Khởi đầu là người tiên phong VMS-MobiFone, sau đó tới Vinaphone và nhân tố mới Viettel, 3 nhà mạng lớn đã tạo nên nền tảng và động lực lớn mạnh của toàn ngành.
Ông Lê Nam Trà - Tổng giám đốc, Tổng công ty Viễn thông MobiFone |
Những quyết định gần đây của Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT ) đã giúp thị trường có một định hướng chiến lược trong thời gian tới.
Liên tiếp trong tháng 12/2014, Bộ TT&TT đã ban hành hai quyết định có tính chất mở đường cho mobifone nói riêng và sự phát triển của ngành Viễn thông nói chung: thành lập Tổng công ty Viễn thông MobiFone và bổ nhiệm ông Lê Nam Trà giữ chức Tổng giám đốc.
Quyết định thứ nhất “hiện thực hóa” mô hình Tổng công ty cung cấp giải pháp truyền thông đa phương tiện, “cởi chiếc áo” công ty dịch vụ di động vốn từ lâu quá chật và kìm hãm sự phát triển của MobiFone. Tuy vậy, quyết định này không phải là sự "nâng cấp" cho Công ty Dịch vụ Thông tin Di động mà là một bước đi chiến lược trong việc tạo điều kiện thuận lợi và hành lang pháp lý cho việc hình thành thế "ba chân kiềng" trong ngành viễn thông Việt Nam.
Từ đây, Tổng công ty Viễn thông MobiFone đã được trao đầy đủ chức năng nhiệm vụ, chính sách, cơ chế, cơ cấu hợp lý để cạnh tranh bình đẳng với VNPT và Viettel trên tất cả các lĩnh vực, từ dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, phát thanh truyền hình cho tới truyền thông đa phương tiện. Đây là một quyết định mạnh bạo mang tính chiến lược của Bộ Thông tin và Truyền thông. Ngay cả sự lựa chọn tên gọi “Tổng công ty Viễn thông MobiFone” thay cho Tổng công ty Dịch vụ Di động (VMS) cũng không phải ngẫu nhiên. Hơn ai hết, Bộ TT&TT và lãnh đạo MobiFone hiểu rõ một trong những tài sản lớn nhất đang có là thương hiệu MobiFone quen thuộc và được khách hàng yêu quý. Muốn kết nối gần hơn với khách hàng, không có thương hiệu nào thích hợp hơn MobiFone.
Quyết định thứ hai tiếp tục trao quyền "quản lý MobiFone" cho "người MobiFone". Là một trong những người góp công xây dựng MobiFone từ những ngày đầu tiên, nổi tiếng là nhà lãnh đạo “kỹ trị”, ông Trà luôn kiên trì nắm bắt nhu cầu thị trường, ra quyết định dựa trên tính hợp lý và phân tích thấu đáo những dữ kiện. Là "người MobiFone", kinh qua nhiều vị trí quản lý, từ công nghệ, đầu tư đến lần lượt lãnh đạo cả hai thị trường lớn nhất của MobiFone là thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, ông Trà hiểu tới từng chi tiết của quá trình kinh doanh, luôn nỗ lực hết mình để nắm bắt, nuôi dưỡng thành công từ những ý tưởng sáng tạo của tập thể. Kinh nghiệm của ông Trà trong việc đảm bảo cho MobiFone trong nhiều năm liền duy trì vị thế đứng đầu ở thị trường thành phố Hồ Chí Minh, thị trường đòi hỏi cao nhất sẽ hết sức đáng quý cho MobiFone trong việc nâng cao tính cạnh tranh của mình trong tình hình mới
Như vậy, tới cuối năm nay 2014, về cơ bản, quyết định của Bộ Thông tin và Truyền thông đã thể hiện rõ ràng quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020 với yếu tố then chốt là hình thành từ 3-4 tập đoàn, tổng cồng ty mạnh, hoạt động theo hướng chuyên môn hoá, chuyên nghiệp hoá, sử dụng hiệu quả cơ sở hạ tầng, nguồn lực và tài nguyên viễn thông để làm chủ thị trường trong nước và từng bước vươn ra quốc tế.
Với ba nhà mạng tiếp tục cạnh tranh gắt gao để củng cố thị phần truyền thống và chiếm lĩnh thị trường mới, hi vọng thị trường Việt Nam sẽ còn chứng kiến những đột phá mới trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ.