rất nhiều trường đào tạo phổ thông ở Việt Nam, từ nông thôn cho tới thành thị. Những giờ học mang thiên hướng “nghệ thuật” cứ ngày càng nhàn nhạt, vô vị, mang tính cưỡng ép hơn là khơi gợi và lại còn thưa thớt dần khi đám trẻ lớn lên. Đến cấp 3, tất cả những gì ám ảnh chúng là đề thi, công thức, những lựa chọn trường lớp – nghề nghiệp và nỗi lo “trượt đại học” đối với phần lớn …gia đình các cô cậu thiếu niên.
Thế nhưng ngày nay, không phải gia đình nào cũng muốn, hoặc có thể, đầu tư phát triển năng khiếu nghệ thuật cho con em.Ảnh minh họa (Internet). |
Sau giáo dục thì đến ý thức hệ “lên thớt”
Nhưng có phải tự thân giáo dục phải “mang tội” cho một nền văn hóa không chuộng nghệ thuật chân chính. Phải chăng chính quan điểm cho rằng “Nghệ thuật không nuôi nổi miệng ăn” đã khiến nghệ thuật ngày càng …đói, đói người xem người nghe, đói cả các nguồn lực để duy trì và phát triển.
Đến giờ, còn mấy ai có ý định theo đuổi những môn nghệ thuật thuần túy, “nghệ thuật vị nghệ thuật” chứ không phải “nghệ thuật vị …giải trí”. Lẽ dĩ nhiên, để bàn về nghệ thuật – giải trí thì cũng lắm vấn đề và sẽ làm dấy lên những tranh luận lôi thôi chẳng bao giờ ngớt. Ở đây, người viết hướng đến một mảng khác, riêng biệt và thầm lặng nằm trong khái niệm rộng Nghệ thuật, đó là Nghệ thuật của trưng bày, của quan sát, của chiêm nghiệm và những sự tự vỡ lẽ theo cách rất cá nhân. Thứ nghệ thuật mà bạn không được thả lỏng đầu óc và thân thể, mà thực sự phải hoạt động trí óc và thân thể một cách nghiêm túc đến độ căng thẳng.
Các cô cậu học sinh trong một buổi "nghiền ngẫm" nghệ thuật. Ảnh minh họa (Internet). |
Trong số những lần bạn “đi xem” nghệ thuật, có bao lần là bạn đi xem một vở hài, hay một đêm nhạc nhiều màu sắc; và có bao lần bạn đi xem một vở múa đương đại, hoặc đơn giản là bước vào một bảo tàng, một phòng tranh. Cân nhắc giữa một chuyến đi công viên nước cho ngày cuối tuần “rực lửa” với tour tham quan Di tích nhà tù Hỏa Lò, nhiều khả năng bạn sẽ chọn …đi xem phim cho mát. Khu phố cổ cũng có nhiều phòng tranh nghệ thuật rất đẹp và bắt mắt, bạn đã bao giờ nghĩ mình sẽ bước vào hay chưa? Tôi khẳng định, nếu có ai rủ tôi Chủ Nhật này vào Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, hay là đi nghe ca trù phố cổ …tôi sẽ ngại lắm. Không phải vì tôi thấy chúng không đáng. Chỉ là tôi ngại và không quen. Chỉ là có quá nhiều phim hay ngoài rạp, quá nhiều cái hẹn café, quá nhiều việc linh tinh lang tang khác …và cũng chưa bao giờ tôi thấy bố bảo: “Cuối tuần này cả nhà mình vào thăm Viện Bảo tàng đi”.
Và những khúc mắc của túi tiền
Tại một quốc gia mới ở giai đoạn đầu của phát triển thì những khó khăn trong nhận thức xã hội ở trình độ cao thường bắt nguồn từ ngay chính những hạn chế về mặt kinh tế (như các cụ vẫn nói đó thôi, “cái khó bó cái khôn” mà). Lẽ dĩ nhiên, không phải cứ lắm tiền nhiều của thì con người ta tự khắc sẽ văn minh hơn, tranh biện “có học” hơn hay tìm đến các thú chơi – thú thưởng thức nghệ thuật bác học, hàn lâm và có phần “cao cấp” hơn. Song rõ ràng với phần đa người Việt thời nay, đồng tiền bỏ vào bữa ăn, bữa nhậu, hay cái áo chiếc quần, “sang” hơn nữa là vào vé xem phim, vé nghe nhạc vẫn (có vẻ) đáng hơn số tiền tương đương bỏ ra cho một đêm hòa nhạc thính phòng hay một bức tranh “xịn”, đương đại và không phải hàng sao chép bán đầy đường Nguyễn Thái Học hay phố Hàng Trống.
Một cửa hàng trên phố tranh Hàng Trống (Hà Nội). Từng là nơi phát tích của cả một dòng tranh dân gian đặc sắc, nhưng giờ đây, con phố này là nơi người ta có thể tìm thấy đủ loại tranh chép, tranh nhái "hợp mốt" và vừa túi tiền. Ảnh minh họa (Internet). |
À mà thôi, có người sẽ hỏi, tại sao tôi phải chọn lựa giữa một bộ phim Hollywood vừa hay ho, vừa nghệ thuật giá 80k hàng ghế đẹp với một buổi nhạc kịch lạ hoắc tốn đến nửa triệu mà ngồi cách sân khấu cả cây số? Thắc mắc xem ra cũng hợp lý. Vậy đã bao giờ bạn tự hỏi, tại sao lại là những tối lên bar xập xình với những ly rượu rẻ cũng ngót 100k, mà không phải một lần ghé thăm các phòng tranh nghệ thuật miễn phí, để có được những trải nghiệm đa chiều đến từ màu sắc, hình khối chứ không chỉ là cảm giác “ảo diệu”, phê pha.
