Hôm nay, ngày 01/08/2017, Zing MP3 - website nghe nhạc trực tuyến gắn liền với thương hiệu Zing của Công ty Cổ phần VNG - kỷ niệm tròn 10 năm phục vụ khán giả online.
Đối với tác giả bài viết này, con số 10 năm tròn trĩnh lạ thường, và trong một giây phút đọng lại, hầu như tất cả những gì kỉ niệm gắn với website nghe nhạc này ùa về. Bài viết này không nhằm phân tích các thông tin vĩ mô hay chiến lược, mà chỉ là ôn lại những kỷ niệm trong suốt 10 năm ấy.


Vào những năm 2005 - 2007, sự bùng nổ của Internet, đặc biệt là các thuê bao tốc độ cao ADSL, dẫn tới nhu cầu nghe nhạc trực tuyến tăng mạnh. Từ đường truyền VNN1269 tốc độ thường chỉ đạt 36Kbps (tương đương 5KB/s) và chỉ dám nghe các bài nhạc chất lượng bit rate chỉ cỡ 64Kbps (đã là ghê gớm lắm rồi), ADSL với tốc độ từ 512Kbps trở lên khiến thị trường âm nhạc trực tuyến bùng nổ, nhưng hầu hết vẫn là các website do cá nhân tự thực hiện.
Bạn có còn nhớ "Sơn Hải chấm in phô" (sonhai.info), "Hoàng Cờ Lấp chấm gâu chấm tu" (hoangclub.go.to) hay "Người đau khổ chấm cơm" (nguoidaukho.com), những câu nói quen thuộc vang lên giữa chừng các bài hát đôi khi khiến chúng ta tụt mood? Tôi đang nhắc đến thời kỳ đó đấy.

Các webmaster thời bấy giờ mấy ai có đủ chi phí để thuê server, hosting đắt đỏ nên tận dụng hầu hết các hosting miễn phí như GeoCities, WebSamba... để đặt file nhạc lên đó. Còn lại, hầu như chẳng còn giải pháp bảo mật nào.
Chính vì vậy, các website buộc phải chèn "watermark" vào để lỡ có bị mang đi nơi khác, vẫn còn thương hiệu của mình. Hầu hết họ sử dụng mã nguồn Xtremedia của tác giả RedPhoenix89. Ngoài ra, cũng còn một số website được đầu tư bài bản hơn như Nhạc 8, Yêu Ca Hát, Diễn đàn Lê Quý Đôn hay thậm chí là Nhacso.net.


Giữa thời điểm "quần long vô thủ", Zing MP3 ra mắt thị trường. Tuy chưa đến mức "như một vị thần" nhưng do là con cưng nhà VinaGame (tiền thân VNG), lại được sự hậu thuẫn khủng về mặt tài chính nên cái tên Zing MP3 nhanh chóng được quảng bá, lan tỏa và dần quen mặt với cộng đồng online.

Một trong những lợi thế của Zing MP3 thời điểm đó là phát nhạc nhanh, hoạt động ổn định, không bị dính các "watermark" giữa bài và cập nhật nhạc mới đều tay. Ngoài ra, không thể không kể đến đội ngũ nội dung chuyên nghiệp đứng sau.
Từ từ, các website nghe nhạc "lậu" mất dần chỗ đứng, một phần do giao diện đã không còn phù hợp, một phần nội dung không đủ lớn. Tất nhiên, những website làm vì "đam mê" sẽ rất khó cạnh tranh lại những sản phẩm lớn được đầu tư bài bản.
Từ đó đến nay, Zing MP3 đã trải qua không ít lần thay đổi. Đã từng có một thời, cứ mỗi lần website này đổi giao diện là giới "webmaster nghiệp dư" đua nhau... "chôm skin", hoặc cố gắng chỉnh sửa giao diện của mình càng giống Zing càng tốt.
Mà quả thật, nếu nhìn lại những lần Zing MP3 thay da đổi thịt, phần nào ta cũng hình dung được xu hướng thiết kế web của từng thời kỳ đã chuyển biến như thế nào. Từ phong cách màu mè, xanh đỏ tím vàng thời 2007 cho đến "cool ngầu" đón chào Noel, Zing MP3 dần chuyển sang tông xám và tím chủ đạo, rồi đơn giản hóa và phẳng dần cho hợp "thời thượng" cho đến giao diện hiện tại.

