Nếu so với mức giá rẻ chỉ 2 triệu đồng, Asus ZenFone 4 có cấu hình tốt, hoạt động mượt, màn hình đẹp. Tuy nhiên, dung lượng pin chỉ 1.200 mAh là khá ít với một chiếc smartphone. Việc tặng kèm thêm một viên pin rời cũng không thực sự tiện lợi bởi người dùng muốn sạc đầy pin phụ phải lắp vào máy để sạc sau đó lại tháo ra.
Trên diễn đàn của người chơi ZenFone ở Việt Nam, thành viên Duy Tân đã chia sẻ thử nghiệm ghép đôi hai viên pin rời thành một để tăng dung lượng và tiện dụng hơn cho việc sử dụng hàng ngày. Trên lý thuyết, công việc này khá đơn giản và người dùng sẽ có ngay viên pin dung lượng 2.400 mAh nhưng việc thực hiện lại đòi hỏi sự cẩn thận và biết chút ít về hàn và đo đồng hồ mạch.
Các dụng cụ sử dụng bao gồm lưỡi dao mổ số 11, đồng hồ đo đa năng, mỏ hàn thiếc (hàn linh kiện điện tử), thiếc hàn, mỡ hàn (hoặc nhựa thông), băng keo, keo 2 mặt ... Trước khi thực hiện cần sạc đầy cả hai viên pin.
Với viên pin thứ nhất, cần lột cả lớp giấy và phần vỏ nhôm xung quanh để lộ ra phần nhựa ở đầu pin bao gồm chứa mạch pin.
Sử dụng lưỡi dao mổ để loại bỏ hoàn toàn phần keo, cần cẩn thận để không cắt vào cực pin, thân pin hay linh kiện trên mạch pin. Đặc biệt là hai cực pin bằng nhôm nên rất mỏng manh dễ hỏng. Sau đó tiếp tục dùng mỏ hàn để tháo phần mạch ra khỏi cell pin.
Viên pin thứ hai không cần loại bỏ hết phần keo mà chỉ cần đục 2 lỗ ở 2 cực pin để có thể hàn cell 1 vào. Đặt viên pin trên bàn, mặt in chữ quay lên trên, áp cell pin 1 lên để xác định chỗ 2 cực pin và khoét từ từ xuống tới khi lộ 2 cực của pin. Cần kiểm tra chỗ nối có tiếp xúc điện hay không.
Việc ghép rất đơn giản về mạch điện nhưng lại đòi hỏi sự cẩn thận vì linh kiện rất nhỏ.
Sau khi ghép hai viên pin, bọc lại bằng giấy dán như cũ.
Do viên pin dày lên gấp đôi nên nếu tiếp tục sử dụng vỏ nhựa như cũ sẽ không thể lắp khít. Vì vậy cần dùng dao hoặc kéo khoét phần phía sau để pin lồi lên. Việc này đương nhiên ảnh hưởng tới thẩm mỹ do viên pin lồi lên nhìn khá rõ.
Chính vì vậy, anh Duy Tân đã sử dụng một vỏ case loại của Nillkin và khoét tiếp phần ốp nhựa phía sau nhưng vẫn để lại phần da bọc.
Khi lắp ốp này vào máy, phần pin nhô ra không còn bị lộ. Nhìn từ ngoài, không phát hiện được máy đã độ pin.
Tuy nhiên, việc độ pin thật sự tiềm ẩn khá nhiều nguy hiểm và không đảm bảo an toàn tuyệt đối trong sử dụng. Hơn nữa, cũng khó có thể quay trở lại trạng thái ban đầu. Vì vậy, người dùng cần cân nhắc kỹ trước khi thực hiện.
Trong quá trình làm, người dùng cần phải ghi nhớ cực âm và dương, sử dụng đồng hồ đo mạch để có kết quả chính xác. Theo anh Duy Tân, trước đây, pin cũ của Asus ZenFone 4 chỉ hoạt động với thời gian màn hình bật khoảng 2 tiếng 40 phút thì sau khi "độ" pin, thời gian này tăng lên 5 tiếng 30 phút.
Theo Sohoa
Có thể bạn quan tâm: