Mainboard cho Haswell không quá nhiều, đặc biệt là dòng mainboard có mức giá thay thế cho H61 trước đây và theo lộ trình quen thuộc thì H81 ra đời sau cùng, sau tất cả các dòng chipset khác, Zotac không phải là thương hiệu đầu tiên giới thiệu loạt mainboad này nhưng có vẻ như đây gần như là mainboard có giá thành mềm nhất hỗ trợ các CPU Intel Haswell socket LGA1150.
Như đã nói ở trên thì H81 chính là em út trong gia đình chipset “8″ của Intel, em út thì không thể nào nhiều tính năng hay mạnh mẽ như các anh chị được và đó là những gì bạn sắp thấy tới đây, “em út” hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu cơ bản của mọi người nhưng chuyên biệt hơn thì bạn vui lòng chi thêm nhiều hơn bởi cái gì cũng có cái giá của nó cả.
Mặt trước vỏ hộp của Zotac H81MAT-A-E, tông màu vàng vàng đen đen này đã quá đặc trưng với thương hiệu rồi.
Mặt sau ngoài các thông số kỹ thuật cơ bản thì còn có 1 sơ đồ khối các linh kiện của mainboard, bạn có thể tham khảo được trên main sẽ có những gì mà không cần phải cầm sản phẩm thực tế.
Phụ kiện đi kèm theo, ngoài tài liệu thì còn có DVD driver như thông lệ
Bù lại thì phụ kiện đi kèm cực kỳ tối giản, chỉ có panel bằng thép và “1″ cọng cáp SATA duy nhất, nói ngắn gọn là Zotac quá hà tiện về cáp SATA so với các thương hiệu khác.
Và nhân vật chính, mainboard Zotac H81MAT-A-E, nền PCB xanh dương cơ bản, cách phối màu khác linh kiện tương đối là thông dụng và rõ ràng là nó chưa đủ để gọi là đẹp, nhưng cũng nhắc lại thêm lần nữa là bạn khó có thể đòi hỏi nhiều hơn ở một sản phẩm hướng đến nhu cầu cơ bản với chi phí hợp lý.
Khu vực phase nguồn cho CPU, đơn giản đến bất ngờ, với số lượng linh kiện khá hạn chế như hình thì H81MAT-A-E cũng chỉ hoạt động tốt cho các CPU Core i5 đổ lại, hạn chế hoặc không nên ép xung một tí nào cả, thử nghiệm thực tế thì OcerVN dùng CPU Intel Core i7-4770K có mức công suất TDP vừa bằng với những gì mà Zotac công bố và thực tế cho thấy dàn phase nguồn này cực kỳ nóng, đến mức không thể chạm tay vào lâu hơn 2s.
Điểm cộng là Zotac dùng một socket loại tốt, từ LOTES, thương hiệu được dùng trong phần lớn các mainboard dành cho Haswell chất lượng.
Các giao tiếp có sẵn, bạn có thể nhìn ra ngay 2 Port USB 3.0 sẵn sàng cho giao tiếp tốc độ cao và cả cổng DVI-D dành cho các trường hợp đặc biệt cần truyền tín hiệu hình ảnh chất lượng cao nhất.
Khu vực chip âm thanh và IO của Zotac H81MAT-A-E
Có đến 3 đầu xuất USB 2.0 ra, thực tế là nó khá dư thừa bởi đa phần các case thì chỉ cần 1-2 đầu ra là nhiều.
2 Port SATA III màu xanh
Và 2 port SATA II màu đỏ, tùy vào nhu cầu mà bạn gắn đúng cổng để có được hiệu năng cao nhất.
Cận cảnh tản nhiệt gọn gàng, đẹp mắt cho chipset Intel H81
Tem QC pass, khá lạ bởi cũng lâu rồi mới thấy một mainboard còn dùng cách chứng nhận QC như thế này.
Hai Jumper với một dành riêng cho việc reset thông số hệ thống, cái còn lại dành cho tính năng “Update ME”, vị trí này rất bất lợi cho bạn khi cần sử dụng, đặc biệt là khi có gắn VGA rời.
Đầu cấp nguồn chính cho toàn hệ thống, 24pin, màu vàng vàng tạo cảm giác hơi cũ kỹ dù nó hoàn toàn là hàng mới tinh.
Hai khe RAM duy nhất, dung lượng hỗ trợ tối đa 16GB, và nơi duy nhất biết được mainboard này là của Zotac là nhờ con tem này mà thôi.
Tem bảo hành của Đạt Khang, NPP chính thức của Zotac tại Việt Nam, thời hạn là 3 năm, ít hơn một năm so với mang VGA cũng của chính Zotac.
Các tem khác, bao gồm số serial và model chính thức.
Hệ thống thử nghiệm tại OcerVN cho mainboard Zotac H81MAT-A-E
Hệ thống thử nghiệm được sử dụng:
Mainboard: Zotac H81MAT-A-E
CPU: Intel Core i7-4770K
RAM: Kingston HyperX Beast 16GB KIT 2400MHz
PSU: Cooler Master GM 550W
HSF: stock
VGA: Power Color R9 270 2GB
SSD: OCZ Vertex 4 256GB SATA III
HDD: Western Digital Red 3TB SATA III
OS: Windows 7 64bit Ultimate SP1
Kết quả thử nghiệm:
Thông tin toàn hệ thống
Kết quả PCMark 8
Và Sifoft Sandra
Cuối cùng là Peformance Mark
So sánh, toàn bộ cả 3 so sánh đều mang tính chất tham khảo, cả 3 ứng dụng được dùng để so sánh đều thuộc dạng cho điểm số tổng thể của toàn hệ thống. Kết quả so sánh hạng mục PerformanceTest có sự chênh lệch lớn chủ yếu do kết quả bản demo không chính xác, ở các bài viết sau chúng tôi sẽ điều chỉnh lại database và loại bỏ các kết quả thử nghiệm không chính thống đi.
Nhận xét: nói tóm gọn thì Zotac H81MAT-A-E hoàn toàn là một lựa chọn cực kỳ hấp dẫn cho những ai có nhu cầu cơ bản hoặc các phòng game với giá thành mềm, các tính năng khác đều hiện hữu như SATA III hay USB 3.0.
Một số ưu điểm không nên bỏ qua, đầu tiên là giá thành (chỉ vào khoảng 1.180.000 VND cho một mainboard Haswell là thực sự rẻ).
Chế độ bảo hành của NPP Đạt Khang trước đến nay cũng khá tốt và chưa có nhiều scandal.
Tuy vậy, việc “keo kiệt” với chỉ một cáp SATA là điểm trừ không đáng có.
Hiệu năng Zotac H81MAT-A-E đạt được là khá, thấp hơn một chút so với mainboard Z97 là điều hoàn toàn có thể chấp nhận được.
Cũng là lời khuyên, bạn không nên dùng CPU i7 với mainboard này do hạn chế về công suất của dàn phase nguồn.
Có thể bạn quan tâm: