Nhưng bên cạnh đó, một yếu tố hết sức quan trọng nhưng rất ít được đánh giá đúng mức, đó là “kỹ năng vận dụng các thao tác kỹ thuật“, còn gọi là “thủ pháp “, cho phép ghi nhận được hình ảnh theo nhiều cách khác nhau, qua đó, người xem cảm thấy đáp ứng nhu cầu của mình đến mức nào, vậy thì yếu tố chất lượng này không còn ở phần cứng nữa, nhưng đã chuyển sang yếu tố phần mềm rồi.
Còn một yếu tố liên quan đến chất lượng nữa, nhưng lại càng rất ít người nhắc đến, đó là khả năng chuyển tải thông điệp của hình ảnh. Tạm thời ở đây chúng ta không nhắc đến, đó là yếu tố chất lượng về phương diện cảm xúc.
Đến thời đại nhiếp ảnh số, để xác định được chất lượng hình ảnh, người ta quan tâm đến rất nhiều chi tiết khác biệt hơn nữa, dù rằng nếu phân tích kỹ, ta sẽ thấy chúng cũng không tách khỏi những yếu tố cơ bản đã nêu trong thời phim nhựa:
- Chất lượng ống kính: Những ống kính càng tốt, sẽ cho độ vi tương phản của hình ảnh càng tốt, nghĩa là khả năng tái tạo chi tiết càng tốt. Ngày càng có những ống kính được thiết kế ở ngưỡng chất lượng rất cao, do máy tính hỗ trợ tạo ra, đồng thời lại có các thiết bị chất lượng cao để đo lường chất lượng ống kính. Khả năng phân giải hình ảnh của những ống kính đời cũ chẳng thể nào so được với thế hệ mới gần đây, dẫu với sự cách biệt về giá trị cực lớn.- khẩu độ tối ưu: Là yếu tố quan trọng của một ống kính để có được chi tiết hình ảnh tốt nhất. Khẩu độ này thay đổi tùy theo từng loại ống kính, cũng như nhu cầu sử dụng của người dùng. Như khi cần chụp phong cảnh, thì khẩu độ tối ưu sẽ nên là khoảng f/8 đến f/16, tùy ý thích cá nhân, cũng như tình huống chụp. Nhưng khi có nhu cầu thể hiện chân dung xóa hậu cảnh (phông), thì việc dùng khẩu độ f/2.8 hay f/1.2 được xem là khẩu độ tối ưu đối với thể loại này.
- Hệ thống lấy nét: Cơ chế lấy nét tự động (AF) ngày càng hoàn thiện, giúp người chụp chọn được điểm nét nhất của hình ảnh hết sức chính xác, và nhanh, khiến khả năng chộp bắt những diễn tiến nhanh của cuộc sống hết sức dễ dàng. Cơ chế live view với chức năng phóng lớn hình ảnh, giúp cho việc lấy nét thủ công (MF) hết sức thuận tiện, với độ chính xác gần như tuyệt đối.
- Độ phân giải cảm biến : Số triệu điểm ảnh càng cao bao nhiêu thì độ chi tiết của hình ảnh cũng sẽ tốt bấy nhiêu. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng không phải chỉ nằm ở yếu tố số triệu điểm ảnh một cách thuần túy, mà còn liên quan đến nhu cầu sử dụng thực. Nếu chỉ có nhu cầu đưa hình lên các trang mạng trong mục đích lưu niệm đơn giản, thì với máy ảnh số có độ phân giải dưới 6 Mp (triệu điểm ảnh) đã đáp ứng hầu như hoàn hảo. Nhưng nếu để chụp thời trang, kiến trúc, hay phong cảnh để in lịch, hay trưng bày triển lãm, thì thậm chí khoảng 20 – 40 Mp cũng có vẻ như còn thiếu.
- Dải tương phản động (dynamic range): xác lập độ rộng của khả năng ghi nhận sắc độ từ vùng tối đến vùng sáng nhiều hay ít. Những máy ảnh số càng hiện đại, càng cho phép ghi nhận dài tương phản động này càng rộng (đương nhiên người ta cũng có thể chọn ít hơn). Trong một số bối cảnh với sắc độ dịu, thì những thiết bị số rẻ tiền vẫn ghi nhận được đầy đủ sắc độ hình ảnh.
- Các tham số như độ sắc nét, độ tương phản, độ rực màu… đều có thể được hiệu chỉnh tùy theo nhu cầu người dùng, để đạt chất lượng hình ảnh như mong muốn.
- Vận dụng các yếu tố khác như ISO, tốc độ, tiêu cự, góc nhìn, ánh sáng, bố cục… cũng sẽ là những yếu tố xác định chất lượng về phần mềm của hình ảnh.
Như thế, nếu xét một cách tổng quan, thì chất lượng thực của hình ảnh hầu như lệ thuộc chính vào nhu cầu sử dụng thực của người dùng, hơn là số triệu điểm ảnh như rất nhiều người nghĩ đến, trong thời đại công nghệ số phát triển hiện nay.
Trung Thu
Có thể bạn quan tâm: