Có lẽ không nhiều người biết rằng năm ngoái, Google đã bí mật mua về công ty khởi nghiệp Agawi, chuyên phát triển phần mềm chuyển đổi dữ liệu dung lượng lớn như "Grand Theft Auto: San Andreas" (2.4 GB) hay "FIFA:14" (1.35 GB) ngay trên các thiết bị di động, giúp giảm thiểu tình trạng “đơ máy” khi phải tải và load quá nhiều ứng dụng.
Cách chúng ta dùng điện thoại thông minh sắp thay đổi? Ảnh minh họa (Internet). |
The Information tin rằng thương vụ này nằm trong một chiến lược “chống ứng dụng” của Google nhằm thúc đẩy khách hàng sử dụng các dịch vụ internet nhiều hơn (ví dụ như các dịch vụ mà Google cung cấp như Search) thay vì “đắm đuối” với các ứng dụng hiện đang được phát triển tràn lan. Điều này chẳng có gì khó hiểu, nhất là khi một nửa doanh thu của Google đến từ các nội dung tìm kiếm có kèm thông tin quảng cáo. Mặc dù sở hữu hệ điều hành Android cùng kho ứng dụng đồ sộ App Store, thế mạnh của Google trên thương trường vẫn là bộ công cụ tìm kiếm “kinh điển”.
Ngay sau khi bị thâu tóm, website của agawi đã biến mất và nhiều khả năng công nghệ của hãng này giờ đã thuộc quyền sở hữu và sử dụng của Google.
Thực tế hiện nay cho thấy nhiều người dùng di động có xu hướng lựa chọn một chiếc điện thoại với dung lượng lưu trữ lớn, cho phép họ tải về và chạy nhiều ứng dụng “nặng đô”, đặc biệt là games. Nếu có thể stream các ứng dụng này để test trước khi tải về, người dùng sẽ ngay lập tức chuyển sang mua những mẫu điện thoại rẻ tiền hơn mà không phải lăn tăn về dung lượng bộ nhớ hạn chế. Thêm vào đó, nếu họ quen với việc sử dụng các ứng dụng được stream từ internet, nhiều khả năng họ sẽ dùng các dịch vụ duyệt web nhiều hơn (đích thị là điều mà Google hướng đến).
Nghiên cứu chỉ ra đa phần chúng ta chỉ dùng chủ yếu 4 ứng dụng là nhiều. |
Thực tế là các công ty phần mềm như Agawi đem đến cho chúng ta rất nhiều tiện ích, bởi một nghiên cứu đã chứng minh rằng thông thường người dùng chỉ sử dụng thường xuyên nhiều nhất 4 ứng dụng, vậy nên không cần thiết phải tải về cho lắm làm gì. Tất cả những gì bạn cần là một chiếc máy điện thoại vừa tiền với dung lượng vừa phải cùng khả năng bắt sóng wifi thật nhạy, vậy là xong.
Đáp trả những lo ngại cho rằng streaming ứng dụng sẽ làm tăng mức sử dụng dữ liệu, trang The Information khẳng định chỉ một phần của ứng dụng sẽ được stream, ví dụ bạn có thể thử một ứng dụng từ 30 giây đến 2 phút trước khi đưa ra quyết định có mua/ tải nó hay không.
Điểm hạn chế duy nhất của hình thức mới này là nó cần sóng internet thật bền và khỏe, trong khi nhiều địa bàn cách xa vùng trung tâm khó có thể đáp ứng yêu cầu này. Sử dụng điện toán đám mây cũng khá tiện lợi cho khách hàng trong quá trình stream ứng dụng, song cũng đồng thời làm lợi cho các nhà phát triển ứng dụng nữa. Thay vì lên AppStore, người dùng có thể tìm kiếm một dịch vụ cụ thể trên Google và công cụ sẽ cho ra kết quả bao gồm các ứng dụng cung cấp dịch vụ đó. Như vậy, Google cũng vô tình giúp cho các ứng dụng được sử dụng nhiều hơn và khiến những ứng dụng vốn lâu nay “tàng hình” trở nên hiển hiện với người dùng Internet.
Các hãng điện thoại như Samsung sẽ chẳng còn phải tốn tiền xây dựng hệ phần cứng nội bộ, khi các hoạt động kiểm duyệt ứng dụng sẽ diễn ra "tại nguồn" thay vì phải tải về làm tốn bộ nhớ máy. |
Ví dụ, thay vì tìm đến dịch vụ đặt đồ ăn trực tuyến Seamless, người dùng chỉ gần gõ “dịch vụ giao đồ ăn” và hàng loạt ứng dụng thỏa mãn yêu cầu sẽ hiện ra cho họ chọn. Biết đâu đấy, một dịch vụ “trời ơi đất hỡi” chưa ai thấy bao giờ sẽ được phát hiện và yêu thích hơn cả Seamless – tất cả nhờ sự “lăng xê” của Google.
Có thể thấy một dịch vụ stream ứng dụng của Google sẽ có ý nghĩa rất lớn với cả người dùng và các nhà phát triển, nhưng thời điểm chính xác mà chúng ta có thể thực hiện điều này trên "đám mây" vẫn là điều chưa ai rõ.