Nghiên cứu mới từ Đại học Bang Iowa đã tìm ra được cách thức nhận diện bệnh nghiện smartphone - hay còn gọi là “nỗi sợ không có điện thoại” - bằng một danh sách 20 câu hỏi.
“Nỗi sợ không có điện thoại là một nỗi sợ mới xuất hiện trong thời hiện đại, là hậu quả của mối tương tác liên tục giữa con người và các công nghệ viễn thông, đặc biệt là smartphone”, Caglar Yildirim - một trong các tác giả của nghiên cứu này - cho biết. “Đây là nỗi sợ không thể sử dụng smartphone, không thể liên lạc, không được kết nối và không được truy cập thông tin qua smartphone, không có được sự thuận tiện mà smartphone mang lại”.
Nghiên cứu này dựa trên nghiên cứu hồi tháng 1 của Đại học Missouri rằng việc bị chia cắt khỏi iPhone có thể có ảnh hưởng đến cả tâm lý và thể chất của bạn, bao gồm cả ảnh hưởng đến suy nghĩ.
“iPhone có thể trở thành một phần của cơ thể mà khi không có nó, chúng ta cảm thấy không trọn vẹn và tâm lý sẽ ở trạng thái tiêu cực”, Russell Clayton - tác giả chính của nghiên cứu tuyên bố.
|
Để có được bảng câu hỏi này, những nhà nghiên cứu của Đại học Bang Iowa đã phỏng vấn 9 sinh viên về mối quan hệ với smartphone của họ, và nhận ra được 4 khía cạnh cơ bản của nỗi sợ không có điện thoại: không thể liên lạc, mất kết nối, không thể truy cập thông tin, mất đi sự tiện lợi. Sau đó họ đã thử nghiệm bảng câu hỏi này trên 301 sinh viên khác.
Để biết được mình có mắc chứng “sợ không có điện thoại” này không, bạn hãy trả lời 20 câu hỏi dưới đây theo thang điểm từ 1 (hoàn toàn không đồng ý) đến 7 (hoàn toàn đồng ý) và cộng tổng điểm để ra được kết quả.
1. Tôi sẽ cảm thấy không thoải mái nếu không được liên tục truy cập thông tin bằng điện thoại.
2. Tôi sẽ cảm thấy khó chịu nếu tôi không thể tra thông tin trên điện thoại khi tôi muốn.
3. Không thể đọc được tin tức trên điện thoại sẽ làm tôi cảm thấy lo lắng, bồn chồn.
4. Tôi sẽ cảm thấy khó chịu nếu tôi không thể sử dụng điện thoại và các tính năng của nó khi tôi muốn.
5. Việc điện thoại hết pin làm tôi hoảng sợ.
6. Khi tôi hết dung lượng dữ liệu hàng tháng, tôi sẽ hoảng loạn.
7. Khi không có tín hiệu dữ liệu (3G) hoặc Wi-Fi, tôi sẽ liên tục kiểm tra xem có thể bắt được sóng hay có mạng Wi-Fi nào không.
8. Nếu tôi không thể sử dụng điện thoại, tôi sợ lỡ như sẽ bị mắc kẹt ở một nơi nào đó.
9. Nếu tôi không thể dùng điện thoại trong một thời gian, tôi sẽ cảm thấy muốn kiểm tra điện thoại.
Và khi không có điện thoại bên mình...
10. Tôi sẽ cảm thấy bồn chồn vì không thể liên lạc ngay lập tức với gia đình và bạn bè.
11. Tôi sẽ lo lắng vì gia đình và bạn bè không thể liên lạc với tôi.
12. Tôi sẽ lo lắng vì tôi không thể nhận được tin nhắn và cuộc gọi.
13. Tôi sẽ lo lắng vì không thể giữ liên lạc với gia đình và bạn bè.
14. Tôi sẽ lo lắng vì tôi không biết được liệu có ai đó đang cố gắng liên lạc với tôi.
15. Tôi sẽ lo lắng vì tôi không còn kết nối với gia đình và bạn bè.
16. Tôi sẽ lo lắng vì tôi bị mất kết nối với thế giới mạng.
17. Tôi sẽ cảm thấy không thoải mái vì tôi không thể theo dõi các thông tin trên mạng.
18. Tôi sẽ cảm thấy không thoải mái vì tôi không thể nhận được thông báo từ điện thoại và thế giới mạng.
19. Tôi sẽ cảm thấy lo lắng vì không thể kiểm tra email.
20. Tôi sẽ cảm thấy rất kỳ lạ vì tôi không biết phải làm gì.
Điểm số của bạn:
20: Bạn không hề mắc chứng sợ không có điện thoại này. Bạn sử dụng điện thoại đúng mực và không thấy có vấn đề gì khi không có nó.
21-60: Mắc bệnh nhẹ. Bạn cảm thấy bồn chồn khi quên điện thoại ở nhà một ngày hoặc bị kẹt ở đâu đó không có Wi-Fi, tuy nhiên sự bồn chồn này không quá lớn.
61-100: Nghiện smartphone trung bình. Bạn cảm thấy gắn bó với điện thoại của mình. Bạn có thói quen kiểm tra điện thoại thường xuyên kể cả khi đi bộ hay nói chuyện với bạn bè. Đã đến lúc phải tập rời xa điện thoại rồi đó!
101-120: Nỗi sợ không có điện thoại của bạn đã rất trầm trọng rồi. Bạn khó có thể chịu được 60 giây không kiểm tra điện thoại. Điện thoại là thứ đầu tiên bạn kiểm tra khi thức dậy và cũng là thứ cuối cùng bạn nhìn vào trước khi đi ngủ, và chiếm hầu hết thời gian trong ngày của bạn. Bạn nên yêu cầu sự can thiệp của người khác để giúp chữa chứng bệnh này đấy.