Đó là chưa kể vụ nhúng (embed) Zing MP3 vào các diễn đàn, vốn cực thịnh hành ở thời kỳ chưa có Facebook. Nhớ lúc đó, hầu hết nơi nào cũng hỗ trợ Flash và có sẵn BBCode (hiểu nôm na là mã tiện ích) [flash]. Nắm bắt được nhu cầu này, Zing MP3 nhanh chóng bổ sung chức năng "Nhúng blog" dành cho các tín đồ của blog Yahoo! 360 và "Nhúng forum" dành cho diễn đàn.
Lúc bấy giờ, không quá khó để bắt gặp những hướng dẫn nhúng nhạc từ Zing MP3 trên các diễn đàn. Chưa kể, Zing MP3 cung cấp giao diện bắt mắt cho player nhúng, khiến việc hỗ trợ Zing MP3 gần như là điều buộc phải có, tương tự như bộ biểu tượng cảm xúc của Yahoo! Messenger

Về mặt nội dung, không quá ngạc nhiên khi VNG tận dụng rất tốt mối quan hệ với các ca sĩ lớn để phát hành nhạc sớm nhất, chất lượng cao nhất và đôi khi còn là "Độc quyền trên Zing MP3". Nhưng đó là chuyện sau này, còn ở lúc mới ra, bạn có nhớ Bảo Thy là cái tên nổi tiếng số một?
Hàng loạt hit "Ngôi nhà hoa hồng", "Công chúa bong bóng", "Please tell me why" đều phát hành trên Zing MP3, Bảo Thy ra bài nào thành hit bài đó mà đến bây giờ, rất nhiều khán giả vẫn chưa thể quên.
Cũng từng có một thời, giới lập trình viên kháo nhau, phiên bản "đầu tiên của đầu tiên" Zing MP3 sử dụng mã nguồn Xtremedia, thậm chí mời cả tác giả RedPhoenix89 về làm trong đội kỹ thuật. Sau đó họ mới từ từ mới phát triển công nghệ của riêng mình. Tuy nhiên, đến giờ vẫn chưa có ai lên tiếng xác nhận thông tin trên, và tin đồn chỉ dừng ở mức... tin đồn.

Khái niệm Bảng xếp hạng nhạc Việt, nhạc US-UK, nhạc Hàn... Zing MP3 là một trong những người tiên phong. Bảng xếp hạng real-time thể hiện lượt lên xuống lượt nghe của các bài hát theo thời gian thực, Zing MP3 cũng áp dụng đầu tiên.
Zing MP3 cũng đã ký hợp đồng với Universal Music và các đơn vị sở hữu bản quyền khác để bán nhạc bản quyền, thanh toán bằng... Zing Xu. Nhiều người nhận xét, đó là những cú đánh "chết người" của Zing MP3 đối với các đối thủ, và mở ra một thời kỳ "bình minh" cho nhạc trực tuyến.
Rồi sau đó, thêm một loạt những công nghệ mới được bổ sung như: Zing VIP, theo sau đó là nhạc chất lượng 320Kbps và Lossless, ngày càng đáp ứng được nhu cầu cao của người dùng.
Và đừng quên zing music awards , giải thưởng âm nhạc trực tuyến cộp mác Zing MP3, đã bước sang năm thứ 8.
Thật sự, khi nhìn lại, Zing MP3 đã tiến những bước dài, rất dài, từ một website bị nghi ngờ "xài mã nguồn mở" cho đến ông trùm làng nhạc số như hiện nay.
Tuy không lâu sau khi ra mắt, cuộc chơi nhạc số trực tuyến có sự tham gia của các "anh tài" khác như NhacCuaTui.com, Nhac.vui.vn hay Nhacso.net; khán giả bắt đầu phân tán, mỗi website đều có lượng khán giả trung thành riêng, nhưng những cảm xúc và những kỷ niệm với Zing MP3 thời kỳ đầu, đối với tôi luôn vô cùng quý giá, không thể nào thay thế được.