Mà cũng chẳng cần nói xa xôi, các viện bảo tàng ở Việt Nam nhìn chung hiện có giá vé vào cổng không hề đắt (chỉ từ 10.000 – 50.000đ/ lượt thăm quan tại các điểm bảo tàng trong phạm vi thủ đô Hà Nội, khó có thể kêu là đắt trong bối cảnh vật giá hôm nay), vậy mà thứ 7 Chủ Nhật vẫn tương đối đìu hiu, vắng bóng khách Việt. “Làm ăn” khá nhất có lẽ là Bảo tàng Dân tộc học, khuôn viên rộng, nhiều cây xanh, các hiện vật bày trí theo phong cách sắp đặt hiện đại, ấn tượng; song đa phần nguồn thu lại đến từ các đôi - các nhóm vào chụp ảnh, các doanh nghiệp thuê địa điểm tổ chức team-building hay không gian tiệc sinh nhật linh đình của con cháu các gia đình khá giả. Buồn hơn là câu chuyện cho thuê tổ chức hội chợ sách trong sân Bảo tàng phụ nữ. Khách vào xem và mua sách chật cứng khoảng sân, lúc vào cửa còn được tặng tích-kê vào bên trong Bảo tàng thăm quan miễn phí. Nhưng rồi những mẩu giấy cho không ấy, hoặc là bị vo viên rớt xuống đáy túi, hoặc nằm la liệt trên mặt đất với những dấu giày dẫm qua.
Chính diện Bảo tàng Dân tộc học... |
...với những khoảng không gian rộng, thoáng đủ để dựng nên những mô hình trưng bày chân thực... |
...đa phần tiếp khách nước ngoài. Ảnh minh họa (Internet). |
Nghệ thuật “ế” cũng tại truyền thông
Không thể trách các đơn vị cung cấp nghệ thuật không biết cách đánh bóng tên tuổi của mình, không biết hô hào mời gọi khách hay thấu hiểu giá trị của tiếp thị - truyền thông. Họ đã làm rồi đấy chứ, song hiệu quả còn hạn chế, hoặc có dấu hiệu tích cực được dăm bữa nửa tháng …rồi thôi. Cái rất cần là một chiến dịch truyền thông đồng bộ và toàn diện giúp thay đổi nhận thức cho người Việt - để người Việt không còn “ngại”, tránh hay dè bỉu mỗi khi nghe nhắc đến hai từ “nghệ thuật”, thì lại chưa có.
Như nỗi buồn thường trực của những nghệ sỹ hài thở dài vì không bán nổi vé cho vở kịch bi, nỗi buồn của những họa sỹ thấy tranh mình “được” nhân bản và bán đầy trên phố, hay nỗi buồn ế ẩm của các Viện Bảo tàng đã tặng vé rồi mà cũng chẳng có mấy khách thăm quan …nỗi buồn của người làm nghệ thuật tại Việt Nam cũng là nỗi buồn chung của một nền văn hóa đương đại còn non và yếu. Không thể bao biện rằng cuộc sống quá bận rộn, nghệ thuật chưa đủ tốt, hay lớn tiếng chỉ trích những ai liên đới giữa sự đi lên của các rạp phim với sự đi xuống của văn hóa đọc. Kỳ thực trong một xã hội luôn mâu thuẫn và vận động, mọi điều dường như đều có sự liên đới với nhau theo cách riêng mình.
Một đoạn của Con đường gốm sứ ven sông Hồng. Ảnh minh họa (Internet). |
Để kết lại những dòng tản mạn về nghệ thuật, người viết muốn đưa thêm một vài mẩu tin nho nhỏ, để làm dẫn chứng cho giá trị của nghệ thuật, hay làm câu hỏi cho bài toán nghệ thuật đang ở đâu trên bản đồ văn hóa - xã hội của Việt Nam.
- Trên rất nhiều trang báo uy tín của thế giới (như The New York Times, The Huffington Post hay Wall Street Journal) thường có chuyên mục “Arts” riêng biệt, nơi người đọc có thể tìm được những tin bài mới nhất cập nhật đa dạng các lĩnh vực của nghệ thuật (kịch, triển lãm tranh, đấu giá cổ vật, tác giả - tác phẩm, phân tích, bình luận, đánh giá…)
- Tại Mỹ tồn tại mô hình Liberals Arts (thường được dịch thuần sang tiếng Việt là Trường đào tạo Nghệ thuật tự do), nơi sinh viên có thể lĩnh hội đa dạng kiến thức liên quan tới nghệ thuật, văn hóa, xã hội một cách sâu rộng và bài bản. Mô hình trường này ngày càng có sức hút và một nghiên cứu khẳng định 74% các nhà tuyển dụng có xu hướng quan tâm và ưu tiên các sinh viên tốt nghiệp trường Liberal Arts (vì cho rằng họ linh hoạt hơn, khả năng lĩnh hội tốt hơn, bộ kỹ năng hoàn thiện hơn và có thái độ học hỏi nghiêm túc hơn)
Nghệ thuật là cách giúp trẻ nhỏ phát triển một cách toàn diện. Ảnh minh họa (Internet). |