Sự kiện 12 quốc gia khu vực vành đai Thái Bình Dương đạt được những thỏa thuận cuối cùng trong khuôn khổ Hiệp định thương mại Xuyên Thái Bình Dương (Tran-Pacific Partership, TPP) được xem như một cột mốc mang tính bước ngoặt trong lịch sử thương mại toàn cầu.
Lần đầu tiên, một khối mậu dịch chung có sự góp mặt của các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (Mỹ, Nhật Bản, Canada, Australia) và những nền kinh tế mới nổi, đang lên (Peru, Mexico, Malaysia, Việt Nam) được thành lập để chia sẻ lợi ích, nâng đỡ nhau trong việc đạt được các quy tắc chuẩn hóa chung cũng như tạo nên một tập thể vững mạnh, đủ khả năng chống đỡ và khuất phục sự bành trướng, tấn công của “đế chế” hàng hóa dịch vụ Trung Quốc.
Đặc biệt, Việt Nam được các nhà phân tích khẳng định là một trong những quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ TPP, từ cái bắt tay của những siêu cường kinh tế thế giới. Cùng lực lượng dân số trẻ đang và sẽ bước vào độ tuổi lao động trong năm nay, Việt Nam càng có cớ để háo hức, phấn khởi. TPP sẽ mang đến điều gì cho người trẻ Việt? Chúng ta nên tiếp cận TPP như thế nào và chuẩn bị gì cho những đổi thay đang đến?
Cơ hội xài hàng ngoại, giá “nội”
Rõ ràng, việc gia nhập một cộng đồng thương mại tự do chung sẽ đem lại cơ hội giao thương hàng hóa nhanh hơn, rẻ hơn, với những ưu đãi về mặt thuế quan, giá cả cho các nước thành viên. “Bắt tay” với các quốc gia có nền tảng sản xuất hàng hóa dịch vụ chất lượng cao, quy mô lớn, hàm lượng công nghệ và tri thức đậm đặc, người Việt chắc chắn sẽ rất háo hức chờ đợi đến ngày được xài đồ Nhật, đồ Mỹ với mức giá hợp lý (sát giá gốc) hơn.
Tuy nhiên, không chỉ là việc thụ hưởng các mặt hàng vật chất thỏa mãn nhu cầu thị hiếu bình thường, việc tiếp cận với một làn sóng sản phẩm ngoại nhập (không phải hàng Tàu!) với giá tốt, chất lượng đảm bảo, an toàn và hoàn thiện về mọi mặt (bao gồm cả hệ thống hậu mãi, chăm sóc khách hàng) chắc chắn sẽ đem đến những bài học, tầm nhìn, tư duy mới về cách thức tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh cho người Việt. Sự cạnh tranh buộc các doanh nghiệp trong nước bước vào guồng cải tổ và thay đổi, hướng tới chuyên nghiệp và lấy khách hàng làm trọng tâm. Sự thỏa mãn tốt hơn các nhu cầu giúp người tiêu dùng ý thức rõ ràng và biết đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của mình.
Doanh nghiệp xuất khẩu “vui lây” và cơ hội cho “người giỏi”
Như đã nói ở trên, TPP đem lại niềm vui cho người tiêu dùng Việt khi hàng loạt mặt hàng ngoại được cắt giảm thuế suất, đồng thời cổ vũ tinh thần cho các doanh nghiệp xuất khẩu nội địa. Bên cạnh cơ hội được học hỏi kinh nghiệm để đổi thay và bứt phá trong một đấu trường lành mạnh, TPP mở ra cơ hội xuất khẩu lớn chưa từng có cho hàng hóa Việt Nam và thay vì lo sợ, các doanh nghiệp - cá nhân nên chuẩn bị tinh thần để tối ưu hóa trong xu thế mới.
Triển vọng tươi sáng cho ngành xuất khẩu đồng nghĩa với cơ hội lớn cho thị trường lao động chất lượng, tay nghề cao. Những người trẻ với vốn kiến thức và ngoại ngữ vượt trội hoàn toàn có cơ hội để khẳng định mình và hướng tới một tầm nhìn khu vực. Lẽ dĩ nhiên, vận hội lớn sẽ không đến trong ngày một ngày hai, nhưng xét về dài hạn, cơ hội được học tập và làm việc với tư cách một “công dân toàn cầu” là điều mà chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng và cần có sự chuẩn bị kỹ vàng về mặt kỹ năng, nhận thức.
TPP và tầm nhìn khởi nghiệp
TPP sẽ giúp thay đổi quan điểm cố hữu của một bộ phận người Việt, rằng người trẻ nên cố gắng tìm việc tại các doanh nghiệp, tập đoàn lớn hoặc các tổ chức, cơ quan trực thuộc Nhà nước, nhằm hướng đến tính an toàn, ổn định và chuẩn mực. Trên thực tế, xu hướng phát triển của thế giới hiện nay đang tạo đà cho một làn sóng các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp (startup), với quy mô vừa phải, định hướng công nghệ sâu và sức trẻ để chinh phục cũng như tạo ra những thị trường mới.
TPP cũng đến trong thời điểm Việt Nam đang có những dấu hiệu “cởi mở” với làn sóng khởi nghiệp và chủ trương trải thảm đỏ đón chào những người con xa xứ. Cuộc tiếp đón của ngài Phó Thủ tướng dành cho hàng trăm đại diện startup trong và ngoài nước, những chính sách hỗ trợ tạo lập doanh nghiệp, các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức và cả những khóa đào tạo kỹ năng khởi nghiệp cho các bạn trẻ cho thấy một định hướng phát triển đúng đắn của Việt Nam trong thời đại mới.
Trở thành “Quốc gia Khởi nghiệp” là một mục tiêu lớn đầy gian nan, nhưng không phải là không thể nào đạt được. Với TPP, chắc chắn “khởi nghiệp” sẽ là từ được nghe và nhắc nhiều trong những năm sắp tới.
Sân chơi công bằng, minh bạch thông tin
Một trong những hạn chế của hoạt động kinh doanh tại Việt Nam là sự thiếu hụt một hệ thống thông tin rõ ràng, các quy định còn chồng chéo, bộ máy hành chính cồng kềnh (nhiều khi là sách nhiễu) và những khó khăn trong việc kết nối liền mạch các bên liên quan trong toàn bộ chuỗi giá trị.
Trong khi đó, Hiệp định TPP là một bộ quy tắc mậu dịch tự do dành phần lớn số chương để liệt kê các điều khoản điều chỉnh và chuẩn hóa hệ tiêu chuẩn môi trường kinh doanh, chất lượng lao động, luật lệ tài chính và đặc biệt là sở hữu trí tuệ áp dụng bắt buộc cho 12 quốc gia thành viên. Thay vì là một nội dung mang tính tham khảo hay khuyến khích, 29 chương của TPP là 29 điều luật chặt chẽ buộc các quốc gia thành viên phải nghiêm túc tuân thủ, kể cả khi điều này đồng nghĩa với việc rà soát và tạo đối trọng với chính hệ thống pháp lý của mỗi nước.
Thống nhất luật lệ chung giúp Việt Nam và các quốc gia đang phát triển trong TPP học được cách “chơi đúng”, tiến tới “chơi đẹp – chơi hay” trên sân chơi kinh tế chiếm tới 40% tổng GDP toàn cầu. Tin tưởng rằng với sự “can thiệp” của TPP, doanh nghiệp Việt sẽ được bảo vệ và hỗ trợ tốt hơn trên nhiều phương diện, cũng như đủ tự tin để cạnh tranh không chỉ trong sân nhà.
Kết.
Cơ hội luôn đến cùng với những thách thức, những đòi hỏi đổi thay sâu sắc và toàn diện. Tuy nhiên, hiểu rõ về các cơ hội cũng là một bước quan trọng trong việc hoạch định các phương án đối phó, giải quyết vấn đề phát sinh trong hiện tại và tương lai.
Gia nhập TPP không có nghĩa là Việt Nam sẽ tiến bước tương lai trên một con đường trải đầy hoa hồng, song chắc chắn, chúng ta sẽ bước đi vững vàng hơn và có ý thức hơn.
Bởi xét cho cùng, TPP đem đến những tiềm năng, song tiềm năng có chuyển hóa thành giá trị hay không, tất cả tùy thuộc vào nỗ lực của chính chúng ta.